Một quan chức của Lực lượng Tuần duyên Philippines hôm 1/2 nói với truyền thông nước này rằng hợp tác của họ với các đối tác Việt Nam không có mục đích chống lại Trung Quốc sau khi có thông tin về quan ngại từ Bắc Kinh ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tới Hà Nội.
Người phát ngôn của Tuần duyên Philippines, Chuẩn đô đốc Armand Balilo, xác nhận như vậy khi trả lời phỏng vấn tờ Inquirer với mục đích nhằm làm rõ những lo ngại được một chuyên gia an ninh hàng hải của Trung Quốc bày tỏ về bản ghi nhớ mà Manila và Hà Nội ký kết trong chuyến thăm của ông Marcos.
Việt Nam và Philippines hôm 30/1 đồng ý tăng cường hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên hai nước cũng như nhất trí ngăn chặn những sự cố không đáng có ở Biển Đông, theo thông báo nhân chuyến thăm của ông Marcos ở Hà Nội từ ngày 29 tới 30 tháng 1.
Một quan chức Việt Nam thông báo về hai thỏa thuận được ký kết giữa hai nước tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, được Reuters trích lời cho biết rằng, các bản ghi nhớ về an ninh bao gồm “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông” và “hợp tác hàng hải” giữa các lực lượng tuần duyên.
Các thỏa thuận ở Hà Nội trong chuyến thăm của ông Marcos đã được dự đoán có nguy cơ khiến Bắc Kinh tức giận, đặc biệt nếu các hợp tác này mở đường cho những thỏa hiệp trong tương lai về các yêu sách đang tranh chấp.
Ông Trần Tương Miểu, giám đốc Trung tâm nghiên cứu hải quân thế giới tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Nam Trung Hoa, đã cảnh báo về những tác động bất lợi có thể xảy ra từ thỏa thuận của Manila với Hà Nội trong tranh chấp Biển Đông.
“Sự hợp tác giữa lực lượng bảo vệ vờ biển Philippines và Việt Nam được hình thành trên cơ sở thừa nhận lẫn nhau về việc thực thi các vùng biển, bất chấp các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc,” ông Trần được tờ Hoàn cầu Thời báo trích dẫn nói trong một bài báo ra ngày 31/1.
Theo tờ báo chuyên về đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Trần cho rằng Philippines đang cố gắng thúc đẩy hợp tác song phương chặt chẽ hơn với một số quốc gia ASEAN nhằm chống lại lập trường của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông để thu hút thêm nhiều nước hơn và gây thêm áp lực lên Bắc Kinh.
“Tôi nghĩ thỏa thuận (giữa Philippines và Việt Nam) không nhằm mục đích chống lại [Trung Quốc],” ông Balilo nói khi trả lời phỏng vấn Inquirer tại trụ sở của Tuần duyên Philippines ở Port Area của Manila.
“Phản ứng của Trung Quốc là điều có thể đoán trước được – tất nhiên là họ sẽ phản ứng – nhưng điều quan trọng là chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những hành động phù hợp với lợi ích của chính mình,” ông Balilo nói với tờ nhật báo tiếng Anh uy tín hàng đầu của Philippines.
Nhận định với VOA về hợp tác mới giữa Việt Nam và Philippines, ông Raymond Powell, đại tá về hưu đang lãnh đạo dự án Myoushu vốn theo dõi các hoạt động trên Biển Đông thuộc Trung tâm Gordia Knot về Sáng tạo An ninh Quốc gia của Đại học Standford ở Mỹ, cho rằng thỏa thuận này có thể tạo ra mặt trận thống nhất để đối phó với nước gây hấn chính trong khu vực là Trung Quốc. Theo người từng là tùy viên quốc phòng của Mỹ ở Việt Nam, Trung Quốc “gần như coi tất cả sự hợp tác và hành động tập thể của các nước khác ở Biển Đông là sự bác bỏ tuyên bố chủ quyền của họ.”
Theo ông Balilo, Philippines là quốc gia có chủ quyền nên sẽ “độc lập thực hiện những việc như tham gia quan hệ đối tác với các quốc gia khác.”
Biên bản ghi nhớ được Việt Nam và Philippines ký kết sẽ tạo điều kiện cho việc thành lập Ủy ban hỗn hợp Cảnh sát biển nhằm thảo luận các vấn đề và lợi ích chung, đồng thời thiết lập cơ chế liên lạc đường dây nóng giữa lực lượng tuần duyên hai nước, theo Inquirer.
Tuy nhiên, ông Trần bày tỏ lo ngại, trong bài báo của Hoàn cầu Thời báo, rằng thỏa thuận này sẽ “làm tăng gánh nặng và chi phí bảo vệ quyền hàng hải cho Trung Quốc” đồng thời chỉ ra rằng Việt Nam và Philippines có các yêu sách chồng chéo ở một số khu vực trên Biển Đông.
Cả Việt Nam và Philippines đều nằm trong số các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong đó yêu sách của Trung Quốc trên gần như toàn bộ vùng biển giàu tài nguyên này bất chấp phán quyến năm 2016 của tòa trọng tài quốc tế phủ nhận các khẳng định của Bắc Kinh.
Tại cuộc gặp tới Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ông Marcos nói rằng thỏa thuận hợp tác hàng hải nhằm mục đích thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Lực lượng Cảnh sát biển hai nước về xây dựng năng lực, đào tạo, trao đổi nhân sự và tàu thuyền nhằm nâng cao khả năng điều hành hoạt động của nhau, theo Reuters.
“Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) vẫn là một điểm tranh chấp,” ông Marcos được hãng tin Anh trích lời nói tại buổi gặp với ông Chính.
“Chúng tôi kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trước bất kỳ hảnh động khiêu khích nào. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng đang tìm cách giải quyết những vấn đề này với Trung Quốc thông qua đối thoại và tham vấn hòa bình với tư cách là hai quốc gia có chủ quyền bình đẳng.”
Trước khi gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, ông Marcos cho biết Việt Nam là “đối tác chiến lược duy nhất của Philippines” ở Đông Nam Á và nhấn mạnh hợp tác hàng hải là nền tảng của mối quan hệ đó.