Ukraine đang đẩy nhanh nỗ lực xóa bỏ dấu tích ảnh hưởng của Liên Xô và Nga ở những nơi công cộng với việc kéo đổ các tượng đài và đổi tên hàng trăm đường phố để tôn vinh các danh nhân của chính họ: nghệ sĩ, nhà thơ, binh sỹ, nhà lãnh đạo phong trào đòi độc lập và những người khác – bao gồm các anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Nga hiện nay.
Sau cuộc xâm lược của Moscow nổ ra ngày 24/2, các lãnh đạo Ukraine đã đưa chiến dịch vốn tập trung xóa bỏ quá khứ Cộng sản chuyển thành ‘phi Nga hóa’.
Những con đường tôn vinh nhà lãnh đạo cách mạng Vladimir Lenin hay Cách mạng Bolshevik phần lớn đã không còn nữa.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy thích mặc chiếc áo sơ mi màu đen có in dòng chữ: ‘Tôi là người Ukraine’.
Ông là một trong số nhiều người dân Ukraine sinh ra nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ. Giờ đây, họ tránh – hay ít nhất là hạn chế sử dụng nó. Tiếng Ukraina vốn trước giờ được sử dụng nhiều hơn ở miền tây đất nước – khu vực mà ngay từ đầu đã lánh xa hình ảnh của Nga và Liên Xô.
Phần lớn miền bắc, miền đông và miền trung Ukraine đang có sự chuyển hướng ngôn ngữ. Thành phố Dnipro ở miền đông hôm 16/12 đã giật sập bức tượng bán thân của Alexander Pushkin, đại thi hào của văn học Nga vào thế kỷ 19.
Trong tháng này, Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko thông báo sẽ có thêm khoảng 30 đường phố ở thủ đô được đặt tên lại.
Ông Volodymyr Prokopiv, phó chủ tịch Hội đồng thành phố Kyiv, cho biết chính sách ‘phi cộng sản’ của Ukraine kể từ năm 2015 đã được áp dụng một cách ‘mềm mỏng’ để không động chạm đến sự nhạy cảm của cộng đồng nói tiếng Nga và thậm chí là thân Moscow trong nước.
“Với cuộc chiến này, mọi thứ đã thay đổi. Bây giờ sự vận động cho Nga đã trở nên bất lực – trên thực tế, nó không còn nữa”.
“Đổi tên những con phố này giống như xóa bỏ sự tuyên truyền mà Liên Xô áp đặt lên Ukraine”, ông Prokopiv nói với AP.
Trong cuộc chiến này, người Nga cũng tìm cách in dấu ấn văn hóa và sự thống trị của họ ở những vùng họ chiếm đóng.
Đối với người Ukraine, người Cossack - một dân tộc Slav ở Đông Âu - ‘có nghĩa là tự do, trong khi thi hào Pushkin khắc họa họ là độc ác, man rợ, lỗi thời, và cần được văn minh Nga khai hóa’, ông Andrew Wilson, giáo sư tại Đại học College London, với cuốn sách ‘Người Ukraine’ đã được tái bản lần thứ năm, cho biết.
Kyiv đã tiến hành khảo sát trực tuyến và nhận được 280.000 đề xuất trong một ngày, Prokopiv cho biết. Sau đó, một nhóm chuyên gia đã sàng lọc các đề xuất này, và các quan chức chính quyền và cư dân sống trên các con đường có sự phê duyệt cuối cùng.
Trong chương trình ‘phi cộng sản hóa’, khoảng 200 đường phố đã được đổi tên ở Kyiv trước năm 2022. Chỉ riêng trong năm nay, cũng có số lượng đường phố như vậy đã được đổi tên và 100 đường phố khác dự kiến sẽ sớm được đổi tên, ông Prokopiv nói.
Một con đường từng được đặt tên của triết gia Friedrich Engels giờ đây sẽ tôn vinh nhà thơ trường phái tiên phong người Ukraine Bohdan-Ihor Antonych. Một đại lộ có tên là ‘Tình bạn của các dân tộc’ – ý nói đến các sắc tộc đa dạng dưới thời Liên Xô – sẽ được đặt theo tên Mykola Mikhnovsky, người ủng hộ độc lập cho Ukraine ngay từ đầu.
Một con đường khác tôn vinh ‘Những anh hùng Mariupol’ – những binh sỹ đã cầm cự trong nhiều tháng trước chiến dịch tàn khốc của Nga ở thành phố cảng ven Biển Azov này. Một con đường được đặt theo tên thành phố Volgograd của Nga hiện được gọi là Đường Roman Ratushnyi để vinh danh một nhà hoạt động dân sự và môi trường 24 tuổi đã thiệt mạng trong chiến tranh.