Đường dẫn truy cập

Phim tài liệu cáo buộc người đào tị Bắc Triều Tiên bị ngược đãi


Hình tư liệu - Một người đào tị Bắc Triều Tiên đang sống ở Hàn Quốc sử dụng điện thoại di động trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của cô ở Seoul.
Hình tư liệu - Một người đào tị Bắc Triều Tiên đang sống ở Hàn Quốc sử dụng điện thoại di động trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của cô ở Seoul.

Ở Hàn Quốc một bộ phim tài liệu mới đang cố gắng lập luận rằng Cơ quan Tình báo Quốc gia của nước này đang sử dụng những kỹ thuật mang tính ngược đãi và cưỡng chế để vạch trần những người bị cho là gián điệp Bắc Triều Tiên giả dạng làm người đào tị. Đối với đạo diễn Choi Seung-ho, bộ phim ‘Spy Nation’ là một công trình báo chí độc lập nhằm buộc những quan chức chính phủ chịu trách nhiệm về những vụ lạm quyền.

Phim Spy Nation tập trung vào một trường hợp cá biệt liên quan đến một người đào tị Bắc Triều Tiên tên là Yu Woo-sung, bị bắt vào năm 2014 về tội làm gián điệp, nhưng được tha bổng một năm sau đó sau khi người ta phát hiện ra rằng những tài liệu khép tội trong vụ này là ngụy tạo, được cho là do Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) làm ra.

Vụ việc của Yu đã trở thành vụ bê bối được báo chí đưa tin rộng rãi khiến giám đốc NIS Nam Jae-joon phải lên tiếng xin lỗi và một quan chức cao cấp của cơ quan tình báo này phải từ chức.

Đạo diễn của Spy Nation, Choi Seung-ho, sử dụng vụ việc của Yu và những người khác được ghi lại trong phim để lập luận rằng việc NIS ráo riết truy lùng gián điệp là triệu chứng của một cơ quan đầy quyền lực và bí mật chỉ nhận lệnh từ tổng thống, hoạt động với ít sự giám sát và kiểm soát từ bên ngoài.

Ông Choi nói: "Chúng ta cần phải thay đổi hệ thống pháp lý để ngăn NIS can dự vào tất cả những điều mang tính chính trị này cho phép Quốc hội toàn quyền kiểm soát NIS."

Cưỡng ép

Một phần vụ việc của Yu cũng liên quan đến những cáo buộc cưỡng ép về thể chất và tâm lý trong quá trình thẩm vấn của NIS.

Trước khi bị bắt, ông Yu làm việc cho chính quyền thành phố Seoul hỗ trợ những người đào tị mới đến.

NIS nghi ngờ ông ta khi đó đang gửi trở về Bắc Triều Tiên những danh sách chứa tên và những thông tin nhạy cảm khác về những người đào tị.

Khi em gái của ông Yu, Yu Garyeo, đến Hàn Quốc để xin tị nạn, cô bị NIS thẩm vấn về những hoạt động của anh trai.

Trong cuộc phỏng vấn mà đạo diễn Choi thực hiện, Yu Garyeo nói cô bị NIS biệt giam liên tục mấy tuần, chỉ có người thẩm vấn nói chuyện với cô. Người thẩm vấn đánh, đe dọa và quấy nhiễu cô cho đến khi cô đồng ý đưa ra lời thú tội không đúng sự thật, khép tội cô và anh trai cô làm gián điệp cho Bắc Triều Tiên.

Yu Garyeo bị trục xuất và mặc dù anh trai của cô được tha bổng về tội làm gián điệp, ông ta bị mất tất cả trợ cấp của chính phủ dành cho người đào tị Bắc Triều Tiên, sau khi ông ta bị phát hiện đã sống ở Trung Quốc và đã trở thành công dân Trung Quốc trước khi tìm cách đào tị.

Hơn 1.000 người Bắc Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc mỗi năm. Tất cả họ đều phải trải qua thẩm vấn tại những cơ sở của NIS để loại trừ những gián điệp tiềm năng và thu thập thông tin về tình hình bên trong chính quyền bí mật và độc đoán của Kim Jong Un.

Người đào tị và nhà phân tích Bắc Triều Tiên Ahn Chan-il, thuộc Viện Thế giới Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, cho biết quá trình thẩm vấn đôi khi có thể khắc nghiệt nhưng sẽ là sự cường điệu nếu ngụ ý rằng tình trạng ngược đãi xảy ra trên diện rộng và là một phương thức được nhiều người chấp nhận.

Ông Ahn nói:

"Đúng là những quan chức NIS có thể nói chuyện to tiếng trong quá trình kiểm tra thân thế người đào tị, và họ có thể sử dụng một số hành động cưỡng chế nếu người đào tị có vẻ đáng ngờ, nhưng điều này chỉ áp dụng cho một số người đào tị cụ thể."

Mối đe dọa có thật

Mối đe dọa gián điệp đã trở nên thậm chí còn nguy hiểm hơn đối với an ninh quốc gia trong thời đại khủng bố trên mạng.

Trước đó trong năm nay, đơn vị cảnh sát điều tra không gian mạng của Hàn Quốc báo cáo Bắc Triều Tiên đã xâm nhập hàng ngàn máy tính tại những công ty và những cơ quan chính phủ của Hàn Quốc.

Đã có những trường hợp gián điệp Bắc Triều Tiên giả dạng làm người đào tị. Cơ quan tình báo của Hàn Quốc được cho là thường đe dọa trừng phạt và bỏ tù gia đình của những người đào tị để buộc họ phải tuân thủ.

Báo chí độc lập

Ông Choi, đạo diễn bộ phim, cũng có liên hệ với Trung tâm Báo chí Điều tra Hàn Quốc, một tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bằng những khoản đóng góp nhỏ từ 350.000 người.

Tổ chức này này nhấn mạnh sự độc lập của báo chí chống lại áp lực chính trị, đối lập với những hãng tin có vị thế mà ông nói là vẫn không buộc những quan chức chính phủ chịu trách nhiệm về những vụ lạm quyền.

Đạo diễn Spy Nation cũng xuất hiện trong phim khi ông phỏng vấn những người đào tị và khi ông truy vấn tới tấp những quan chức chính phủ trên đường phố và có lúc tại một sân bay đông đúc.

Ông Choi nói NIS đã không thành công trong việc tìm cách gán hai tội phỉ báng hình sự và dân sự nhắm vào ông về việc ông trường trình về vụ việc này.

Ông Choi hy vọng Spy Nation sẽ được phát hành tại một số rạp chiếu phim của Hàn Quốc vào tháng 9.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG