Đường dẫn truy cập

Hà Lan sẽ bỏ phiếu rời Liên hiệp Âu châu?


 Các cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho thấy phân nửa cử tri Hà Lan muốn chính phủ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề rời khỏi Liên hiệp Âu châu.
Các cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho thấy phân nửa cử tri Hà Lan muốn chính phủ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề rời khỏi Liên hiệp Âu châu.

Sau khi cử tri Anh quyết định rời Liên hiệp Âu châu, các nhà lãnh đạo ở Brussels e rằng những thành viên khác cũng sẽ rời khỏi liên hiệp. Nhiều người ở Hà Lan có những mối quan tâm lớn về di dân và chủ quyền, và người dân ở đây đang đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề có nên ở lại trong Liên hiệp Âu châu hay không.

Tại thành phố Maastritch ở vùng cực nam Hà Lan, phà và xe đạp là phương tiện giao thông chính của dân chúng. Ngoài một tấm biển nhỏ ở bờ sông Maas, không có mấy dấu hiệu cho thấy thành phố này đã nắm giữ một vai trò lớn trong lịch sử của Liên hiệp Âu châu.

Năm 1992, các nhà lãnh đạo của 12 nước Âu châu đã tụ tập tại Maastritch để ký hiệp định mang tên của thành phố này – nhằm lập ra Liên hiệp Âu châu và đưa các nước Âu châu vào con đường tiến tới một liên minh chính trị và tiền tệ mỗi ngày một chặt chẽ hơn.

Nhưng Maastritch giờ đây lại là tâm điểm của khu vực mà dân chúng cảm thấy ngờ vực nhiều nhất đối với Liên hiệp Âu châu. Các cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho thấy phân nửa cử tri Hà Lan muốn chính phủ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề rời khỏi Liên hiệp Âu châu, và miền nam Hà Lan là nơi có sự hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho đề nghị này.

Bà Laurence Stassen sinh sống tại làng Echt, gần Maastritch. Bà từng là nghị viên của Nghị viện Âu châu và hồi gần đây bà đã gia nhập một đảng mới được thành lập có tên là đảng Tranh đấu cho Hà Lan. Đảng này đang vận động để Hà Lan rời Liên hiệp Âu châu.

Bà Stassen cho biết về mục tiêu của cuộc vận động này:

"Là một quốc gia, chúng tôi nên có biên giới của mình, có toà án của mình, và làm ra luật lệ của chính mình, chứ không phải là những người ở Brussels hay Liên hiệp Âu châu."

Bà Stassen từng là đảng viên của đảng Tự do, thuộc phe cực hữu, nằm dưới sự lãnh đạo của ông Geert Wilders, là người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến. Ông Wilders đã vận động để chống lại điều mà ông gọi là Âu châu bị Hồi giáo hoá và hô hào cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề rời Liên hiệp Âu châu, như cử tri ở Anh đã làm.

Bà Stassen cho rằng sự nối kết giữa cuộc đầu phiếu ở Anh với cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan là không chính xác:

"Tôi nghĩ rằng đây là hai vấn đề riêng rẽ, bởi vì Brexit chủ yếu là có liên quan tới việc lấy lại chủ quyền. Còn ở đây, chúng tôi có rất nhiều những mối quan tâm về vấn đề di dân."

Theo dòng sông Maas đến Bắc hải, chúng ta sẽ tới Rotterdam, hải cảng lớn nhất ở Âu châu. Cảng này xử lý 465 triệu tấn hàng hoá mỗi năm, nối liền các cường quốc kinh tế ở Bắc Âu với phần còn lại của thế giới.

Ông Sjaak Poppe, người phát ngôn của Cục Quản lý Cảng Rotterdam, cho biết:

"Phần lớn sự thịnh vượng cả ở Hà Lan lẫn ở Âu châu nói chung mà chúng tôi có được trong mấy thập niên qua là lệ thuộc vào tự do thương mại và tự do di chuyển của người và hàng hoá."

Ông Poppe cho biết tại trung tâm vận chuyển này của thế giới, việc rời khỏi Liên hiệp Âu châu được xem là một tai họa:

"Với Âu châu, chúng tôi có 500 triệu dân, là khu vực mậu dịch lớn nhất và là thị trường lớn nhất. Nếu đứng riêng thành một nước, Hà Lan chỉ có 16 triệu người."

Ông Fabian Amtenbrink, giáo sư luật của Đại học Eramus ở Rotterdam, cho biết nhiều người ủng hộ Liên hiệp Âu châu cảm thấy thất vọng trước việc nước Anh bỏ phiếu rời EU:

"Vương quốc Anh là một đối tác thương mại rất quan trọng của Hà Lan. Chúng tôi có những mối liên hệ lớn về mặt lịch sử."

Ông Amtenbrink thừa nhận là có những mối quan tâm trên khắp Âu châu đối với EU:

"Cảm nghĩ cơ bản là Brussels quản lý quá nhiều thứ. Và một vấn đề khác nữa là quá trình làm ra quyết định của Brussels, của Liên hiệp Âu châu, của Âu châu xa rời người dân nhiều quá."

Luật lệ của Hà Lan làm cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách hội viên của Liên hiệp Âu châu trở nên khó khăn vào lúc này. Nhưng với cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 3 năm tới, ảnh hưởng lan tỏa của việc Anh Quốc rời EU có thể sẽ được cảm nhận trước tiên ở Hà Lan, một trong những thành viên sáng lập của liên hiệp này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG