Đường dẫn truy cập

Rất ít người ở Đài Loan tự nhận là người Trung Quốc


Trẻ em Ðài Loan biểu diễn mừng Lễ Quốc Khánh Song Thập hôm 10/10/11
Trẻ em Ðài Loan biểu diễn mừng Lễ Quốc Khánh Song Thập hôm 10/10/11

Hôm mồng 10 tháng 10 vừa qua, đảng đương quyền ở Đài Loan là Quốc Dân Đảng và nước Trung Hoa Dân Quốc mà đảng này sáng lập đã mừng kỷ niệm 100 năm ngày diễn ra cuộc Cách mạng Tân Hợi, lật đổ triều đình Mãn Thanh ở Trung Quốc. Một số các buổi lễ được cử hành với mục đích nhắc nhở dân chúng Đài Loan rằng Quốc Dân Đảng chào đời ở Trung Quốc và vẫn còn gốc rễ ở đó. Tuy nhiên, bất chấp sự tương đồng về sắc tộc, hầu hết người dân Đài Loan hiện nay không tự nhận là người Trung Quốc.

Một cuộc duyệt binh diễn ra ở Đài Bắc để mừng lễ Song Thập, mồng 10 tháng 10, ngày kỷ niệm cuộc cách mạng Tân Hợi do Quốc Dân Đảng khởi xướng để lật đổ triều đình Mãn Thanh và lập ra Trung Hoa Dân Quốc cách nay 100 năm.

Chính quyền của Quốc Dân Đảng, dưới sự lãnh đạo của Thống chế Tưởng Giới Thạch, đã đến Đài Loan trong những năm cuối của thập niên 1940, sau khi thất bại trong cuộc nội chiến với Đảng Cộng Sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông cầm đầu.

Sau khi đến Đài Loan, ông Tưởng Giới Thạch đã ra sức ngăn chận việc sử dụng tiếng Đài Loan và tìm cách Hán Hóa những người bản xứ ở đảo này.

Hiện nay tuy nhiều người Đài Loan vẫn duy trì những tập tục truyền thống của Trung Quốc, nhưng ngày càng có nhiều người ở đảo quốc này muốn lánh xa Trung Quốc.

Dân chúng ở đây cho biết họ có một bản sắc riêng của mình qua việc hòa nhập của nhiều thế hệ và nhiều sắc tộc ở Đài Loan.

Ông Lâm Kiệt, 38 tuổi, là giám đốc của một công ty phân phối các chương trình truyền hình ở Đài Loan. Ông cho biết như sau về việc này:

"Theo tôi thì sự phân biệt về chủng tộc hay sắc tộc đã trở nên không còn ý nghĩa gì với nhiều người trong giới trẻ hiện nay và thay vào đó là một sự tương đồng về văn hóa và lối sống."

Chính phủ ở Bắc Kinh vẫn tuyên bố có chủ quyền đối với Đài Loan và không ngớt vận động chống lại những nỗ lực của Đài Loan để được cộng đồng quốc tế thừa nhận là một quốc gia và tìm cách hạn chế vai trò của đảo quốc này tại những tổ chức quốc tế, như Liên hiệp quốc chẳng hạn.

Ông Lâm Kiệt cho rằng mối quan hệ có nhiều căng thẳng với Trung Quốc chính là một phần trong căn cước mới của người dân Đài Loan. Ông nói:

"Tôi nghĩ rằng nhiều người Đài Loan có thể nói là đã chấp nhận điều này và tự xem đó là một phần của bản sắc của mình. Tuy họ không được mọi nước trên thế giới công nhận về mặt ngoại giao nhưng cuộc đời vẫn cứ như thế mà trôi qua. Công việc cứ tiếp diễn và các mối quan hệ vẫn tiếp diễn."

Kết quả cuộc thăm dò trong năm nay của một tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan có tên là Taiwan Thinktank cho thấy trong số 23 triệu người ở Đài Loan chỉ có 5,7% xem Trung Quốc là quê hương của mình.

Những người đi theo ông Tưởng Giới Thạch đến Đài Loan giờ đây đã già trong lúc con cháu của họ hăng hái chấp nhận những nét đặc thù về ngôn ngữ và văn hóa của người dân địa phương, kể cả của những người thổ dân ở Đài Loan.

Ông Đổng Chấn Viễn, một chuyên gia về nghiên cứu phát triển của Đại học Chính Trị ở Đài Bắc, cho biết sự thay đổi này đã bắt đầu cách nay hơn 20 năm.

"Tôi nghĩ rằng người dân ở Đài Loan đã dần dần nhận thấy những sự khác biệt giữa Đài Loan với Trung Quốc, đặc biệt là những sự khác biệt về giá trị, như tự do, nhân quyền và dân chủ. Thêm vào đó họ cũng nhận ra sự khác biệt về lối sống giữa Đài Loan với Trung Quốc. Vì thế cho nên họ dần dần giữ một khoảng cách với Trung Quốc về thân phận hay lý lịch của mình."

Năm 1992, một cuộc nghiên cứu của Đại học Chính trị cho thấy 26% công dân Đài Loan tự nhận là người Trung Quốc. Nhưng năm ngoái, con số này đã giảm xuống chỉ còn 4%.

Thậm chí Quốc Dân Đảng cũng thay đổi lập trường của họ về vấn đề căn cước Đài Loan. Những buổi lễ mừng Quốc khánh Song thập trong tuần qua bao gồm những màn trình diễn các vũ điệu của thổ dân Đài Loan và Tổng thống Mã Anh Cửu cũng đọc diễn văn bằng tiếng Đài Loan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Kim Bình, một chính khách thuộc Quốc Dân Đảng, nói rằng tính chất song trùng này là một điều rất dễ nhận thấy:

"Có một điều rất phổ biến ở Đài Loan: bất kể là người ngoại tỉnh hay là người khách gia, là người gốc Phúc Kiến hay là người thổ dân, hay là người mới di dân đến đây, ai nấy cũng đều cho rằng mình là người dân của Trung Hoa Dân Quốc, là người dân Đài Loan. Đó là một điều không còn gì để nghi ngờ nữa cả."

Tuy nhiên Trung Quốc không phải chỉ là một phần của quá khứ của Quốc Dân Đảng. Tổng thống Mã Anh Cửu đã dùng bài diễn văn hôm thứ hai để hô hào cho chủ trương là Đài Loan không nên chính thức tách khỏi Trung Quốc và thay vào đó hãy cố gắng cải thiện các mối quan hệ với chính phủ ở Bắc Kinh để có thể có được nhiều lợi ích từ nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG