Đường dẫn truy cập

Các vụ kiện về nhạc đám ma ở Đài Loan nêu bật vấn đề tác quyền


Sách luật tác quyền
Sách luật tác quyền

Các tang nghi quán ở Đài Loan mới đây đã gặp phải hai đơn kiện cho rằng họ không được phép sử dụng những bản nhạc thu thanh tại các buổi lễ. Tuy nhiên, những người trong nghề nói rằng họ có quyền sử dụng những bản nhạc đó ở chỗ riêng tư của những người trong tang quyến. Những vụ kiện này cho thấy vấn đề tác quyền vẫn còn tồn tại ở Đài Loan, tuy giới hữu trách đã ra sức bài trừ tệ nạn vi phạm tác quyền trong gần 20 năm qua.

Bên cạnh việc mời đội kèn bát âm đến diễn tấu tại những buổi lễ cổ truyền, các tang nghi quán ở Đài Loan cũng thường cho chạy những băng nhạc thu sẵn. Mới đây, hai công ty đĩa nhạc ở Đài Loan đã nộp đơn cho tòa án để đòi được trả tiền cho mỗi lần đĩa nhạc của họ được sử dụng tại tang lễ. Trước đó, 3 vụ kiện tương tự đã bị các thẩm phán Đài Loan bác đơn.

Một luật sư của công ty đĩa nhạc từ chối bình luận về việc này. Nhưng bà Vương Mỹ Hoa, Cục trưởng Cục Bảo vệ tài sản trí thức, nói rằng đây là những vụ kiện phức tạp, vì các tang nghi quán đã sở hữu những đĩa nhạc và tin rằng họ không cần phải trả thêm 30 đô la để sử dụng tại mỗi buổi lễ, như đòi hỏi của công ty đĩa nhạc. Phần nhạc của những băng nhạc đó dựa trên những câu kinh Phật giáo và không có tác quyền.

Bà Vương Mỹ Hoa nói rằng vì các tang nghi quán là cơ sở kinh doanh nên các công ty đĩa nhạc cho rằng họ phải trả tiền cho mỗi lần sử dụng đĩa nhạc. Nhưng đây là một vấn đề phức tạp, vì các tang nghi quán cho rằng sử dụng đĩa nhạc chỉ là một phần rất nhỏ của dịch vụ tang nghi. Bà nói thêm rằng đôi bên chưa đạt được thỏa hiệp vì các công ty đĩa nhạc đòi tiền quá cao.

Vi phạm tác quyền có thời là một vấn đề rất rõ ràng ở Đài Loan, khi những kẻ sao chép lậu lộng hành trong khoảng thời gian đảo quốc này bắt đầu trở nên giàu có hồi đầu thập niên 1990.

Dưới áp lực của các đại công ty âm nhạc, phim ảnh và nhu liệu điện toán ở nước ngoài, Đài Loan đã phát động những chiến dịch để trấn áp những người sản xuất và mua bán các sản phẩm sao chép lậu. Những chiến dịch đó đã mang lại hiệu quả và các giới chức ở đây cho biết hầu như không còn ai sản xuất những loại đĩa sao chép lậu với qui mô lớn để mang bán trên đường phố như trước nữa.

Chiến trường của cuộc chiến chống nạn sao chép lậu giờ đây là ở Trung Quốc, nơi có rất nhiều công xưởng chuyên sản xuất hàng loạt những loại đĩa lậu để bán ở những nơi có đông du khách.

Một số người ước tính rằng 95% đĩa nhạc ở Trung Quốc là đĩa lậu. Tuy nhiên thị trường nhạc lậu ở Đài Loan có thể đang trỗi dậy vì dân chúng ở đây dùng máy tính xách tay và máy tính bảng để tải xuống những bản nhạc ngoại quốc mà không trả tiền.

Ông John Easwood, một luật sư Mỹ làm việc cho công ty luật Eiger ở Đài Loan, nói rằng vấn đề này vượt khỏi tầm kiểm soát của giới hữu trách địa phương. Ông nói:

"Đài Loan đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Khi trước, những sản phẩm sao chép lậu phổ biến dưới hình thức CD ROMS, DVD, và CD. Nhưng ngày nay, với sự phố cập của các thiết bị di động, mọi thứ đã lên mạng. Đây là một sự thay đổi rất lớn đối với môi trường chấp hành luật pháp. Trong lúc cả thế giới hòa mạng với nhau, internet là nơi xảy ra những hoạt động sao chép lậu."

Cơ quan bảo vệ tác quyền của chính phủ Đài Loan cho biết vấn đề tải xuống bất hợp pháp là có tính chất quốc tế và việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự hợp tác từ các địa điểm internet cho phép tải xuống ở nước ngoài.

Nhưng họ nói rằng vấn đề nhạc đám tang -- một vấn đề riêng của Đài Loan và chưa có cách giải quyết ngay, có thể làm trầm trọng thêm những vụ tranh chấp về tác quyền.

Một mối quan tâm của các giới chức chính phủ là những người sở hữu tác quyền có thể bắt đầu đòi những người trình diễn nhạc phải trả tiền khi họ tham gia những tang lễ lớn.

Những người chủ quán karaoke cũng cảm thấy bất mãn vì 5 hiệp hội tác quyền đòi tiền tác quyền cho những bản nhạc karaoke được hát tại những địa điểm giải trí được người dân ưa thích.
Những khoản tiền thu được sẽ được phân phối cho các công ty đĩa nhạc nhưng giới chủ quán karaoke không biết nhóm nào sở hữu những bản nhạc nào và giá cả bao nhiêu là hợp lý. Những vụ tranh chấp này đã được đưa ra tòa. Bà Vương Mỹ Hoa nói rằng đây là một vấn đề phức tạp.

Bà Vương nói rằng trong lúc hầu hết các nước khác có một tổ chức trung gian để thu tiền tác quyền từ những quán karaoke, Đài Loan có đến 5 tổ chức, làm cho tình hình trở nên phức tạp và gây bất mãn cho những người làm chủ các địa điểm giải trí.

Những vụ kiện về nhạc đám ma đang được nhiều người theo dõi vì đây có thể là chuẩn mực của vấn đề bảo vệ tác quyền trong những tình huống bất thường.

Luật sư Eastwood cho rằng những vụ kiện này có thể cho thấy quyết tâm của giới hữu trách Đài Loan trong việc bảo vệ tác quyền. Ông nhận định:

"Đây là một tình huống khá thú vị, trong đó một người làm chủ tác quyền đòi hỏi quyền lợi của mình trong một tình huống đặc biệt. Cụ thể là quyền lợi đối với những lời kinh Phật giáo trong những bản nhạc chỉ được sử dụng như một phần của tang lễ hay chỉ được phát tại nhà quàn. Tôi rất thích thú khi thấy tác quyền có thể được bảo vệ tới mức độ này."

Tuy nhiên, những người quản lý tang nghi quán tin rằng hai vụ kiện đang chờ tòa án phân xử, cùng với 7 vụ kiện khác đang chờ giải quyết ngoài tòa, rốt cuộc sẽ bị bác bỏ. Bà Quách Huệ Thần, người đứng đầu Hiệp hội Tang nghi của thành phố Đài Trung, nói rằng 2.000 tang nghi quán trong hiệp hội của bà sẽ tiếp tục dùng các đĩa CD tại các tang lễ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG