Mỹ-Hàn tranh cãi về thương mại song phương

FILE - A shopper carries a Samsung television at a Best Buy store in Westbury, New York. Nov. 27, 2015.

Chính phủ Hàn Quốc chống lại yêu cầu của Mỹ muốn tái đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã liên tiếp chỉ trích thỏa thuận FTA Mỹ-Hàn. Ông gọi đó là một hiệp định ‘kinh khủng’ khiến Mỹ bị thâm hụt đến 27 tỷ đô la trong thương mại với Hàn Quốc hồi năm ngoái. Ông Trump hứa chính quyền của ông hoặc sẽ tái đàm phán hoặc sẽ chấm dứt hiệp định này.

Theo yêu cầu của Washington, một cuộc họp đặc biệt qua truyền hình giữa Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã được tổ chức để đàm phán điều chỉnh một số điều khoản của thỏa thuận.

Sau đó, ông Kim đã cho biết rằng hai nước không đồng ý về việc sửa đổi thỏa thuận này.

“Chúng tôi nhận thấy rằng hai nước có quan điểm khác nhau về tác động của Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn, nguyên nhân gây ra tình trạng thâm hụt và việc cần thiết phải sửa đổi lại hiêp định,” ông Kim nói.

Giới chức Hàn Quốc vẫn bảo lưu quan điểm rằng thâm hụt thương mại song phương không phải là do FTA gây ra mà là do nền kinh tế của họ đang suy yếu khiến nhu cầu nhập khẩu giảm sút.

“Trong vòng 10 năm qua, nền kinh tế thị trường của Hàn Quốc không được tốt cho nên phía Mỹ không có cơ hội bán hàng cho Hàn Quốc. Nếu nền kinh tế Hàn Quốc khá hơn và kinh tế Mỹ xấu đi thì tình hình sẽ đảo ngược,” ông Chung Sye-kyun, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc cho biết hôm thứ Năm ngày 24/8 tại một sự kiện do Phòng thương mại Mỹ tổ chức.

Những người ủng hộ FTA ở Hàn Quốc cho rằng nền kinh tế Mỹ và người lao động Mỹ cũng được hưởng lợi từ hiệp định này. Hồi năm ngoái, các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc như tập đoàn điện tử Samsung và nhà sản xuất xe Huyndai đã tạo 45.000 việc làm cho người Mỹ và đóng góp 138 tỷ đô la cho nền kinh tế Hoa Kỳ, Phòng thương mại Mỹ cho biết.

Chỉ tính riêng mặt hàng ô tô đã tạo ra gần 80% lượng thâm hụt trong thương mại giữa hai nước. Nguyên do là xe Mỹ bán chậm ở Hàn Quốc trong khi doanh số xe Hàn Quốc bán tại Mỹ đã tăng vọt. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ từ lâu cho rằng nguyên nhân thâm hụt một phần là do các tiêu chuẩn đặc thù phi thuế quan của Hàn Quốc, chẳng hạn như các quy định về môi trường hay quy trình chứng nhận sản phẩm mà họ cho rằng phía Hàn Quốc áp đặt lên để bảo vệ thị trường nội địa. Các công ty nước ngoài sau đó buộc phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để đáp ứng các quy định này.

Chính quyền Hàn Quốc cho rằng các cáo buộc về thương mại không công bằng không có gì nghiêm trọng và cho biết phần lớn các phàn nàn đã được giải quyết thông qua đàm phán mà không cần phải sửa đổi FTA.

Bộ trưởng Thương mại Nam Hàn nói rằng mặc dù cuộc họp trong tuần này không đưa tới thỏa thuận sẽ tiến hành sửa đổi như thế nào, không bên nào đề cập đến việc chấm dứt FTA.

Bất đồng thương mại giữa hai nước xảy ra vào lúc Washington và Seoul đề cao liên minh quân sự gắn kết của họ và sự thống nhất giữa hai bên trong việc tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên để buộc nước này quay trở lại bàn đám phán.