Đường dẫn truy cập

GS Charles Cường Nguyễn nhận giải thưởng 'Thành tựu trọn đời'


Vào ngày 28 tháng 2 vừa qua, tại Silver Spring, bang Maryland, giáo sư Tiến sĩ Khoa học Charles Cường Nguyễn, Khoa trưởng trường Kỹ Sư thuộc trường đại học Catholic University of America nhận được giải thưởng ‘Thành tựu trọn đời’ về những cống hiến về kỹ sư, giảng dạy và nghiên cứu trong lãnh vực người máy, kiểm soát và tự động do Liên hội Kỹ sư và Kiến Trúc sư tại thủ đô Washington Hoa Kỳ trao tặng. Giáo sư Tiến sĩ Charles Cường Nguyễn là người Việt Nam duy nhất đảm nhậm chức vụ khoa trưởng của một trường đại học tại Mỹ. Phóng viên Hà Vũ của đài VOA thực hiện cuộc phỏng vấn giáo sư Charles Cường Nguyễn như sau.

GS Cường: Hội này gọi là District of Columbia Council of Engineering and Architect Society (Chủ tịch Liên hội Kỹ sư và Kiến trúc sư thủ đô Washington) có nghĩa là một Liên hội, tổng cộng gồm có trên dưới 50 hội và nghiệp đoàn về Kiến trúc sư và Kỹ sư và mỗi năm Liên hội nhận được những ứng cử viên từ những thành viên do Liên hội gởi qua. Giải thưởng này là giải thưởng cao nhất của Liên hội cho những người có đóng góp ý nghĩa và quan trọng trong cuộc đời của họ. Liên hội này hàng năm phải họp để kiểm tra qua những thành tích của những ứng viên và chỉ có những thành viên trong Liên hội mới được đề cử những ứng viên và sau khi kiểm tra và có những thành tích của những ứng viên, Liên hội sẽ lựa ra một người có khả năng nhất để lãnh phần thưởng này.

VOA: Thưa giáo sư, phần thưởng này ngoài bằng phát thì có giải thưởng khác về hiện vật hay hiện kim gì không?

GS Cường: Không có hiện kim chỉ có vấn đề danh dự, ngoài cái bằng là phần thưởng người ta trao cho tôi trong tháng vừa rồi ở Silver Spring bên Maryland, còn có một vật mà chúng tôi để trên bàn coi như để làm kỷ niệm ngày hôm đó. Ngoài ra không có hiện kim hay là những vấn đề Funding mà người ta cho chúng tôi.

VOA: Giải này được cấp cho những người ngoài những cống hiến quan trọng hay xuất sắc trong nghề nghiệp của mình thì còn có bắt buộc ở trong nghề bao nhiêu năm không thưa giáo sư?

GS Cường: Thưa ông không, nhưng nói thật khi tôi nhận được (giải thưởng) 'Lifetime Achievement' là Cống hiến trọn đời thì tôi cũng nghĩ rằng đôi lúc người ta nghĩ là mình chỉ cống hiến đến mức này là đầy đủ rồi thì người ta cho mình. Có nghĩa rằng người ta cho là không thể mong đợi mình còn cống hiến nữa sau khi đã nhận giải thưởng này, không có giới hạn là phải bao nhiêu năm trong ngành, nhưng mà thật ra theo kinh nghiệm của tôi thì những người nhận giải này thì cũng ở trong những ngành về kỹ thuật và kiến trúc sư cũng khoảng trên dưới bốn năm chục năm. Và thật ra trong đời sống của chúng tôi trong vấn đề làm việc trong ngành này chỉ mới được trên dưới 30 năm thôi. Ðó là cái hân hạnh mà họ chọn những người trẻ hơn những người khác trong quá khứ để nhận được phần thưởng cho trọn đời thì đó là một danh dự nhưng thật ra sau khi tôi nhận được cái này rồi thì tôi vẫn tiếp tục đóng góp cho xã hội về ngành kỹ thuật.

VOA: Thưa giáo sư, chúng tôi được biết từ trước tới nay giáo sư đã nhận được gần 20 giải thưởng các loại, giáo sư thấy giải thưởng kỳ này khác với các giải thưởng khác như thế nào?

GS Cường: Mặc dù tôi đã nhận rất nhiều giải thưởng ở quốc nội và quốc ngoại về tất cả các lãnh vực giáo dục cho đến kỹ thuật nhưng mà giải này là giải thứ hai với tựa đề là lifetime có nghĩa là cống hiến trọn đời. Cách đây 2 năm chúng tôi có nhận được một giải tương tự như vậy. Giải thưởng này đặc biệt vì nó vinh danh một người cho tổng cộng những đóng góp của họ trong cuộc đời, còn ngoài ra những giải thưởng tôi được nhận trong quá khứ thì tùy theo những lãnh vực. Có nhiều giải thưởng chỉ chú trọng về hành chánh hay là lãnh đạo của mình, hay là có nhiều giải thưởng chỉ chú trọng về một lãnh vực nào trong kỹ thuật mà thôi. Nhưng mà cái này có giá trị đặc biệt là lifetime nghĩa là tổng cộng tất cả những thành tích của mình trong cuộc đời của mình bởi đó nó có ý nghĩa đặc biệt.

VOA: Trong những công trình nghiên cứu và phát minh của giáo sư thì những công trình nào giáo sư ưng ý nhất?

GS Cường: Trong suốt đời làm về vấn đề nghiên cứu về kỹ thuật thì trong thời gian 1986 cho đến 1996 tôi có được cơ hội làm việc với chương trình NASA về trạm không gian quốc tế. Điều hãnh diện nhất của tôi trong thời kỳ làm việc với NASA là chúng tôi phát minh ra một cánh tay để lo về vấn đề hoàn gắn có nghĩa là để xây dựng trạm không gian quốc tế cho NASA. Đó là một công việc hãnh diện nhất trong việc làm của chúng tôi.

VOA: Giáo sư khi lên làm khoa trưởng thì giáo sư có thì giờ lo những công trình nghiên cứu khác nữa không?

GS Cường: Thật ra khi đã đi vào lãnh vực lãnh đạo của một trường đại học giống như trường đại học kỹ sư của tôi thì hàng ngày vấn đề điều hành của trường cần thì giờ của chúng tôi rất là nhiều, nhưng chúng tôi cũng để ra một số thì giờ trong ngày hay trong tuần để nghiên cứu. Lãnh vực tôi vẫn làm hiện tại là lãnh vực người máy và tự động.

VOA: Thưa giáo sư, chúng tôi được biết trước đây giáo sư có chân trong Board of Directors của Quỹ giáo dục Việt Nam VEF, bây giờ giáo sư còn làm việc trong quỹ đó không và nếu không thì với cương vị là một khoa trưởng giáo sư có về Việt Nam để giúp cho nền giáo duc Việt Nam như thế nào không?

GS Cường: Tôi có được hân hạnh là Tổng Thống Bush bổ nhiệm tôi làm thành viên trong Ban giám đốc của Vietnam Education Foundation năm 2004 và nhiệm kỳ của tôi là 3 năm thì tôi có làm được từ 2004 đến 2007. Trong nhiệm kỳ của tôi tôi có được những cơ hội đi về công tác ở Việt Nam. Trong những buổi công tác ở Việt Nam, tôi có dịp đi thăm những đại học từ Nam chí Bắc, qua những thành phố ở miền Trung như Đà Nẳng. Tôi nhận thấy là có những em sinh viên Việt Nam có khả năng rất cao nhưng không có đủ tài chánh để đi du học. Ngoài ra họ có những thiếu thốn khác về vấn đề Anh ngữ. Sau nhiệm kỳ của tôi với VEF tôi có đề nghị với cấp trên của tôi ở Đại học Catholic University thì chúng tôi có những chương trình hiện tại để giúp đỡ các em ở Việt Nam xuất sắc về vấn đề kỹ thuật có thể có cơ hội qua học tiếp Tiến sĩ và cử nhân ở đại học Catholic University.

VOA: Thưa như vậy thì giáo sư đánh giá khả năng của du học sinh ở Việt Nam sang như thế nào?

GS Cường: Chương trình chúng tôi có với Việt Nam hiện tại là chương trình 2 cộng 2 hay là những chương trình Tiến sĩ cho các em qua đây học thẳng. Theo tổng quát chúng tôi thấy các em có khả năng rất cao về vấn đề kỹ thuật, về toán và khoa học. Nhưng mà khó khăn đầu tiên là vấn đề Anh ngữ. Các em không nói thạo và nghe thạo nên khi các em lấy những Test Toefle thì các em không đủ điểm để đi, nhưng qua những chương trình vừa rồi thì mặc dù các em hơi thiếu một số điểm nhưng chúng tôi cũng cho các em qua để coi thử các em có thành công hay không. Trong một năm vừa rồi có một số em qua theo chương trình 2 cộng 2 có nghĩa là 2 năm học ở Việt Nam và 2 năm học ở đây để lấy bằng cử nhân ở Mỹ. Tôi thấy lúc đầu các em qua thì vấn đề Anh ngữ là một vấn đề rất lớn. Các em không hiểu và không viết được nhiều nhưng mà sau 6 tháng, qua sự tiếp xúc và nghe tin tức từ truyền hình thì các em học được rất mau và hiện tại thì các em ở bảng danh dự Dean's List. Tất cả 4 em ở chương trình 2 cộng 2 các em đều giỏi như vậy hết. Cái đó chúng tôi hy vọng là trong tương lai một số sinh viên Việt Nam có được qua, qua hình thức này, vấn đề thành công không có vấn đề gì hết. Vì tôi nghĩ là các em qua trở ngại Anh ngữ từ đầu thì các em thành công nhiều.

VOA: Thưa giáo sư, giáo sư nói đến chương trình 2 cộng 2, như vậy thì 2 năm học ở Việt Nam và 2 năm học ở Mỹ, hai năm học ở Việt Nam thì học những trường nào?

GS Cường: Hiện tại chúng tôi đã ký giao kèo cộng tác với các đại học như Đại học quốc tế International University của Đại học Quốc gia, Vietnam University của thành phố Hồ Chí Minh và chúng tôi vừa mới ký xong với Đại học Công nghệ hay là kỹ sư của Phú Thọ cũ. Ngoài ra chúng tôi cũng ký với Đại học Bách khoa ở Đà Nẳng. Qua các chương trình này thì các em có cơ hội học được ở Việt Nam, học 2 năm xong rồi qua đến đây chúng tôi có những học bổng để các em chỉ trả nửa phần học phí bên này. Tôi nghĩ rằng chương trình này cho các em có cơ hội để học cử nhân bên này, nhưng mục đích chính của chúng tôi qua chương trình 2 cộng 2 không những chỉ để các em ra cử nhân mà hy vọng là các em sẽ ở lại học cao học và học xong chương trình Tiến sĩ ở bên này.

VOA: Giáo sư nói là các em có thể ở lại để học Cao học và học chương trình Tiến sĩ như vậy vấn đề học bổng như thế nào thưa giáo sư?

GS Cường: Sau khi các em được bằng cử nhân ở đại học Catholic University nếu các em giỏi các em sẽ được tuyển chọn vào phụ tá giảng dạy, nghĩa là Teacher Assistant hay là phụ tá các vấn đề nghiên cứu, có nghĩa là Research Assistant. Khi các em được nhận vào những hình thức trên thì các em sẽ được học bổng nghĩa là các em không phải trả tiền và chúng tôi sẽ cấp cho các em học bổng 100%. Ngoài ra các em có đủ lương để mà sống. Hy vọng rằng các em qua chương trình 2 cộng 2 thì tài chánh hơi vất vả lúc đầu vì phải trả một nửa tiền học phí nhưng mà khi các em ra được cử nhân rồi thì tôi hy vọng các em giỏi để được vào những chương trình phụ tá kể trên để các em học ra Tiến sĩ mà không phải trả thêm một số tiền nào khác.

VOA: Cám ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Mời quí thính giả bấm vào đường dẫn bên phải để nghe cuộc phỏng vấn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG