Bắc Kinh sợ tư bản mới tài trợ các hoạt động từ thiện không được nhà nước hậu thuẫn

Ảnh tư liệu - Một người đàn ông đặt tay lên gần logo của một chiếc xe Rolls Royce ở Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc, ngày 18 tháng 9 năm 2011.

Các nhà tư bản Trung Quốc chưa gì đã gia nhập hàng ngũ của giới giàu có nhất thế giới, và nhiều người đã xoay sang làm những việc từ thiện và xây dựng các quỹ tư nhân để hỗ trợ các hoạt động từ thiện.

Chính phủ Trung Quốc đã thông qua một đạo luật mới về các hoạt động từ thiện, cho phép Bắc Kinh hướng luồng vốn này tới các hội từ thiện được nhà nước hậu thuẫn. Biện pháp này quy định các bên tặng tiền tài trợ phải thông báo cho chính quyền biết về những đóng góp của họ.

Quy định này có phần chắc sẽ ảnh hưởng tới chức năng và tính độc lập của các quỹ tư nhân thuộc quyền sở hữu của các tập đoàn doanh thương hoặc của cá nhân các doanh gia. Rất nhiều quỹ của giới này đã được tạo ra, đầu tiên là bởi vì những người có tiền của muốn kiểm soát việc sử dụng các quỹ này, thay vì phải dựa trên những tổ chức từ thiện mập mờ được nhà nước chống lưng.

Một thành phần lớn trong giới giàu có ở Trung Quốc có thể đã xây dựng tài sản của họ nhờ sự hậu thuẫn của chính quyền và có những liên hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên nhiều người đã đi theo triết lý của các nhà tư bản phương Tây đã quay sang phục vụ công tác từ thiện sau khi đã dựng nên cơ đồ của họ.

Ông Anthony Saich, Giám Đốc Trung tâm Ash về Quản trị Dân chủ và Đổi mới tại Trường Kennedy/ Đại học Harvard nói với VOA:

“Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người trong số họ. Họ đã đọc về sự nghiệp của các ông Rockefeller và Carnegie, và họ cảm thấy họ đang ở trong vị thế tương tự. Họ đã làm ra tiền, thường là thông qua các hãng độc quyền và những cách khác, và giờ họ đang tìm cách để đền đáp lại bằng cách phục vụ xã hội. Đây là một khuynh hướng đang lên tại Trung Quốc.”

Gần phân nửa của số 100 người hào phóng nhất Trung Quốc đã hoặc là thiết lập các quỹ riêng của họ, hoặc đang dự tính làm việc đó, theo ông Saich.

Trung tâm Ash, nơi đề xướng chỉ số hào phóng của 100 mạnh thường quân hàng đầu Trung Quốc, kết luận rằng 60% những đóng góp của các nhà từ thiện này được hướng về tỉnh nhà của họ.

Ảnh tư liệu - Một người đàn ông xin tiền từ những người đang ngồi ở một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 19 tháng 4 năm 2012.

Thay đổi trong khuôn mẫu hoạt động từ thiện

Một phúc trình gần đây của Trung tâm Hurun chuyên nghiên cứu thành phần có tiền của, cho thấy 34% các nhà từ thiện giàu có ở Hoa Lục đóng góp tiền bạc thông qua các quỹ tư nhân của họ.

Ông Rupert Hoogewerf, Chủ tịch Trung tâm Hurun, nhận định:

“Trong quá khứ, người giàu chỉ tặng tiền cho Hội Chữ Thập Đỏ hoặc cho các tổ chức từ thiện được chính phủ chuẩn y. Giờ đây, họ đang tìm những cách sáng tạo để tạo ra thay đổi xã hội thực sự. Chẳng hạn như khuyến khích việc sử dụng công nghệ mới để bảo tồn và bảo vệ môi trường.”

Những người đứng đầu các công ty như Alibaba và Tencent đang tìm cách tận dụng các trang mạng của họ để nới rộng công tác từ thiện của họ. Chẳng hạn có tới 700 triệu người, phần lớn là khách mua sắm, được nối kết với các trang mạng xã hội của Alibaba.

Trung tâm Hurun, có cơ sở hoạt động tại Thượng Hải, phát hiện rằng 51 người Trung Quốc mỗi người đã cho đi hơn 80 triệu đôla trong năm 2015. 4 nhân vật siêu giàu, là ông Lý Gia Thành (Li Ka-shing) từ Hong Kong, ông Jack Ma của tập đoàn Alibaba, ông Pony Ma của tập đoàn Tencent và bà Priscilla Chan của công ty Facebook từ Mỹ đã đóng góp mỗi người 1,5 tỉ đôla. Một số người như ông Jack Ma đóng góp cổ phần công ty cho các quỹ từ thiện của ông, và một số người khác như Pony Ma thiết lập các cơ sở để gây quỹ.

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu Luật Từ thiện mới có sẽ gây lo sợ khiến một số đông mạnh thường quân xa lánh các hoạt động từ thiện vì họ muốn tránh bị đặt những câu hỏi về xuất xứ các khoản tiền của họ, đặc biệt trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng đang tiếp diễn ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, cơ chế hướng dẫn các hoạt động từ thiện của chính quyền Trung Quốc sẽ tước đi một số quyền tự do của các mạnh thường quân trong việc chọn lựa lĩnh vực họ muốn đóng góp tiền của.

