Đường dẫn truy cập

Kenya đặt nhiều hy vọng vào chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama


Tổng thống Mỹ Barack Obama được Tổng thống Uhuru Kenyatta tiếp đón khi ông đến thăm nước này hôm 24/7/2015.
Tổng thống Mỹ Barack Obama được Tổng thống Uhuru Kenyatta tiếp đón khi ông đến thăm nước này hôm 24/7/2015.

Ngoại trưởng Kenya cho rằng chuyến viếng thăm của Tổng thống Barack Obama là một hành động bày tỏ sự tán thành mạnh mẽ về tình hình của quốc gia Phi châu này và hy vọng điều đó sẽ giúp Kenya thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm tại Nairobi dành cho phóng viên Vincent Makori của đài VOA, Ngoại trưởng Amina Mohamed nói rằng chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama dọi một tia sáng tích cực vào Kenya và chính phủ của Tổng thống Uhuru Kenyatta.

"Tôi nghĩ rằng chuyến viếng thăm của ông ấy vào lúc này chẳng những là một sự tán dương đối với giới lãnh đạo mà chúng tôi đang có, một giới lãnh đạo có đầu óc thực tế, năng động và đầy nhiệt huyết, mà còn là một sự tán thưởng đối với những thành quả mà Kenya đã có thể đạt được trong vài năm qua".

Quan hệ giữa Hoa Kỳ với Kenya vốn có nhiều căng thẳng, đặc biệt là khi Tổng thống Kenyatta và Phó Tổng thống William Ruto bị Tòa án Hình sự Quốc tế khởi tố vì vụ bạo động xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2007. Nhưng những mối căng thẳng dường như không còn nữa và ngày hôm nay ông Obama sẽ cùng với ông Kenyatta chủ tọa Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Toàn cầu ở Nairobi.

Với việc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp thế giới đến dự hội nghị, Ngoại trưởng Mohamed cho biết bà hy vọng Kenya sẽ thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

"Tất cả mọi thứ đều được bàn tới và chúng tôi hy vọng nhiều khoản đầu tư sẽ đổ vào đây. Chúng tôi đang là trọng tâm của sự chú ý của mọi người vì tổng thống Mỹ tới thăm. Tôi nghĩ rằng mọi người muốn biết tình hình nước này như thế nào và nước này có thể mang lại cho họ những gì".

Ngoài vấn đề thương mại, một vấn đề quan trọng khác trong nghị trình của chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama là vấn đề an ninh.

Kenya, có biên giới chung với Somalia, thường xuyên bị tấn công bởi nhóm hiếu chiến al-Shabab, có sào huyệt ở Somalia.

Bà Mohamed cho biết Hoa Kỳ là một đối tác vững mạnh của Kenya trong cuộc chiến chống khủng bố.

"Sự hợp tác của chúng tôi, đặc biệt trong lãnh vực an ninh, đã có từ rất lâu, nhưng chúng tôi đã tăng cường sự hợp tác này rất nhiều trong vài năm qua vì mối đe dọa toàn cầu mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Như quí vị đã biết, mất an ninh không phải chỉ có ở khu vực này của thế giới".

Kenya cũng nắm giữ vai trò điều giải trong những vụ khủng hoảng khu vực, kể cả vụ tranh chấp ở Burundi về việc tổng thống nước ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 3.

Burundi tiếp tục kiểm phiếu của cuộc bầu cử Tổng thống hôm thứ Ba và Ngoại trưởng Mohamed cho biết các nhà lãnh đạo khu vực còn đang xem xét tối vấn đề có nên chấp nhận kết quả hay không.

"Có người nói tới việc thừa nhận kết quả bầu cử. Chúng tôi đang tham khảo ý kiến. Chúng tôi tham khảo ý kiến với Liên hiệp Phi châu và tham khảo ý kiến với khối Cộng đồng Đông Phi về cách thức để tiến tới và để đưa chúng tôi ra khỏi tình trạng bế tắc này".

Bà Mohamed cũng cho biết bà hy vọng sẽ nhanh chóng có được một giải pháp cho vụ khủng hoảng Nam Sudan, nơi mà một vụ tranh chấp giữa hai nhà lãnh đạo chính trị đã làm bùng ra một cuộc nội chiến làm hàng vạn người thiệt mạng và hơn 2 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG