Đường dẫn truy cập

Mùa gió đêm 


* Sinh quán Hà Đông, Bắc Việt (1943). Lớn lên ở Hà Nội, Hải Phòng. Di cư vào Sài Gòn (1954). Đến Mỹ tháng Tư, 1975. Hiện sống và viết ở Seattle, Washington.
* Cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác.
* Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000, có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999).
* Giải nhất về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.
* Chủ Bút Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình Người Việt ở California. (2002-2005).


Tôi thức dậy với tiếng gió gọi qua khe cửa. Nằm yên lặng, nhìn qua vuông kính cửa sổ, một bầu trời đêm mờ mờ, in cái bóng của cây đào đã rụng hết lá, cành cây vươn ra những cánh tay đen dài ngoằng, trông giống như những vũ nữ da đen đang múa hát trong một sân khấu đèn mờ. Gió tiếp tục kêu lên thẳng thốt, gió đập vào một cái gì trong đêm không rõ rệt; trên nóc nhà, ngoài bao lơn, hay đang cố mở cánh cổng gỗ của vườn để đi vào. Gió đi hay gió chạy, gió có ngã không? Tôi ngồi lên, ra khỏi giường, khoác áo ấm, xuống nhà, thấy muốn uống một ly sữa ấm.

Tôi nghe tiếng chân gió vẫn lao xao bên ngoài, bước chân gió khi thật gần như ngay trước khung cửa bước ra sân sau, khi như từ trên nóc nhà dội xuống, khi như dừng lại ở cửa chính vào nhà. Tôi có thật sự nghe thấy gió nhiều đến như thế không? Hay cái tĩnh mịch của ban đêm đã nhân những bước chân gió gấp nhiều lần.

Tôi ra phòng khách, mở lò sưởi, nhìn ngọn lửa múa lượn trong lò, uống từ từ từng ngụm sữa ấm, nghe gió đang bước vào nhà. Gió nhiều quá, từ bốn hướng của ngôi nhà, gió ồ ạt đến. Như những bước chân của những người khách lạ, tôi lắng tai nghe, hình như có cả tiếng chân quen của gió từ quê nhà xa lắm đến đây.

Cái tiếng gió quê mình dễ phân biệt lắm: Đó là tiếng mái tôn đập vào nhau kêu lẻng xẻng, tiếng mái dạ bị lật thốc kêu lên thảng thốt, tiếng vặn mình của những bụi tre già, tiếng những tầu lá chuối rách toang bật khóc, tiếng trẻ đói lạnh khóc ré trong đêm, tiếng người mẹ vừa ru con, vừa sợ hãi nhìn lên nóc nhà mục nát, tiếng chân của người cha dò dẫm xuống chuồng heo, chuồng gà xem có bị sập chết con nào? Tiếng kêu hốt hoảng của người đàn ông gầy ốm từ cái chòi canh đàn vịt ban đêm giữa đồng không mông quạnh. Đúng rồi, tiếng gió vừa vào qua khe cửa là tiếng gió của quê tôi, không thể nhầm được. Nhưng tại sao gió biết trong này có một kẻ đồng hương mà ghé vào? Lạ thật!

Những ngọn lửa trong lò đang tỏa hơi ấm cho cả gian nhà, tôi ngồi bó gối trước lò, nghe mặt bắt đầu ran ran nóng, ly sữa uống đến ngụm cuối, gió vẫn rít từng cơn, lúc cuống quít, lúc buông lơi. Đúng rồi, tháng mười một dương lịch, tháng của thu tàn, đông đến, tháng của Seattle và gió!

Trưa hôm trước khi tôi đang đi trong một bãi đậu xe, bỗng có những tiếng động từ trời rơi xuống, tiếng đập cánh của hàng trăm, hàng ngàn con chim cánh đen bay ngang bầu trời màu xám, chúng giống như những tàn tro bốc lên từ một đám cháy lớn bay vần vũ trong không gian. Chim đang thiên di về phương nam và gió đang thổi về phương bắc. Seattle gió sẽ bắt đầu hát cả ngày, và đêm đêm gió sẽ gõ cửa đòi vào.

Ban đêm có bao nhiêu người thức dậy đón gió vào, chuyện trò với gió, hay chỉ lặng im nghe gió nói? Tôi biết có nhiều người thức giấc ban đêm lắm. Thủa nhỏ ở quê nhà, vào mùa mưa, khi bị gió đánh thức giữa đêm, tôi đã thấy cha mẹ tôi thức trước tôi rồi, cha mẹ tôi nói chuyện trong bóng tối, cùng với tiếng mưa tí tách, tiếng gió thỉnh thoảng hú bên ngoài, họ nói với nhau về anh em chúng tôi, về tiền học, tiền nhà, tôi nghe thấy cả tên của bác này, cô kia, nhiều chuyện lắm, tôi không nhớ hết. Ở tuổi đang đi học, khi bị mưa gió làm thức giữa đêm, tôi cũng hay lén dậy, bước sang buồng khác làm bài, hay đọc một cuốn truyện ban ngày chưa đọc hết; lớn lên, trong chiến tranh, tôi bị thức dậy không phải với mưa gió, nhưng cùng với ánh sáng của hỏa châu, hay tiếng súng bất chợt nổ trong đêm, hoang mang nghĩ đến những điều rất sợ, những điều ban ngày ít nghĩ đến. Gió đêm quê nhà sao hung hãn thế!

Khi sống ở quê người, có gia đình, tôi và chồng cũng hay thức dậy vì gió gọi, rồi nói chuyện trong bóng tối, tôi nghe anh nói chuyện về công việc ở sở, anh nghe tôi nói về mấy cái răng sữa mới mọc của con. Rồi những câu chuyện cứ đổi dần đề tài khi các con đã lớn và vợ chồng bước vào tuổi già. Từ con dọn ra riêng, đến những viên thuốc bổ, thuốc bệnh, chuyện người thân, bạn bè ai bỏ ta đi như lá bỏ cây. Tất cả thường hay nói vào những lúc chợt tỉnh trong đêm vì tiếng gió.

Người ta có sống về đêm nhiều như sống về ban ngày không?

Tiếng gió trong đêm, đã đánh thức những người “vô gia cư,” đang nằm cuộn tròn trong túi ngủ trên ghế đá công viên, họ thực sự bị đánh thức hay đang thức để: “Nghiêng tai nghe lá gọi chỗ nằm”(thơ-TMT), hoặc họ đang nghĩ lại những gì đã xẩy đến với họ ngày hôm trước, và đêm mai mình sẽ ngủ ở đâu nhỉ? Cả gia tài của họ để dưới chân ghế, đôi khi cũng bị những cơn gió mạnh cuốn thốc đi, sáng dậy không còn một chút gì sót lại, thay vào đó là một đám lá khô giạt dưới gầm ghế đá. Gia tài mới đấy!

Tiếng gió trong đêm cũng làm “Tình nhân” thức dậy nhớ “Nhân tình”. Đi ra, đi vào, đi lên, đi xuống, trên gác, dưới nhà, buồng nọ sang buồng kia, gọi gió về, hay nghe gió đến; có lấy giấy ra viết loay hoay mấy hàng chữ, rồi gọi đó là bài thơ tình. Để rồi khi qua hết tuổi thơ dại thần tiên đó, một đêm thức giấc nghe gió gọi, vuốt tóc trắng, nhớ lại những lời ngây ngô, tiếc mãi cái quá khứ buồn và đẹp không bao giờ trở lại nữa.

Tiếng gió trong đêm có gọi người lính già thức giấc, trỗi dậy xăm soi bóc vỏ vết thương đã khô, đã thành sẹo, tự trăn trở mình, rồi nằm nhớ tiếng gió quê nhà; tiếng gió lẫn trong tiếng bom, tiếng đạn, tiếng kêu của đồng đội, tiếng khóc của đàn bà, con trẻ! Người lính già nghe tiếng thở dài của mình lẫn vào tiếng gió quê người. Tại sao mình lại ở đây nhỉ? Chẳng làm thế nào trả lời được một câu hỏi giản dị như thế.

Tháng mười một dương lịch, mùa thu đang chuyển sang đông, mùa Seattle gió hát cả ngày, gió gọi suốt đêm. Gió đánh thức tôi dậy, để tôi chuyện trò với gió, hay chỉ nghe gió len lỏi vào hồn mình, để thấy tôi trong đêm ngồi cô đơn trước lò sưởi, nghe gió gọi bốn phía căn nhà. Chao ôi!

em không cháy mà hồn cũng lửa
chiếc lá anh rơi xuống phương nào
. (thơ-TMT)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG