Đường dẫn truy cập

Campuchia giải tán đảng đối lập


Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người được cho là sẽ nắm quyền lực trong nhiều năm tới sau khi có phán quyết của tòa án ngày 16/11/2017.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người được cho là sẽ nắm quyền lực trong nhiều năm tới sau khi có phán quyết của tòa án ngày 16/11/2017.

Tòa án tối cao Campuchia ngày 16/11 ra lệnh giải tán đảng đối lập chính, một đòn chí mạng đối với đòi hỏi dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á đang có xu hướng gia tăng trấn áp này, theo AP.

Quyết định của tòa án đã dọn đường cho Thủ tướng Hun Sen, một lãnh đạo độc tài, tiếp tục nắm giữ quyền lực trong nhiều năm tới.

Phán quyết được đưa ra giữa lúc chính quyền của Thủ tướng Hun Sen đang gia tăng thúc đẩy vô hiệu hóa các đối thủ chính trị và dập tắt những chỉ trích trước kỳ bầu cử vào tháng 7 năm 2018.

Thẩm phán Dith Munty, đảng viên cấp cao của đảng cầm quyền, tuyên bố phán quyết đã được nhất trí giữa 9 thành viên của tòa án.

Ông nói 118 thành viên đảng đối lập cũng sẽ bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm tới và phán quyết không cho phép kháng cáo.

Chính phủ cáo buộc Đảng Cứu quốc Campuchia âm mưu đảo chánh và đã kêu gọi giải tán đảng này trong nhiều tuần lễ qua. Phe đối lập kiên quyết bác bỏ cáo buộc, nói đó là động cơ chính trị, một quan điểm được các nhóm nhân quyền quốc tế và các nhà phân tích độc lập ủng hộ. Những người này nói không có bằng chứng đáng tin cậy nào để đưa ra để khẳng định trên.

Đảng đối lập dự kiến sẽ đặt ra một thách thức nghiêm trọng trong cuộc bầu cử vào năm tới.

Trong cuộc bỏ phiếu gần nhất vào năm 2013, đảng này đã gặt hái được nhiều thành công trong cuộc đua căng thẳng mà ông Hun Sen đã phải vất vả để giữ chiếc ghế Thủ tướng.

Kể từ đó, phe đối lập liên tục gặp trở ngại.

Sam Rainsy, người lãnh đạo đảng đối lập trong lần bầu cử đó, đã phải sống lưu vong vào năm 2016 và phải đối mặt với một án tù vì một tội hình sự, tội phỉ báng, nếu quay trở lại Campuchia. Lãnh đạo hiện nay của đảng, Kem Sokha, đã bị bắt giam từ tháng 9, và bị buộc tội phản quốc.

Giữa những lo ngại sâu sắc về số phận của quốc gia, hơn 20 nhà lập pháp đối lập (chiếm khoảng một nửa ghế trong Quốc hội) cũng đã trốn ra khỏi đất nước.

AP dẫn lời bà Mu Sochua, Phó chủ tịch phe đối lập, một trong số những người đã bỏ đi, nói cuộc đấu tranh cho dân chủ vẫn chưa chấm dứt ở Campuchia.

Phát biểu với AP từ London ngay trước khi có phán quyết, bà Mu Sochua nói đảng đối lập hiện chưa có kế hoạch đưa ra các cuộc biểu tình ngay lập tức.

Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên án phán quyết, gọi đây là “một hành động đàn áp chính trị trắng trợn”.

Cuộc đàn áp do chính phủ lãnh đạo cũng nhắm vào các nhóm xã hội dân sự và các cơ quan truyền thông độc lập. Hồi tháng 9, nhà chức trách Campuchia đã đóng cửa tờ báo tiếng Anh Cambodia Daily và các đài phát thanh phát sóng từ Mỹ như Đài Á Châu Tự Do và Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ với lý do đưa tin thiên vị.

Chính phủ cũng trục xuất Viện Dân chủ Quốc gia Hoa Kỳ, nơi giúp đào tạo các đảng chính trị và các giám sát viên bầu cử, buộc tội họ thông đồng với các đối thủ chính trị.

Ông Hun Sen lên làm Thủ tướng Campuchia từ năm 1985 và đã nắm giữ quyền lực từ đó cho đến nay, sau khi lật đổ đồng Thủ tướng Norodom Ranariddh trong một cuộc đảo chính đẫm máu vào năm 1997.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG