Đường dẫn truy cập

Giới trẻ Công giáo Việt Nam nói về Năm Thánh 2010


Giới trẻ Công giáo Việt Nam nói về Năm Thánh 2010
Giới trẻ Công giáo Việt Nam nói về Năm Thánh 2010

'Có ai lại không mong muốn đất nước hòa bình-thịnh vượng? Nhưng mình cần phải cầu nguyện cho các lãnh đạo nhà nước sáng suốt hơn trong mọi công việc.'

Không khí của mùa lễ Giáng Sinh năm nay càng thêm rộn ràng giữa lúc Việt Nam bước vào Năm Thánh 2010, đánh dấu 350 năm ngày thành lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên và 5 thập niên thiết lập Hàng giáo phẩm trong nước. Tạp chí Thanh niên hôm nay ghi nhận một số cảm nghĩ, những mối quan tâm, và ước vọng của giới trẻ Công giáo nhân sự kiện này, qua cuộc trao đổi với 4 bạn trẻ Công giáo là Đồng và Trung ở Vinh, Nam từ Hà Nội, và Sỹ tại Sài Gòn.

Trung: Nói về “Tâm tình của giới trẻ trong Năm Thánh”, em rất quan tâm đến các vấn đề của Giáo hội Việt Nam trong thời gian vừa qua. Em quan tâm đến vấn đề đất đai giữa Giáo hội với nhà nước, vụ việc liên quan đến Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, việc các giám mục Việt Nam đi thăm Đức Giáo Hoàng. Em rất vui mừng khi thấy Giáo hội Việt Nam hiện nay có những dấu hiệu mạnh mẽ hơn, dám nói lên tiếng nói của mình. Ví dụ như Đức Tổng Kiệt đã nói lên điều rằng quyền tự do tôn giáo là quyền ắt hẳn mọi người đều phải được hưởng, chứ không phải cái quyền phải được người khác cho. Em nghĩ rằng Giáo hội cần mạnh mẽ hơn nữa, nói lên tiếng nói của mình, nói lên sự thật, và giới trẻ cũng cần phải mạnh mẽ như vậy.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của anh Trung. Mời anh Nam.

Nam: Tình hình Giáo hội bây giờ, em quan tâm đến các sự kiện lớn xảy ra trong thời gian gần đây, như sự kiện ở Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý. Những vấn đề này giới trẻ sinh viên tụi em rất là quan tâm. Em cũng đặc biệt quan tâm đến việc Đức Tổng Kiệt đệ đơn xin từ chức. Bây giờ em thấy tình hình tự do tín ngưỡng ở Việt Nam mình còn quá yếu. Nói chung, hầu như chưa thật sự được tự do. Nói theo lời Đức Cha là đang còn kiểu “xin-cho” chứ không phải là tự do tôn giáo.

Trà Mi: Các anh vừa bày tỏ sự quan tâm của mình về các vấn đề liên quan Giáo hội và quyền tự do tín ngưỡng ở Việt Nam. Theo dõi tin tức gần đây, chắc các anh có nghe đến chuyến thăm Vatican của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Liệu đây có là một tín hiệu khả quan trước những mối quan tâm hiện tại của các anh hay không?

<!-- IMAGE -->

Trung: Em mong chuyến thăm này sẽ mở ra những cái mới hơn, tươi sáng hơn cho Giáo hội Việt Nam.

Trà Mi: Về vấn đề tranh chấp đất đai giữa Giáo hội với chính quyền trong thời gian qua, nổi bật như các vụ mà Nam vừa điểm qua, ý kiến của giới trẻ Công giáo về cách giải quyết của chính quyền đối với những vụ việc đó, các anh sẽ nói gì?

Nam: Em thấy hầu như tất cả các vụ việc xảy ra, chính quyền đều giải quyết theo một cách lờ đi, không dám chấp nhận sự thật. Chính quyền còn dựa trên thông tin đại chúng để phân tán tư tưởng người dân và che dấu sự thật, và giải quyết một cách gọi là có sự dối trá bên trong.

Trà Mi: Theo anh, cách giải quyết của chính quyền liên quan tranh chấp đất đai là không minh bạch, không thỏa đáng. Nhưng trước tình hình bên nào cũng dành sở hữu các tài sản đó, nếu không biến thành công trình công cộng thì có lẽ các tranh chấp đó sẽ kéo dài không hồi kết. Nếu có ý kiến đó đưa ra thì các anh sẽ nói như thế nào?

Trung: Xét xem tất cả các vụ tranh chấp đất đai trên đất nước Việt Nam này dường như là không có vụ nào mà [người khiếu nại] dành được đất đai cả. Một là bị biến thành công trình công cộng như ở Tòa Khâm Sứ, Tam Tòa, hay Thái Hà. Trong vấn đề này nhà nước nên tôn trọng quyền tư hữu của người dân vì luật đất đai còn nhiều cái bất cập. Em đồng ý với ý kiến anh Nam là vấn đề này chính quyền giải quyết chưa được minh bạch.

Trà Mi:
Xin mời các ý kiến khác.

Sỹ: Nói về đất đai ở Việt Nam, chính quyền nên bồi thường đúng theo nguyện vọng của người dân, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, và phục vụ đời sống đạo của người dân. Người dân sẽ đồng tình nếu phía chính quyền đền bù xứng đáng.

Trà Mi: Có người nhận xét rằng cộng đồng Công giáo, so với những cộng đồng tôn giáo khác ở Việt Nam, có nhiều tiếng nói liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai. Nếu có ý kiến thắc mắc nguyên do, là những thanh niên Công giáo, các anh sẽ trả lời như thế nào?

Trung: Mặc dù số lượng người Công giáo ở Việt Nam không thuộc thành phần đông nhất, nhưng người Công giáo ở Việt Nam cũng rất mạnh mẽ. Vì vậy, nhận định đó có phần đúng, nhưng nếu nhà nước rõ ràng trong các vấn đề đất đai thì làm gì xảy ra tranh chấp?

Trà Mi:
Nhưng điểm khác biệt được nêu giữa cộng đồng Công giáo với các cộng đồng tôn giáo khác, nên hiểu như thế nào cho đúng?

Trung: Em nghĩ là điều này chứng tỏ tinh thần đoàn kết của người Công giáo tốt hơn.

Trà Mi: Một vấn đề nữa mà lúc nãy các bạn có nói là quan tâm. Đó là việc Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt xin từ chức. Ý kiến của các bạn liên quan việc này ra sao?

Nam: Vấn đề Đức Tổng xin từ chức, có người nói vì sức khỏe, có người cho là vì sức ép. Riêng em nghĩ rằng trong tình hình như thế này mà Đức Tổng từ chức thì em cảm thấy có một cái gì đó hụt hẫng. Mong muốn của em là Ngài sẽ ở lại. Bởi vì Đức Tổng hình như là vị giám mục đầu tiên dám đứng lên khẳng định quyền của Giáo hội, như Ngài đã phát biểu trong cuộc họp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội rằng vấn đề tự do tín ngưỡng là cái ắt hẳn mọi người phải được hưởng, chứ không phải là cái “xin-cho”. Ngài là vị giám mục đầu tiên dám đứng trước chính quyền và nói câu đó.

Trà Mi:
Vâng, anh coi đây là tiếng nói chung, đại diện cho nguyện vọng của cộng đồng giáo dân.

Nam: Dạ.

Trà Mi:
Nhưng nếu có ý kiến cho rằng giữa sự căng thẳng với chính quyền như thế, trước đây Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã nhiều lần muốn thuyên chuyển Ngài đi nơi khác, nếu Ngài vẫn tiếp tục thì có lẽ sẽ xảy ra những chuyện không hay khác, hoặc những căng thẳng đó khó có cơ hội được hòa giải, được xoa dịu. Cho nên việc Ngài từ chức cũng là một đường hướng gỡ rối trong tình thế hiện nay, các anh nghĩ sao?

Trung:
Nếu nói rằng Đức Tổng từ chức để gỡ rối cho vấn đề này, em có cảm giác như Giáo hội mình phải hy sinh một cái gì đó để đổi lại một cái gì đó. Theo em, hy sinh Đức Tổng Kiệt để đạt được vấn đề ngoại giao thì em cảm thấy không được hài lòng cho lắm.

Trà Mi:
Các anh khác có nghĩ rằng việc Đức Tổng từ chức lúc này có thể giúp xoa dịu tình hình căng thẳng không?

Nam: Em nghĩ rằng nếu việc này không xoa dịu, mà sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng Công giáo Việt Nam. Như trong cộng đồng sinh viên tụi em bây giờ, mọi cố gắng của tất cả mọi người đều muốn tìm về sự thật. Cho nên nếu giờ Đức Tổng từ chức sẽ khiến nhiều người thất vọng, vì bây giờ nhiều người cũng đang trên đường đi tìm công lý sự thật.

Trà Mi: Thông điệp chính của Đức Giáo hoàng gửi tới cộng đồng Công giáo Việt Nam nhân dịp Năm Thánh là sự hòa giải. Với thông điệp này, những băn khoăn, trăn trở, quan tâm của giới trẻ Công giáo nói riêng và cộng đồng Công giáo nói chung, nên chăng hướng tới sự hòa giải để xoa dịu bớt tình hình?

Sỹ: Mình nghĩ vấn đề hòa giải ở đây không có nghĩa là mình chấp nhận những việc không phải là sự thật để hòa giải. Đây hòa giải nhưng phải nói lên sự thật.

Đồng:
Có ai lại không mong muốn đất nước hòa bình-thịnh vượng? Nhưng mình cần phải cầu nguyện cho các lãnh đạo nhà nước sáng suốt hơn trong mọi công việc.

Trà Mi: Với thông điệp hòa giải của Đức Giáo hoàng, những người công giáo trẻ như các anh sẽ áp dụng và thực hành nó như thế nào trong thực tế?

Nam:
Giới trẻ hòa giải bằng cách sống thể hiện tình yêu của mình với cả những người không theo đạo.

Trà Mi: Giới trẻ Công giáo trong Năm Thánh tại Việt Nam cần phải làm gì?

Nam: Mỗi sinh viên Công giáo nên sống chu toàn bổn phận của mình để xây dựng giáo hội và đất nước lớn mạnh.

Trà Mi: Một cách cụ thể những việc đóng góp xây dựng đó, theo anh, là gì?

Sỹ: Đó là học tập tốt, sống đời sống lành mạnh.

Trung: Giới trẻ trong Năm Thánh sống đúng bổn phận của mình, tránh xa tệ nạn, cố gắng sống hài hòa, đón nhận mọi người và chia sẻ trong tinh thần hòa giải và thánh thiện của Năm Thánh. Khi đời sống tâm linh tốt, chắc chắn đời sống xã hội của mình sẽ thăng tiến theo.

Trà Mi: Vừa rồi các anh có bày tỏ ý kiến rằng giới trẻ Công giáo nên giữ niềm tin vững mạnh vào công lý, bênh vực và bảo vệ công lý. Theo các anh, giới trẻ nên làm gì để thể hiện điều đó một cách cụ thể nhất và hiệu quả nhất?

Trung: Giới trẻ nên dám nói lên tiếng nói của mình. Tất nhiên là tiếng nói của mình bây giờ trong xã hội này nhỏ nhặt lắm, nhưng hãy dám nói lên. Nhiều người nói chắc chắn sẽ trở thành một tiếng nói lớn.

Trà Mi: Bản thân các anh có từng thực tập điều này chưa, và hiệu quả như thế nào?

Nam: Trong hai năm vừa qua biết bao sự kiện như thế, em thấy tình hình giới trẻ phát triển lên rất mạnh. Giới trẻ giáo phận Vinh tụi em cũng có một nhóm hiện lớn nhất ở Hà Nội. Trong các vụ Thái Hà hay Tam Tòa, các anh em ngoài này tổ chức tình hợp nhất anh em cầu nguyện. Và cùng đi với các giáo dân Thái Hà, phần lớn là các sinh viên đi đầu, cầu nguyện cho sự thật và hòa bình.

Trà Mi: Là các sinh viên Công giáo, các anh có những tâm tình, ước vọng gì muốn chia sẻ trong Năm Thánh?

Trung: Giới trẻ mong các bậc phụ trách quan tâm đến giới trẻ nhiều hơn nữa, nên gắn kết các tổ chức của giới trẻ thành một khối. Lúc đó, người trẻ chắc chắn sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn. Còn những người hữu trách nên lắng nghe khắc khoải của người trẻ về quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do của con người, tự do bày tỏ quan điểm, nói lên tiếng nói của mình.

Đồng: Chính quyền nên cố gắng tạo điều kiện cho những người sống có đức tin, nên tôn trọng họ. Bản thân mình là người trẻ, mình mong muốn nhà nước hãy mở rộng tự do tôn giáo một chút, mở rộng hơn nữa.

Trà Mi:
Xin cảm ơn tất cả các bạn đã dành thời gian tham gia chương trình.

Tạp chí Thanh Niên sẽ trở lại cùng quý vị và các bạn trong buổi phát thanh 10 giờ tối thứ ba tuần sau. Mong quý vị nhớ đón nghe. Trà Mi kính chào tạm biệt quý vị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG