Liên minh cầm quyền Nhật Bản thắng cử

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 22/7/2013.

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thắng cử và nắm quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội, chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài nhiều năm. Từ văn phòng Ðông Bắc Á của đài VOA, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Ðảng Dân chủ Tự do Nhật Bản LDP và đối tác trong liên minh là đảng Tân Komeito đã thắng 76 trong số 121 ghế dự tranh tại Thượng viện. Kết quả này giúp liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe chiếm được 135 trong số 242 ghế tại thượng viện.

Ðây là lần đầu tiên từ 6 năm đảng LDP nắm được thế đa số vững vàng tại cả hai viện lập pháp, làm tăng thêm hy vọng cho ông Abe có được hậu thuẫn chính trị để cải tổ nền kinh tế èo uột.

Phát biểu tại trụ sở của đảng, Thủ tướng Abe cảnh báo rằng họ sẽ phải đối mặt với một trở ngại nếu như các chính trị gia trong đảng thoái lui trước tiến trình cải cách.

Ông Abe nói họ phải tăng tốc thêm nữa tiến độ của các chính sách. Theo ông, nếu họ trở lại với tình trạng của đảng LDP cũ thì họ sẽ làm lơ trước công luận hoặc sẽ tìm cách chạy trốn trước các biện pháp cải cách thì họ sẽ mất đi hậu thuẫn của công chúng.

Ðảng LDP đã mất quyền kiểm soát quốc hội Nhật Bản trong một thất bại bầu cử vào năm 2007 khi ông Abe làm thủ tướng kỳ trước. Ông đã trở lại ghế lãnh đạo hồi tháng 12 năm ngoái sau thắng lợi bầu cử tại hạ viện.

Kể từ khi đó, ông đã được ca ngợi về chính sách kích hoạt tài chính gọi là “Abenomics” hạ thấp lãi suất và gia tăng công chi và nguồn cung ứng tiền bạc. Chính sách này cũng bao gồm việc khai phóng các thị trường và phá vỡ các độc quyền.

Nhưng ông Jeff Kingston, giám đốc về Nghiên cứu châu Á tại trường đại học Temple ở Nhật Bản, cho rằng việc đối phó với một số doanh nghiệp lớn hậu thuẫn cho đảng LDP sẽ khó thực hiện hơn.

Ông Kíngton: “Vấn đề là những nhóm đặc quyền đặc lợi được đại diện rất nhiều trong chính đảng LDP của ông Abe. Và nay khi không còn áp lực nữa, họ đã thắng lớn, thì có cơ may họ sẽ trở nên tự mãn thêm một chút về vấn đề cải cách. Và có nhiều phần chắc hơn là họ sẽ bênh vực các nhóm đặc lợi đã đưa họ vào chức vụ. Do đó, tôi nghĩ một trong các thách thức mà ông Abe phải đối đầu là duy trì kỷ luật bên trong hàng ngũ của chính đảng ông.”

Nhiều người ở Nhật Bản cũng lo ngại rằng ông Abe sẽ thúc đẩy một nghị trình theo chủ nghĩa dân tộc, có thể gây phương hại cho việc tập trung vào nền kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ chủ quyền biển đảo mà Nhật Bản đang có tranh chấp với Trung Quốc và Nam Triều Tiên. Những lời kêu gọi bảo vệ chủ quyền đã làm căng thẳng tăng cao giữa Nhật Bản và các nước láng giềng và những mối lo ngại có thể dẫn đến xung đột.

Ông Kingston nói một lý do khiến ông Abe mất đi hậu thuẫn của công chúng từ năm 2006 là việc ông nhấn mạnh vào chủ thuyết dân tộc. Ðiều không may là mặc dù ông Abe nay có quyền tự do chính trị để tìm cách hạ giảm căng thẳng trong khu vực thì nhà lãnh đạo Nhật Bản dường như lại giữ vững lập trường cứng rắn.

Ông Kingston nói: “Thực vậy, sau chiến thắng bầu cử thì ông ấy nói rằng Nhật Bản cần phải là một đất nước bảo vệ lãnh thổ của mình. Vì thế, dường như ông ấy không tỏ ý muốn đưa ra một đề nghị hòa bình ở đó. Và theo tôi, đây là điều đáng lo ngại, không những cho những người trong khu vực, mà tôi nghĩ rằng cả Washington cũng rất quan ngại rằng ông Abe sẽ có thể có một lập trường dân tộc hơi quá đà và hơi khiêu khích.”

Ðiều gây nhiều tranh cãi hơn là ông Abe đã đưa ra nhiều nhận định hạ giảm tầm quan trọng của thái độ hung hãn và các hành động tàn ác của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Chính phủ của ông cũng đang cứu xét ý kiến viết lại bản hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, khơi ra thêm những bất mãn cho các nước láng giềng đã chịu đau khổ trong cuộc chiến tranh.