Nạn nhân thảm họa công nghiệp ở Bangladesh có thể được bồi thường

Wal-Mart, công ty bán lẻ lớn nhất thế giới và là một trong các công ty nhập khẩu quần áo nhiều nhất của Bangladesh.

Một số các công ty bán lẻ lớn nhất thế giới đang họp tại Geneva để điều đình về việc bồi thường cho các nạn nhân của hai thảm họa lớn tại các xưởng may ở Bangladesh.

Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đang triệu tập các cuộc họp ở Thụy Sĩ để xác định khoản tiền mà mỗi thương hiệu phải trả trong khoản tiền bồi thường có thể lên tới hơn 70 triệu đô la.

Bangladesh là nước xuất khẩu quần áo lớn hàng thứ nhì thế giới, sau Trung Quốc, và có khoảng 3 triệu 600.000 người làm việc trong công nghiệp này. Nhưng họ đã gánh chịu hai tai nạn thảm khốc trong năm qua.

Hơn 1.000 người thiệt mạng khi tòa nhà công xưởng 8 tầng bị sập hồi tháng tư, và 112 công nhân thiệt mạng trong một đám cháy ở một xưởng may hồi tháng 11 năm ngoái.

Công ty Primark của Anh, công ty Loblaw của Canada và công ty KiK Textilien của Đức nằm trong số những công ty điều đình về tiền bồi thường. Nhưng đại công ty Wal-Mart của Mỹ, công ty bán lẻ lớn nhất thế giới và là một trong các công ty nhập khẩu quần áo nhiều nhất của Bangladesh, đã không có mặt tại cuộc thương lượng.

Hai công ty lớn khác là Benetton của Ý và Mango của Tây Ban Nha cũng vắng mặt.

Wal-Mart nói rằng quần áo của họ được may tại hai xưởng đó mà họ không hề hay biết vì vấn đề cho thầu lại mà không được phép. Sau các tai nạn, Wal-Mart đã tập trung vào việc cho vay để cải thiện điều kiện an toàn của các công xưởng, thay vì trả tiền bồi thường cho nạn nhân của hai thảm họa.

Các nhà phân tích nói rằng gia đình của mỗi nạn nhân có thể lãnh chừng 33.000 đô la.