Đường dẫn truy cập

Tổ chức Minh Bạch Quốc tế: 'EU còn thiếu sót về quản lý minh bạch'


Trụ sở Liên minh Âu châu ở Brussels
Trụ sở Liên minh Âu châu ở Brussels
Tổ chức theo dõi tình hình quản lý minh bạch Transparency International mới công bố báo cáo đầu tiên từ trước tới nay về Liên minh châu Âu và những cơ quan trực thuộc, bao gồm Nghị viện châu Âu và những cơ quan khác. Theo tường trình của thông tín viên Jeffrey Young, báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế chỉ ra nhiều thiếu sót.

Lần đầu tiên Liên minh châu Âu bị tổ chức Minh bạch Quốc tế kiểm tra, và các cơ quan của EU có nhiều thiếu sót đáng chú ý, theo ông Mark Perara, trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo. Ông nói:

"Khắp các cơ quan trong hệ thống, chúng tôi phát hiện một số điều gồm có quá trình ra quyết định mập mờ của EU, và sự thiếu minh bạch trong việc vận động hành lang EU. Chúng tôi cũng nhận thấy cần phải cải thiện cách thức xử lý những xung đột về lợi ích đối với những người ra quyết định cấp cao của EU. Chúng tôi cũng thấy những người tố cáo tiêu cực trong nội bộ những tổ chức EU chưa được bảo vệ tốt, và chúng tôi xem đây là sự bảo vệ trọng yếu trong việc phát giác tham nhũng bị tình nghi. Chúng tôi cũng thấy những biện pháp trừng phạt còn yếu đối với những công ty nhũng lạm.”

Một hoạt động dễ nảy sinh tham nhũng là vận động hành lang – là việc những nhóm lợi ích bên ngoài gây ảnh hưởng đến những người ra quyết định trong giới hành pháp và lập pháp. Báo cáo cho biết những quy định hiện hành của EU kiểm soát sự tương tác giữa những người vận động hành lang với các nhà lãnh đạo và các nhà lập pháp EU còn quá yếu.

Nhà phân tích Jacob Kirkegaard, một thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, tán đồng với nhận định này của báo cáo:

"Đó hoàn toàn là điều bức thiết đối với một tổ chức như Liên minh châu Âu, chịu trách nhiệm ban hành rất nhiều quy định quản lý cho toàn bộ lục địa châu Âu. Không biết gì về sức mạnh của việc vận động hành lang và khả năng mà những người vận động hành lang tiếp cận các nhà hoạch định chính sách trong tình huống đó, tôi nghĩ, là không thể chấp nhận được trong bất kỳ quốc gia dân chủ nào.”

Các nhà lãnh đạo và lập pháp của nhiều quốc gia theo luật buộc phải tiết lộ đầy đủ cổ phần tài chính, lợi tức, và tài sản của mình - để giúp đảm bảo với người dân rằng không quyết định nào được đưa ra xung đột với lợi ích của công chúng. Ông Perara nói đây là một vấn đề nữa cho EU:

"Chúng tôi nhận thấy rằng Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu có nghĩa vụ kê khai sản quyền tài chính của họ. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy thông tin tài chính trong những tài sản cá nhân được khai báo đang được xác minh một cách có hệ thống và toàn diện.”

Ông Jacob Kirkegaard của Viện Peterson nói có phần chắc EU sẽ gặp khó khăn trong việc củng cố những luật và thủ tục chống tham nhũng của mình:

"Đúng là nếu thực sự muốn giải quyết tận gốc vấn đề thì phải chỉnh sửa và cải tổ cái gọi là Hiệp ước EU, một tiến trình chính trị vô cùng cồng kềnh phức tạp, gần như là thay đổi Hiến pháp Mỹ vậy. Đây không phải thứ mà các cơ quan lập pháp dễ lao vào được.”

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy 70% dân trong khối EU tin rằng những cơ quan của EU dễ bị tham nhũng. Và giới chức Minh bạch Quốc tế nói rằng nếu các nhà lãnh đạo EU lo ngại về điều đó, những nguy cơ tham nhũng cần phải được xử lý trước khi trở thành những vụ bê bối tham nhũng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG