Đường dẫn truy cập

Các chuyên gia tìm hiểu về lãnh đạo Bắc Triều Tiên qua đường lối tuyên truyền


Phóng viên Won-Ki-Choi ban Hàn ngữ nói rằng có thể thấy những dấu hiệu có ý nghĩa khi đọc kỹ tin tức của truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên
Phóng viên Won-Ki-Choi ban Hàn ngữ nói rằng có thể thấy những dấu hiệu có ý nghĩa khi đọc kỹ tin tức của truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên là một trong những chính phủ bí mật nhất thế giới che dấu sự thực về kinh tế và chính trị đối với nước ngoài và ngay cả đối với người dân trong nước. Xác định được kế hoạch của nhà nước Cộng sản này giống như đếm lá rụng mùa thu vậy. Và với việc Bình Nhưỡng loan báo đại hội đảng cầm quyền trong vòng 30 năm nay, Thông Tín Viên VOA Kate Woodsome tường trình là các nhà quan sát đang chăm chú theo dõi nước này để tìm hiểu thêm nữa.

Các phát thanh viên của đài VOA ban Hàn ngữ thay phiên nhau đọc các tin tức vào hai micrô đặt trong phòng thu thanh tại Washington. Viên giám đốc hướng dẫn họ xuyên qua suốt chương trình.

Chương trình phát thanh hướng về Bắc Triều Tiên nơi nhà cầm quyền thường xuyên làm nhiễu sóng. Tuy nhiên đưa tin vào Bắc Triều Tiên không khó khăn bằng lấy tin ra ngoài.

Trong phòng tin, phóng viên lâu năm Won-Ki Choi nhìn chăm chú vào những trang mạng của Bắc Triều Tiên và hình ảnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Khi đọc đến tin về trận bão mới đây, ông Choi nói là có thể thấy những dấu hiệu có ý nghĩa khi đọc kỹ những tin tức của truyền thông nhà nước. Ông nhận xét:

“Đây là những bản tin của KCNA, Thông tấn xã chính thức của nhà nước Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ là không có tin tức thực sự nào cả. Nhưng nếu đọc cẩn thận những bản tin này thì chỉ thấy tin tức về cơn bão số 7 Kompasu. Điều lý thú là thường không có tin về số người bị thiệt mạng nào cả.”

Ông Choi nói đối với cơn bão xảy ra trong tháng này, truyền thông Bắc Triều Tiên có một bước tiến rất hiếm hoi là loan báo số tử vong do thiên tai gây ra:

“Đây là lần đầu tiên có hơn chục người thiệt mạng vì lũ lụt, giông gió và đất chuồi. Đây là lần đầu tiên họ nói như thế.”

Ông Choi nói những chi tiết bất thường này khiến người dân Bắc Triều Tiên chú ý. Tuy nhiên xác định tại sao truyền thông nhà nước muốn gây sự chú ý đối với người dân lại càng khó khăn hơn.

Ông Choi cho biết có thể việc này dính líu tới đại hội Đảng Công nhân cầm quyền sắp tới. Lúc đầu đại hội dự trù tổ chức vào trung tuần tháng 9 nhưng sau đó thời điểm này qua đi mà không được truyền thông nhà nước nhắc đến.

Ông Choi nói là những tin tức về cơn bão có thể là một cách kín đáo giải thích việc hoãn tổ chức đại hội:

“Do đó họ nên giải thích một ít về việc này cho chính dân chúng Bắc Triều Tiên và cho bên ngoài biết. Theo sự giải thích của tôi thì một số dân chúng địa phương, một số đại diện địa phương của Đảng Công nhân Triều Tiên đã không đến Bình Nhưỡng”

Đây chỉ là dự đoán, hoàn toàn có tính cách đồn đãi. Điều này gọi là Bình Nhưỡng Học, con đẻ còn sót lại của Kremli Học, một nghệ thuật nghiên cứu về chính phủ trung ương luôn có hành vi thiếu rõ ràng của Liên bang Xô viết trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Ông Charles Amstrong, giám đốc trung tâm Nghiên cứu về Triều Tiên tại trường đại học Columbia, New York nói một kỹ năng quan trọng nhất của Bình Nhưỡng Học là kiên nhẫn xem xét hàng núi những tài liệu tuyên truyền. Ông nói:

“Giọng điệu của truyền thông Bắc Triều Tiên đầy dẫy những sự lập đi lập lại và sáo rỗng. Tuy nhiên nếu biết cách đọc một cách đúng đắn thì có thể tìm được những gợi ý lý thú trong tất cả những tuyên bố lập đi lập lại đó và sẽ biết được những tin tức nào cần chú ý đến.”

Những manh mối cũng được tìm thấy qua các hình ảnh và bài ca như dưới đây.

Nhạc điệu “Bước chân” được phát ra trên toàn quốc trong năm qua ca ngợi những đức tính của Kim Jong Un, người con út của Kim Jong Il.

Khi công bố rằng “Chỉ huy trưởng Kim đang tiến bước” điều này được xem như là một bài ca thừa kế dành cho người được xem là kế vị của một triều đại Cộng sản duy nhất trên thế giới.

Ông Amstrong cũng nói là Bắc Triều Tiên nhằm chuẩn bị cho công chúng về sự thay đổi này bằng từ gây ấn tượng như “Sự kiểm soát thuật số vi tính” viết tắt là CNC, một khẩu hiệu hiện rất thịnh hành trong các bản tin và trong những bích chương tuyên truyền. Ông Amstrong giải thích:

“Điều này là một phương thức tạo ra một giọng điệu hợp thức hóa ông Kim Jong Un như là một nhà lãnh đạo của thế hệ mới hiểu biết công nghệ nhiều hơn và đưa Bắc Triều Tiên tuy khá muộn màng, vào thế kỷ 21.”

Thông điệp của chiến dịch này có vẻ hiệu nghiệm theo như lời ông Paul Estabrooks, người vừa mới thăm Bình Nhưỡng trong tháng qua với một nhóm du khách từ Trung Quốc.

“Theo lịch sử, ông Kim Il Sung, người sáng lập nước Bắc Triều Tiên, luôn luôn được gọi là Lãnh tụ Vĩ đại. Và con ông, Kim Jong Il, nhà lãnh đạo hiện nay được gọi là Lãnh tụ Kính yêu.”

Tuy nhiên ông Estabrooks nói tập tục này đã thay đổi. Ông Kim Il Sun chỉ được gọi là Chủ tịch hay Chủ tịch đời đời

“Và ông Kim Jong Il được đề cập đến khi chúng tôi còn ở đây bởi những người nói chuyện với chúng tôi là Lãnh tụ Vĩ đại, từ này trước đây chỉ được dùng để gọi cha của ông và tháng trước chúng tôi không nghe người ta gọi ông là lãnh tụ kính yêu. Và tôi tin rằng đó là vì Bắc Triều Tiên hiện để dành từ này để dùng cho thế hệ kế tiếp, để gọi con của ông Kim Jong Il.”

Thông tấn xã nhà nước Bắc Triều Tiên loan báo ngày họp mới của Đại hội Đảng Công nhân là ngày 28 tháng 9.

Cho tới khi họp đại hội đảng, hiện nay, tại Washington, chương trình Hàn ngữ của đài VOA đang chú ý nhiều hơn nữa đến những tài liệu tuyên truyền của Bắc Triều Tiên để lựa ra những sự kiện thật trong số những câu chuyện giả tưởng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG