Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên đáp trả THAAD bằng việc thử phi đạn


Người dân xem bản tin truyền hình về một vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, tại Ga Seoul, 18/3/2016.
Người dân xem bản tin truyền hình về một vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, tại Ga Seoul, 18/3/2016.

Một tuần sau khi đưa ra lời đe dọa trả đũa Nam Triều Tiên về việc cùng Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn tầm cao THAAD, hôm 19/7 Bắc Triều Tiên đã phóng thử 3 phi đạn đạn đạo.

Cả Mỹ và Nam Triều Tiên cho biết những phi đạn Bình Nhưỡng đã phóng sáng ngày 19/7 có phần chắc là loại phi đạn tầm trung Rodong hoặc Scud. Chúng đã bay khoảng từ 500 đến 600 km trước khi rơi xuống vùng ngoài khơi bờ biển phía đông của bán đảo Triều Tiên.

Tokyo đã lên án vụ phóng mấy phi đạn của Bắc Triều Tiên và cho biết sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ và Nam Triều Tiên để đối phó với mối đe dọa thường trực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói: "Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục Bắc Triều Tiên kiềm chế, không có thêm các hoạt động tiếp [về phi đạn], và chúng tôi sẽ tiến hành mọi biện pháp có thể để đối phó với bất kỳ tình huống nào [có thể xảy ra]”.

Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) xác định các vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên không tạo ra mối đe dọa cho khu vực Bắc Mỹ.

Chiến thuật hăm dọa

Mỹ và Nam Triều Tiên mới đây đã đồng ý triển khai hệ thống Phòng thủ phi đạn, được gọi tắt là THAAD, để bảo vệ trước sự gia tăng khả năng hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên hôm 11/7 đã phản ứng với lời đe dọa tiến hành một cuộc tấn công trả đũa chống lại việc triển khai THAAD bằng cách biến Nam Triều Tiên "thành một biển lửa và một đống tro tàn."

Ông Jeon Ha-gyu, phát ngôn viên của Tham mưu trưởng quân đội Nam Triều Tiên, nói vụ phóng phi đạn hôm 19/7 có mục đích hăm dọa hơn nữa. Ông nói:

"Đánh giá của chúng tôi là người ta đã làm việc đó để dương oai diễu võ. Các phi đạn đạn đạo phóng đi hôm nay có tầm bắn đủ để đánh các mục tiêu trên toàn bộ lãnh thổ của Nam Triều Tiên, kể cả Busan".

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư hồi tháng 1, Bắc Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ phóng phi đạn đạn đạo, thường là để kiểm tra các tiến bộ công nghệ trong việc tăng tầm bay và độ chính xác của phi đạn.

Nhưng các phi đạn Scud và Rodong đã phóng thử hôm 19/7 là loại dựa trên thiết kế của Liên Xô cũ, được coi là phi đạn đạn đạo ở “hàng sơ đẳng” và là những vũ khí không chính xác, không sử dụng công nghệ tinh vi.

Giáo sư Kim Dong-yeop, một nhà phân tích quân sự tại Đại học Kyungnam ở Nam Triều Tiên, nhận xét:

“Vụ (phóng phi đạn) này không nhằm thúc đẩy năng lực công nghệ. Các phi đạn mà Bắc Triều Tiên đã phóng trong quá khứ gần như giống hệt những phi đạn họ đã phóng hôm nay".

Sự bực bội về THAAD

Vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên cũng có thể phần nào là nỗ lực làm tăng sự lo lắng của công chúng về THAAD ở Nam Triều Tiên.

Joshua Pollack, biên tập viên của Tạp chí Không phổ biến Vũ khí Hủy diệt Hàng loại có trụ sở ở Mỹ, cho rằng vụ phóng hôm 19/7 "có thể là một cách nhắc nhở người láng giềng ở miền nam của họ rằng địa điểm được chọn cho đơn vị THAAD ở Nam Triều Tiên hoàn toàn nằm trong tầm bắn".

Nêu ra những lo ngại về sức khỏe và an toàn công cộng, những người phản đối THAAD ở Nam Triều Tiên đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình lớn và đang tổ chức các phong trào kiến nghị để buộc chính phủ phải rút lại quyết định về triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn gây tranh cãi.

Hầu hết các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Hạt Seongju, gần nơi THAAD sẽ được triển khai ở miền đông nam của đất nước.

Nhiều người dân địa phương lo lắng rằng việc đặt THAAD gần các cộng đồng của họ sẽ làm họ trở thành các mục tiêu cho những cuộc tấn công trả đũa của Bắc Triều Tiên.

THAAD sử dụng radar có độ phân giải cao được thiết kế để phát hiện và bám theo các mối đe dọa phi đạn đạn đạo ở những khoảng cách xa và độ cao lớn.

Cũng có lo ngại rằng việc tiếp xúc với bức xạ điện từ của sóng radar trong hệ thống có thể gây hại nghiêm trọng cho cư dân gần đó và có thể tác động xấu đến các sản phẩm nông nghiệp.

Trong tuần này, các quan chức quân sự Mỹ đã mời các nhà báo Nam Triều Tiên đến Guam để kiểm tra một khẩu đội THAAD đang hoạt động ở đó và trả lời các thắc mắc của họ.

Tuần trước, quân đội Nam Triều Tiên đã đưa các nhà báo đến một vị trí phòng thủ phi đạn Patriot ở phía nam Seoul sử dụng cùng một loại radar.

Các quan chức đã đo mức độ điện từ mà hệ thống phát ra và cho biết các mức đó nằm trong các tiêu chuẩn an toàn, và một lần nữa trấn an công chúng rằng địa điểm đặt THAAD sẽ nằm cách khu dân cư gần nhất 1,5 km.

Trung Quốc

Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc đối với việc Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân trong năm nay, và đã kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt việc thử hạt nhân và phi đạn bị cấm.

Nhưng Bắc Kinh cũng phản đối việc triển khai THAAD, và có lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tiến hành các biện pháp kinh tế để trả đũa Nam Triều Tiên.

Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh quan ngại về việc radar của THAAD có khả năng giám sát các cơ sở quân sự của Trung Quốc nói riêng, và về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Washington trong khu vực nói chung.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG