Đường dẫn truy cập

Cuộc hòa đàm Syria né tránh những vấn đề gai góc


Đặc sứ Liên đoàn Ả Rập-Liên hiệp quốc Lakhdar Brahimi tại một cuộc họp báo ở Geneve
Đặc sứ Liên đoàn Ả Rập-Liên hiệp quốc Lakhdar Brahimi tại một cuộc họp báo ở Geneve
Đặc sứ Liên hiệp quốc Lakhdar Brahimi cho biết cuộc hòa đàm Syria sẽ tiếp diễn tại Geneve trong ngày hôm nay, nhưng vấn đề gai góc liên quan tới việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp sẽ được gác qua một bên để tập trung nỗ lực vào những vấn đề mà đôi bên có thể đồng ý với nhau.

Ông Brahimi nói rằng các phái đoàn Syria vẫn đang thảo luận về vấn đề làm thế nào để phụ nữ và trẻ em rời khỏi Khu phố cổ của thành phố Homs, nhưng hiện chưa có quyết định nào về việc để cho một đoàn xe cứu trợ đi vào thành phố bị vây hãm này. Ông nói:

"Điều không may là những cuộc thảo luận về vấn đề nhân đạo chưa mang lại nhiều kết quả. Hôm qua tôi có nói với quí vị là phía chính phủ đã đồng ý để cho phụ nữ và trẻ em rời khỏi khu phố cổ của thành phố Homs. Tôi nghĩ rằng họ vẫn đang thảo luận về việc thực hiện kế hoạch này. Tôi nghĩ rằng chính phủ muốn thực hiện việc này nhưng đây không phải là một việc dễ dàng vì có những tay bắn tỉa và nhiều vấn đề khó khăn khác. Về đoàn xe chở thực phẩm và những phẩm vật không phải là thực phẩm và các loại tiếp liệu y tế, hiện chưa có quyết định về việc để cho đoàn xe đi vào thành phố Homs."

Hai phái đoàn lẽ ra đã bắt đầu thảo luận về những vấn đề chính trị nhạy cảm, như tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad.

Nhưng tại cuộc họp mới nhất, phía chính phủ đã nộp một văn kiện, trong đó nhấn mạnh tới việc cần phải chiến đấu chống khủng bố và phải ngưng việc tài trợ và cung cấp vũ khí cho các phiến quân đang tìm cách lật đổ Tổng thống Assad.

Phái đoàn của phe chống đối đã bác bỏ văn kiện được gọi là “tuyên bố về các nguyên tắc” của chính phủ. Họ nói rằng tuyên bố đó nằm ngoài khuôn khổ của cuộc đàm phán Geneve và không đề cập tới một cuộc chuyển giao quyền hành ở Damascus.

Các nguồn tin tại hội nghị cho biết đặc sứ Brahmi đã tuyên bố ngưng họp sau phát biểu vừa kể của phe chống đối.

Một viên cố vấn của liên minh Quốc gia Syria, ông Murhaf Joueijati, cho biết như sau về cuộc họp này:

"Phiên họp vừa chấm dứt trong sự chua chát. Phía chế độ có thái độ đối đầu rất cao. Phiên họp bắt đầu với việc phía chế độ tìm cách lảng tránh vấn đề trọng tâm. Vấn đề trọng tâm mà toàn thể cộng đồng quốc tế mong đợi chúng tôi thảo luận là việc thực thi thông cáo Gevene. Thay vào đó, chế độ lại đưa ra điều mà họ gọi là tuyên bố chung về các nguyên tắc, một tuyên bố rõ ràng là một sự chệch đường."

Trong khi đó, bà Bouthaina Shaaban, Cố vấn của Tổng thống Assad phát biểu như sau:

"Phái đoàn của Cộng hòa Ả Rập Syria, để bày tỏ thiện chí, đã nộp một văn kiện trong đó có những yếu tố cơ bản của các nguyên tắc chính trị mà chúng tôi nghĩ là không có một người Syria nào lại không tán đồng, bởi vì nó nói tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, về quyền bảo vệ của đất nước của người dân Syria, bảo vệ sự đa dạng văn hóa của Syria, một chế độ dân chủ đa nguyên. Và chúng tôi đã ngạc nhiên khi thấy văn kiện cơ bản này bị phía bên kia bác bỏ. Họ là những người hoặc không có khả năng để thừa nhận Syria và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria hoặc họ không hề quan tâm gì tới những sự việc xảy ra cho người dân Syria."

Phe chống đối nhất mực đòi ông Assad rời khỏi quyền lực và một chính phủ chuyển tiếp được thành lập dựa trên một thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị hòa bình Syria lần thứ nhất ở Geneve năm 2012. Nhưng chính phủ Syria nói rằng vai trò của ông Assad không nằm trong nghị trình thảo luận của hội nghị lần này.

Cũng trong ngày thứ hai, các giới chức Hoa Kỳ nói rằng Washington đã thực hiện lại việc cung cấp viện trợ phi sát thương cho phe chống đối ở Syria, hơn một tháng sau khi các phần tử hiếu chiến có liên hệ với al-Qaida chiếm cứ các kho hàng và làm cho tuyến tiếp tế của Tây phương cho phe chống đối bị cắt đứt một cách đột ngột.

Cuộc xung đột Syria bắt đầu hồi tháng 3 năm 2011 dưới hình thức của những cuộc biểu tình ôn hòa chống lại chính phủ của Tổng thống Assad, trước khi biến thành một cuộc nội chiến mà Liên hiệp quốc nói đã giết chết hơn 100.000 người và làm cho gần 9 triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG