Kết quả nghiên cứu: Dân toàn cầu sống thọ thêm 6 năm kể từ năm 1990

Bà cụ người Thái cười khi người ta hỏi tuổi của bà. Bà đã 105 tuổi, nhưng vẫn có thể làm cho người xung quanh mình vui cười

Tuổi thọ toàn cầu đã tăng thêm sáu năm kể từ năm 1990 nhờ tỉ lệ tử vong vì ung thư và bệnh tim ở các nước giàu giảm xuống và tỉ lệ sống sót những bệnh tiêu chảy, bệnh lao và sốt rét cao hơn ở những nước nghèo.

Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu 2013 cho biết sự tăng cường hoạt động tập thể và kinh phí cho những bệnh truyền nhiễm có khả năng gây chết người như tiêu chảy, bệnh sởi, bệnh lao, HIV và sốt rét đã có tác động thực sự, giảm tỉ lệ tử vong và kéo dài tuổi thọ.

Phân tích mới nhất của nhóm nghiên cứu cho thấy một số các nước nghèo đã đạt tiến bộ vượt bậc về tuổi thọ trong khoảng thời gian 23 năm từ năm 1990 đến năm 2013, Người dân ở Nepal, Rwanda, Ethiopia, Niger, Maldives, Đông Timor và Iran hiện sống được trung bình thêm 12 năm nữa.

Dù tuổi thọ đang tăng gần như ở khắp mọi nơi trên thế giới, nghiên cứu cũng cho thấy một ngoại lệ đáng chú ý là vùng hạ Sahara phía nam châu Phi, nơi những ca tử vong vì HIV/AIDS đã khiến tuổi thọ trung bình ở đây giảm đi 5 năm kể từ năm 1990.

Và mặc dù con số trẻ em tử vong đã giảm mạnh trong 23 năm qua, bệnh sốt rét, tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi vẫn nằm trong nhóm năm nguyên nhân hàng đầu thế giới gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, làm thiệt mạng gần hai triệu trẻ em trong độ tuổi từ một đến 59 tháng mỗi năm.

Nguồn: Reuters