Giám Đốc Trung tâm Ash về Quản trị Dân chủ và Đổi mới Anthony Saich nói:

“Một số những người giàu có, có lẽ không muốn thiên hạ biết họ đã tạo ra bao nhiêu tài sản hoặc có thể, không muốn bị chất vấn về xuất xứ của khối tài sản của họ, đặc biệt trong lúc chiến dịch chống tham nhũng đang tiếp diễn. Sự thể này phần nào có tác dụng làm giảm bớt mức độ hăng hái của họ trong việc tặng tiền bạc cho các hoạt động từ thiện.”

Những lo sợ của Đảng Cộng sản

Về phần mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có những quan ngại về cách hành xử của thành phần mới giàu đã xây dựng những sự kết nối với thế giới tây phương thông qua các hoạt động doanh thương, và bằng cách gửi con cái theo học tại các trường ở nước ngoài. Đảng Cộng sản lo ngại một số trong những con em này có thể hậu thuẫn các hoạt động mà giới chỉ trích chính phủ theo đuổi, hoặc muốn giúp các hoạt động có liên quan tới lực lượng lao động.

Ông Saich nói thêm: “Nhà nước lo sợ ý kiến cho rằng bằng cách nào đó, một thành phần giàu có độc lập sẽ xuất hiện, và họ có thể tài trợ cho các hoạt động chống đối nhà nước.”

Ông nói các giới chức cộng sản đang đưa ra những lập luận sai trái, rằng có những sự tương đồng trong tình huống dẫn tới việc lật đổ chính phủ Ai Cập với những gì dẫn tới các cuộc cách mạng màu.

Ông nói các giới chức cộng sản muốn bảo đảm rằng giữa lúc các tổ chức xã hội dân sự đang phát triển, họ “phải nắm quyền kiểm soát khá chặt chẽ về những gì các tổ chức này đang làm”.

Ảnh tư liệu - Một người đàn ông chuẩn bị đẩy xe rác gần cửa hàng bán đồng hồ cao cấp dọc theo phố mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 3 tháng 8 năm 2010.

Giám đốc đặc trách các chương trình về Trung Quốc của Trung tâm Ash, Edward Cunningham, nói trong phúc trình nghiên cứu:

“Một câu hỏi lớn là các cá nhân giàu có này sẽ đóng vai trò nào trong các cuộc tranh luận chính trị, xã hội và kinh tế hướng tới phía trước?”

Những tầng lớp bị ruồng bỏ

Luồng quỹ tài trợ cho từ thiện vẫn rất thiên lệch ở Trung Quốc. Các khu vực nghèo khổ nhất Trung Quốc như Tây Tạng, Tân Cương, Ninh Hạ (Ningxia), Cam Túc (Gansu) và Vân Nam cộng lại chỉ nhận được có 1.96% số tiền tặng do 100 mạnh thường quân hàng đầu Trung Quốc đóng góp.

Và ngoài ra, còn có những quan tâm sâu sắc về làm cách nào đạo luật mới sẽ được thực thi, và liệu số tiền hiến tặng có được phân phối tới tay của các nhóm tuyêt vọng cần được giúp đỡ nhất hay không.

Ông Saich nói: “Những nhóm ấy trong xã hội Trung Quốc được coi là bị gạt ra ngoài rìa xã hội, như những người chỉ trích chính phủ, những người sống với virus HIV/AIDS, tôi không tin là họ sẽ được hưởng từ sự phú cường mới cũng như từ các hoạt động từ thiện mới.”

Mặt tích cực

Một số nhà phân tích tin rằng luật mới sẽ chứng tỏ là có lợi cho lĩnh vực từ thiện. Ông Matthias Stepan, người đứng đầu Chương trình Chính trị Nội bộ thuộc Viện nghiên cứu Mercator về các vấn đề Trung Quốc – gọi tắt là MERICS, ở Berlin nhận định:

“Phần về tiết lộ thông tin trong Luật Từ thiện sẽ khuyến khích sự minh bạch trong các tổ chức từ thiện. Luật này củng cố vị thế của những bên cung cấp tiền bạc, bởi vì họ có thể theo dõi đường đi nước bước xem những khoản hiến tặng của họ được sử dụng vào việc gì. ”

Phát biểu về Luật Từ thiện và Luật về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, ông Stepan nói:

“Hai đạo luật mới này sẽ thay đổi triệt để các hoạt động liên hệ ở Trung Quốc. Các tổ chức phi chính phủ và các quỹ quốc tế tặng tiền bạc chủ yếu có thể xét lại hình thức và quy mô của các hoạt động của họ ở Trung Quốc.”

Ông nói thêm rằng các tổ chức phi chính phủ quốc tế sẽ cung cấp ít tiền hơn cho Trung Quốc, đặc biệt là cho các hoạt động từ thiện được nhà nước hậu thuẫn.

Ông nói: “Tôi dự kiến họ sẽ đặt nặng hơn và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xây dựng khả năng.”