Đường dẫn truy cập

Xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng Giêng


Tàu chở hàng đang neo tại cảng ở Zhoushan, tỉnh Chiết Giang, ngày 14 tháng 2 năm 2016. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 11,2 phần trăm trong tháng Giêng so với một năm trước đó và nhập khẩu giảm 18,8 phần trăm.
Tàu chở hàng đang neo tại cảng ở Zhoushan, tỉnh Chiết Giang, ngày 14 tháng 2 năm 2016. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 11,2 phần trăm trong tháng Giêng so với một năm trước đó và nhập khẩu giảm 18,8 phần trăm.

Kinh tế Trung Quốc có phần chắc sẽ không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,5% đến 7% trong năm nay. Các nhà phân tích cho biết như thế ngày hôm nay, sau khi cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này đều giảm mạnh trong tháng giêng. Thông tín viên Joyce Huang của đài VOA tường thuật.

Tuy có các dữ liệu thương mại yếu kém và một ngày giao dịch nhiều biến động, cổ phiếu của Trung Quốc chỉ giảm nhẹ lúc đóng cửa hôm nay, sau khi ngân hàng trung ương nước này kịp thời can thiệp để ổn định đồng Nhân dân tệ.

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Một giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là sự sút giảm trong tháng thứ bảy liên tiếp, trong khi nhập khẩu giảm tới tháng thứ 15 liên tiếp, và đứng ở mức 18,8%, theo số liệu của Tổng cục Hải quan nước này công bố hôm nay.

Nhập khẩu giảm, xuất khẩu cũng giảm

Điều đó đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục là 63,3 tỷ đôla trong tháng trước, so với con số 60,09 tỷ đôla trong tháng 12 năm ngoái, một phần là vì nhu cầu kém và giá nông khoáng sản giảm.

Ông Chris Leung, giám đốc điều hành kiêm kinh tế gia trưởng của ngân hàng DBS, giải thích như sau.

“Thị trường xuất khẩu tiếp tục yếu kém, nhưng hoạt động nhập khẩu bị trì trệ vì giá nông khoáng sản giảm mạnh, đặc biệt là dầu khí, cũng như vì mức cầu rất yếu kém trong nước”.

Ông Leung dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 6,5% trong năm 2016.

Các nhà phân tích cho rằng số liệu thương mại trong tháng Một có thể không đầy đủ vì nhiều mặt hàng đã được vận chuyển trước thời biểu do những lo ngại là việc vận chuyển có thể bị gián đoạn trong dịp lễ Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc.

Nhưng ông Leung nói thêm rằng Trung Quốc sẽ khó mà đạt được mục tiêu GDP đề ra năm nay vì việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy nền kinh tế dựa vào xuất khẩu dường như không có hiệu quả.

Xuất khẩu tiếp tục tuột dốc tuy Trung Quốc đã để cho dồng nguyên giảm giá gần 6% kể từ tháng 8 năm ngoái để làm cho giá hàng xuất khẩu rẻ hơn.

Nhu cầu quốc nội

Ông Lưu Lợi Cương, kinh tế gia trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc của Ngân hàng ANZ, cho biết mức cầu trong nước sẽ trở thành đầu tàu chính của tăng trưởng trong năm nay, nhất là tăng trưởng đầu tư.

"Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại. Và chúng tôi dự kiến họ chỉ đạt mức tăng trưởng 6,4% trong năm nay. Xuất khẩu chỉ đóng góp một phần rất nhỏ. Chính phủ phải dùng nhu cầu nội địa như một động lực tăng trưởng."

Kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông Maurice Obstfeld, mới đây cảnh báo rằng sự trì trệ của Trung Quốc, cùng với sự dao động ngày càng nhiều của các thị trường mới nổi, là hai mối rủi ro kinh tế lớn nhất trong năm nay.

Ông Chris Leung của Ngân hàng DBS, cho rằng mặc dù Trung Quốc dự kiến sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng tác dụng của biện pháp này có phần chắc sẽ bị hạn chế.

"Thế giới đã lệ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ trong một thời gian quá lâu. Điều đó khuyến khích mọi người đánh cược nhiều hơn vào những tài sản có nhiều rủi ro. Nhưng qua thời gian thì nó không có tác dụng gì đối với nền kinh tế thật sự."

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ 6,9% trong năm 2015, mức thấp nhất trong vòng 25 năm.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG