Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Nam Triều Tiên đang kêu gọi Tổng thống Park Guen-hye nới lỏng các hạn chế thương mại với Bắc Triều Tiên đã áp đặt từ năm 2010 sau vụ một tàu chiến của Nam Triều Tiên bị đánh chìm. Các tổ chức ủng hộ doanh nghiệp lập luận rằng mở rộng thương mại và đầu tư không chỉ tốt cho kinh doanh mà còn tốt cho hoà bình và an ninh dài hạn trong khu vực. Từ Seoul, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật.
Tổ chức có tên là “Ủy ban Đáp ứng Khẩn cấp về Hợp tác Kinh tế liên Triều” nhận là đại diện của hơn 140 công ty Nam Triều Tiên thường giao dịch với hoặc hoạt động ở Bắc Triều Tiên. Họ đang tổ chức các cuộc biểu tình hàng tuần ngoài đường phố ở Seoul.
Seoul đã cắt đứt nhiều quan hệ kinh tế trong năm 2010 sau khi một tàu ngầm của Bắc Triều Tiên bị cáo buộc đánh chìm một chiếc tàu của hải quân Nam Triều Tiên, làm 46 thuỷ thủ thiệt mạng.
Chủ tịch tổ chức Yoo Dong-ho nói các hạn chế thương mại áp đặt vào năm 2010 không trừng phạt Bắc Triều Tiên.
“Ở Bắc Triều Tiên, quyền quản lý và tình trạng độc quyền các doanh nghiệp mà người Nam Triều Tiên đã đầu tư trong nhiều năm được giao lại cho Trung Quốc, Nga và châu Âu. Chỉ có các doanh nghiệp Nam Triều Tiên bị phá huỷ.”
Nam Triều Tiên vẫn cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp Kaesong của Bắc Triều Tiên. 55 ngàn công nhân ở các nhà máy này kiếm được từ 70 đến 100 đôla một tháng, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu ở miền nam. Tuy nhiên, lương bổng được trả cho chính phủ Bắc Triều Tiên chứ không phải được phát thẳng cho công nhân.
Nam Triều Tiên cũng đình chỉ các tua du lịch vào năm 2008 đến vùng núi Kim Cương sau khi binh sĩ Bắc Triều Tiên nổ súng vào một du khách.
Tổng thống Park Geun-hye và các đồng minh bảo thủ của bà chủ trương rằng Bình Nhưỡng phải đền bù cho thái độ hiếu chiến trước đây và vì đã vi phạm các thoả thuận hạt nhân trước khi bãi bỏ lệnh cấm giao thương. Nhưng năm nay bà nói đã đến lúc hai bên bắt đầu đàm phán lại về việc tái thống nhất trong hoà bình.
“Lập trường của tôi là xoa dịu sự đau khổ vì chia cắt và hoàn tất việc tái thống nhất trong hoà bình, tôi sẵn sàng họp bàn với bất cứ ai.”
Dân biểu Quốc hội Nam Triều Tiên Hong Ik-pyo thuộc Liên minh đối lập Tân Chính trị tranh đấu cho Dân chủ nói mở rộng quan hệ thương mại và kinh doanh là những phần thiết yếu của bất kỳ tiến trình tái thống nhất nào.
“Đối với những nước đang có xung đột như Trung Quốc và Đài Loan, những điểm quan trọng nhất là các tiến trình hoà bình, trao đổi và hợp tác. Tôi nghĩ thực là không thích đáng nếu tiến tới tái thống nhất mà không có những điểm này.”
Nhưng trong tình hình Bình Nhưỡng từng vi phạm những lời hứa hẹn trước đây nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy viện trợ, nhiều người ở miền Nam vẫn hoài nghi rằng phục hồi quan hệ thương mại lần này sẽ đạt được thành quả trong việc đem lại hoà bình cho bán đảo Triều Tiên.