Đường dẫn truy cập

Chính phủ Thái Lan tìm cách hàn gắn chia rẽ quốc gia trước bầu cử


Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva
Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva

Hai năm sau khi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva của Thái Lan lên nắm quyền, chính phủ của ông và phe đối lập đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử toàn quốc phải được tổ chức trong vòng 14 tháng. Nhưng trước tiên, chính phủ muốn hàn gắn những sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội để đảm bảo cuộc bầu cử sẽ không dẫn tới tình trạng bạo động chính trị hơn nữa.

Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nhấn mạnh đến những thành tựu kinh tế mạnh mẽ trong năm thứ hai trong nhiệm kỳ của chính phủ do ông lãnh đạo và những chương trình cải cách xã hội.

Nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng gần 8% trong năm 2010, với tỷ lệ thất nghiệp giảm và lượng xuất khẩu tăng.

Trong bài diễn văn tổng kết cuối năm mới đây, ông Abhisit nhấn mạnh tới các chương trình hỗ trợ người nghèo bao gồm chương trình giáo dục căn bản miễn phí, giúp đỡ người cao niên, và hỗ trợ nông dân.

Ông Panitan Wattanayagorn, phát ngôn nhân chính phủ, cho biếtnền kinh tế cải thiện là một phần trong nỗ lực của chính phủ hầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử phải được tổ chức vào tháng hai năm 2012.

Ông Panitan cho biết: “Bầu cử sắp tới rồi, điều đó là chắc chắn. Thủ tướng rất rõ ràng, ông đang gửi tín hiệu cho người dân Thái sẵn sàng. Phục hồi kinh tế, quá rõ ràng là chúng tôi đã đạt được đó. Điều thứ hai, dĩ nhiên là các luật lệ bầu cử mới phải được đúc kết trong vài tuần tới. Yếu tố còn lại sau cùng là làm thế nào để đảm bảo một cuộc bầu cử thật ôn hòa và ổn định.”

Ông Abhisit dẫn đầu một chính phủ liên minh lên nắm quyền hồi năm 2008 sau khi tòa phán quyết lật đổ hai chính phủ có liên kết với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006. Hôm thứ hai, ông Abhisit phủ nhận các suy đoán của giới truyền thông rằng ông có thể sẽ tổ chức bầu cử sớm.

Tuần này chấm dứt năm bất ổn nhất trong nền chính trị của Thái trong gần 2 thập niên qua. Các cuộc biểu tình do Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ khởi xướng buộc chính phủ phải giải tán và tổ chức bầu cử. Trong 2 tháng, hang ngàn người biểu tình Áo Đỏ đã chiếm đóng khu vực trung tâm của thủ đô Bangkok.

Cuối tháng 5, quân đội giải tán những người biểu tình. Cuộc trấn áp cùng những tuần lễ biểu tình trước đó đã dẫn tới hậu quả là 92 người thiệt mạng và tới 2 ngàn người bị thương, cả thường dân và quân đội.

Khoảng 400 lãnh đạo và người biểu tình phe Áo Đỏ bị bắt giữ, nhiều người trong số này đối diện trước các cáo trạng về tội khủng bố. Và quốc gia vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc giữa phe Áo Đỏ và phe Áo Vàng, thành phần đã thúc đẩy để lật đổ ông Thaksin và những người nối nghiệp của ông.

Ông Kudeb Saikrajang, một thành viên trong đảng Puea Thai, một đảng đối lập ủng hộ ông Thaksin, cho biết đảng này đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử, nhưng ông không kỳ vọng một cuộc bầu cử sẽ sớm diễn ra.

Ông Kudeb nói: “Chúng tôi không tin là bầu cử sẽ diễn ra trước khi nhiệm kỳ của chính phủ kết thúc vì phe liên minh muốn chính phủ nắm quyền thêm một năm nữa.”

Ông Kudeb nhấn mạnh rằng đảng của ông thống nhất và ông Thaksin vẫn còn ảnh hưởng đáng kể đối với giới lãnh đạo của đảng này.

Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ (tức UDD) dưới sự lãnh đạo mới của ông Thida Thavornseth sẽ hậu thuẫn đảng Puea Thai trong cuộc bầu cử. Ông Thida cho biết hai bên sẽ cùng làm việc với nhau để đảm bảo rằng các cuộc vận động bầu cử của UDD vẫn ôn hòa.

“Chúng tôi có một chiến lược gọi là hai chân. Một chân là phong trào Áo Đỏ, và chân còn lại là đảng. Tại Quốc hội, chúng tôi sẽ sử dụng cả hai chân này.”

Một mối quan tâm chung cho tương lai chính trị của Thái Lan là liệu các ủy ban của chính phủ điều tra về vụ đẫm máu trong năm nay có thể gầy dựng lại niềm tin của dân chúng trước cuộc bầu cử hay không.

Ông Somchai Homla-or, một luật sư nhân quyền và là thành viên của một trong những ủy ban này, tin rằng có thể đạt được sự hòa giải.

Ông Somchai nhận xét: “Giữa các đảng phái xung đột với nhau, tôi tin rằng đa số họ không phải là những người muốn sử dụng bạo lực, họ là những người bạn, và họ có cùng quan điểm muốn tăng cường dân chủ. Họ muốn nhìn thấy một đất nước Thái Lan phát triển bền vững, họ muốn nhìn thấy Thái Lan là một xã hội của sự công bằng và tình thương yêu.

Ông Somchai cho biết giới lãnh đạo UDD nói với ông rằng họ sẽ giữ vững kế hoạch đảm bảo một cuộc bầu cử ôn hòa.

Thế nhưng ông Chris Baker, một ngòi bút và là một nhà bình luận về chính trị Thái, thì hoài nghi về khả năng các ủy ban này sẽ xoa dịu được những căng thẳng trước khi cuộc bầu cử diễn ra.

Ông Baker nói: “Hai bên đã đạt tới quan điểm về những gì đã xảy ra. Phần đông rất nghi ngại rằng bất kỳ ủy ban nào kiểu này sẽ mang lại được những gì mới mẻ hoặc có sức thuyết phục. Sẽ thật tuyệt nếu họ thật sự mang lại được điều gì mà mọi người hoặc ít nhất là nhiều người có thể tán đồng, nhưng tôi cho rằng điều này hết sức khó xảy ra.”

Vào ngày 1/1, chính phủ Thái sẽ đề ra một kế hoạch hòa giải toàn quốc hầu cổ súy sự bình đẳng và công lý. Tuy nhiên, một số các nhà phân tích chính trị và chính khách e rằng kế hoạch này có thể sẽ quá ít ỏi để có thể hàn gắn những sự chia rẽ trước khi các đảng phái chính trị của Thái bắt đầu vận động dành quyền cai trị một đất nước bị chia rẽ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG