Đường dẫn truy cập

Kẻ chủ mưu vụ đánh bom ở Thái Lan ‘đã bay về Trung Quốc’


Phát ngôn viên cảnh sát Thái Lan Trung tướng Prawuth Thavornsiri công bố hình ảnh của một trong ba người đàn ông Thái có liên quan đến vụ nổ bom tại Bangkok.
Phát ngôn viên cảnh sát Thái Lan Trung tướng Prawuth Thavornsiri công bố hình ảnh của một trong ba người đàn ông Thái có liên quan đến vụ nổ bom tại Bangkok.

Người bị tình nghi là chủ mưu vụ đánh bom chết người hồi tháng trước ở Thái Lan đã về Trung Quốc từ Bangladesh từ 12 ngày trước, và những nỗ lực ở Malaysia truy lùng người đàn ông tình nghi là người đặt bom đã không thành công, cảnh sát Thái Lan cho biết hôm thứ Sáu.

Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ đánh bom ngày 17 tháng 8 tại ngôi đền Hindu ở Bangkok, làm 20 người thiệt mạng trong đó có 14 du khách nước ngoài, trong số đó có bảy người từ Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Cảnh sát Bangladesh nói với hãng tin Reuters rằng người đàn ông mà cảnh sát Thái Lan tin rằng đã bày mưu và bỏ trốn một ngày trước vụ nổ đã ở Bangladesh hai tuần trước khi đáp một chuyến bay từ Dhaka tới Bắc Kinh vào ngày 30 tháng 8.

Trong cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói ông không biết liệu nghi phạm có bay từ Bangladesh và Trung Quốc hay không và cho biết "vụ việc vẫn đang được điều tra."

Cảnh sát Thái Lan hôm thứ Sáu cho biết cuộc điều tra đã được mở rộng sang Malaysia.

Tổng thanh tra cảnh sát Suchart Teerasawat của Thái Lan nói với Reuters rằng ông đã đến Malaysia theo sau manh mối cho biết người đàn ông mặc áo vàng bị camera an ninh ghi hình đang đặt bom tại đền Erawan có thể đã vượt qua biên giới phía nam của Thái Lan.

Quan chức cảnh sát Thái Lan này nói đang phối hợp nỗ lực với cảnh sát Malaysia mà không cung cấp thêm thông tin cụ thể.

Cuộc điều tra đạt được đà tiến sau khi thông tin được cung cấp bởi một trong hai nghi phạm bị bắt giữ mang hộ chiếu Trung Quốc với cái tên Yusufu Mieraili.

Việc nghi phạm sử dụng hộ chiếu Trung Quốc, với ít nhất là một hộ chiếu đề nơi sinh là Tân Cương, càng khơi lên thêm những suy đoán cho rằng vụ đánh bom có thể là một vụ tấn công trả thù do những người Hồi giáo Uighur thực hiện.

Thái Lan đã bị nhiều người lên án hồi tháng 7 vì cưỡng bức hồi hương 109 người Uighur về Trung Quốc, nơi mà họ nói họ bị bức hại.

Trung Quốc phủ nhận đàn áp người Uighur.

Nguồn: Reuters

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG