Báo cáo CIA tra tấn gây xôn xao dư luận thế giới

Cựu tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski (trái) và cựu thủ tướng Leszek Miller nắm quyền khi CIA điều hành một nhà tù bí mật ở Ba Lan nói chuyện với các nhà báo, 10/12/14

An ninh được siết chặt tại các cơ sở của Mỹ trên khắp thế giới sau khi Thượng viện Mỹ công bố bản báo cáo về việc CIA tra tấn nghi can khủng bố trong những năm sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001. Nhiều đồng minh của Mỹ bị cho là đồng lõa trong chương trình của CIA và chấn động của bản báo cáo đang được cảm nhận tại nhiều nơi trên thế giới. Thông tín viên Henry Ridgwell tường thuật từ London.

Sự tiết lộ về những kỹ thuật thẩm vấn thô bạo của CIA dưới thời Tổng thống Bush đã làm bùng ra những lời kêu gọi của những nhân vật tranh đấu nhân quyền và những người khác đòi truy tố các giới chức Mỹ dính líu tới chương trình này.

Bà Laura Pitter, một viên chức của Human Rights Watch, phát biểu như sau:

"Thật ra những người có lỗi trong vụ này là những giới chức cấp cao của Mỹ, những người cho phép thực hiện những hành vi ngược đãi mà họ biết là bất hợp pháp. Họ là những người ở cấp cao nhất và cần phải bị buộc chịu trách nhiệm đối với những tội ác này."

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về Nhân quyền và Chống khủng bố cũng đưa ra một nhận định tương tự.

CIA nói rằng những cuộc thẩm vấn đã giúp ngăn chận những vụ tấn công sau biến cố 11 tháng 9. Phúc trình của Thượng viện bác bỏ ý kiến đó. Một số nước đồng minh của Mỹ bị cho là đồng lõa vì đã để cho CIA lập các trung tâm thẩm vấn bí mật trên lãnh thổ của mình.

Hôm qua, cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski lần đầu tiên thừa nhận rằng ông đã cho phép CIA lập một căn cứ trên lãnh thổ nước ông. Nhưng ông nói thêm rằng khi đó ông không biết những vụ tra tấn được thực hiện ở đó:

"Phía Mỹ đã yêu cầu phía Ba Lan dành cho một nơi yên tĩnh để họ tiến hành những hoạt động để thu thập thông tin một cách có hiệu quả từ những người sẵn lòng hợp tác với phía Mỹ. Chúng tôi tán đồng việc đó."

Một cuộc điều tra của quốc hội ở Lithuania năm 2010 cũng kết luận rằng CIA điều hành một căn cứ ở ngoại ô thủ đô Vilnius. Cuộc điều tra đó giờ đây có lẽ sẽ được thực hiện lại.

Anh Quốc cũng bị dính líu. Khi được hỏi về vấn đề này hôm thứ tư, Thủ tướng David Cameron cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành:

"Do đó tôi tin rằng vấn đề này đã được xử lý từ quan điểm của Vương quốc Anh và tôi nghĩ rằng tôi có thể bảo đảm với công chúng về việc đó. Nhưng nói chung, chúng ta nên nói rõ rằng tra tấn là sai."

Nhiều nghi can khủng bố đã được chuyển tới căn cứ của quân đội Mỹ ở Vịnh Guantanamo của Cuba. Trong số những nghi can đó có Moazzam Begg, một công dân của Anh đã được thả sau ba năm.

Hôm thứ tư, ông Begg nói rằng những vụ chặt đầu con tin người Tây phương do phiến quân Nhà nước Hồi giáo có thể bắt nguồn từ những hành động của CIA:

"Nhà nước Hồi giáo ra đời từ ngục tối của Abu Ghraib, nó ra đời từ ngục tối của những nhà giam ở Iraq, nơi từng bị Mỹ chiếm đóng, và đó chính là nơi mà sự hận thù và hiềm khích này đã nẩy sinh."

Một số người e rằng đe dọa khủng bố đối với Mỹ và các nước đồng minh sẽ gia tăng cường độ, giữa lúc có tin cho biết các nhóm thánh chiến Hồi giáo đã đưa ra những lời kêu gọi trả đũa trên truyền thông xã hội.

Cựu Phó Giám đốc CIA Charles Allen cảnh báo rằng mối đe dọa đã gia tăng:

"Vâng, nó sẽ đe dọa tới người Mỹ. Người của chúng tôi cần được bảo vệ, lai lịch của họ cần được bảo vệ, và tôi không hề muốn thấy có đổ máu vì vụ này, nhưng tôi e rằng sẽ có một vụ tấn công."

An ninh đã được tăng cường tại các sứ quán Mỹ ở Âu châu và trên khắp thế giới để phòng hờ những vụ tấn công có thể xảy ra.