Đường dẫn truy cập

Xin tị nạn ở Mỹ bằng cách vượt biên ‘sẽ rủi ro’


Di dân chờ đợi xin tị nạn ở biên giới Mexico giáp với Brownsville, Texas, Mỹ
Di dân chờ đợi xin tị nạn ở biên giới Mexico giáp với Brownsville, Texas, Mỹ

Những ai muốn xin tị nạn vào Mỹ bằng cách vượt biên bất hợp pháp từ biên giới Mexico nên cân nhắc kỹ vì con đường này nhiều rủi ro, nhất là với ý định của chính quyền Donald Trump muốn chặn con đường làm việc của họ ở Mỹ, một luật sư di trú nói với VOA.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hôm 13/11 đề xuất quy định hạn chế giấy phép làm việc cho hầu hết những người xin tị nạn, một động thái nhằm làm nản lòng các di dân tìm đường đến Mỹ mà các quan chức nước này tin rằng họ đến chỉ vì lý do kinh tế.

Không thể làm việc

Theo đề xuất này, Cơ quan Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS) sẽ từ chối cấp giấy phép làm việc cho hầu hết di dân xin tị nạn và vượt biên giới Mỹ-Mexico mà không có giấy tờ. Điều này dựng nên rào cản kinh tế đối với nhóm người xin tị nạn đông đảo nhất ở Mỹ. Chính sách được đề xuất này cũng yêu cầu những người xin tị nạn phải đợi một năm kể từ khi họ nộp đơn xin tị nạn mới được xin giấy phép làm việc.

Với các quy định mới, giới chức Mỹ sẽ có nhiều quyền hành hơn trong việc hủy giấy phép làm việc của những di dân bị phán quyết bất lợi từ các quan chức về tị nạn hoặc các thẩm phán di trú. Trường hợp bị kết án hoặc bắt giữ với một số tội cụ thể sẽ khiến ứng viên tị nạn không được cấp giấy phép làm việc.

Những thay đổi được đề xuất này cũng mang tính hồi tố, tức là có khả năng cho phép giới chức Mỹ từ chối gia hạn giấy phép làm việc cho những người xin tị nạn đã ở Mỹ mà theo quy định mới không còn đủ điều kiện để được cho phép làm việc nữa.

“Tác động của việc này sẽ rất lớn,” ông Aaron Reichlin-Melnick, cố vấn chính sách tại Hội đồng Di trú Hoa Kỳ, nói với CBS News. “Chúng ta đang nói về hàng chục ngàn người có khả năng mất việc và hàng trăm nghìn người không còn đủ điều kiện để xin giấy phép làm việc.”

Ông Reichlin-Melnick nhấn mạnh rằng việc làm là cần thiết đối với nhiều người xin tị nạn mà hồ sơ của họ kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm vì số hồ sơ dồn lại ở cả sở di trú và tòa án di trú. “Do sự chờ đợi lâu trong quy trình xử lý hồ sơ tị nạn, quy định này có nghĩa là một số người sẽ phải chờ đến 5 hoặc 6 năm mà không được phép làm việc hợp pháp,” ông cho biết.

Ngăn ngừa lợi dụng?

Quyền Giám đốc Ken Cuccinelli, một người cứng rắn về vấn đề di trú vốn lên lãnh đạo USCIS kể từ tháng 6, nói rằng đề xuất này nhắm đến những người tìm cách ‘lợi dụng’ hệ thống tị nạn của Mỹ.

“Những di dân trái phép đang lợi dụng hệ thống tị nạn của chúng ta để tìm kiếm cơ hội kinh tế. Điều này gây tổn hại sự toàn vẹn hệ thống nhập cư của chúng ta và trì hoãn cứu trợ cho những người xin tị nạn hợp pháp vốn cần được bảo vệ nhân đạo,’ ông Cuccinelli nói trong một tuyên bố hôm thứ 13/11.

Đề xuất này nỗ lực công khai mới nhất của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn dòng người xin tị nạn ở biên giới Mỹ-Mexico. Hồi tháng 9, USCIS đã công bố dự thảo quy định nhằm bãi bỏ yêu cầu phải xử lý giấy phép làm việc cho người xin tị nạn trong vòng 60 ngày kể từ khi họ nộp đơn. Cơ quan này cũng sắp công bố một đề xuất yêu cầu ứng viên phải đóng phí cho hồ sơ xin tị nạn. Chỉ có ba quốc gia khác trên thế giới hiện nay có mức phí này.

“Chúng ta đang thấy ở đây các chính sách sẽ làm giảm khả năng được chấp thuận cho tị nạn của tất cả những người nộp hồ sơ - bất kể hồ sơ của họ vững đến mức nào,” ông Reichlin-Melnick nhận định.

Người Việt cũng bị ảnh hưởng?

Trao đổi với VOA, luật sư di trú Khanh Phạm ở Texas, tiểu bang có biên giới giáp ranh với Mexico, nói rằng quy định được đề xuất này nếu chính thức có hiệu lực sẽ ‘áp dụng cho tất cả những di dân qua biên giới Mỹ-Mexico mà không có giấy tờ bất kể quốc tịch, trong đó có di dân đến từ Việt Nam’.

Do đó, luật sư Khanh nói, đối với những người Việt Nam có ý định xin tị nạn ở Mỹ bằng con đường qua biên giới Mexico ‘vì bị đàn áp nhiều quá mà không thể đợi xin với Cao ủy Liên hiệp Quốc về tị nạn (UNHCR) ở Thái Lan’ là ‘nếu bị bắt ở biên giới mà sau này có xin tị nạn thì sẽ không được bảo vệ gì nhiều’.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng quy định này chỉ nhằm vào biên giới Mỹ-Mexico, tức là những người xin tị nạn qua các con đường còn lại đều không bị ảnh hưởng.

Theo lời ông Khanh thì những người Việt xin tị nạn ở Mỹ hiện nay có một số con đường chủ yếu như: nếu xin visa được vào Mỹ thì họ sẽ đến Mỹ rồi xin tị nạn, nếu không họ sẽ tìm cách vào Mỹ qua đường biên giới, hoặc là Canada (khó hơn vì phải xin thị thực vào) hoặc là Mexico (dễ hơn). Còn nếu họ chịu chờ đợi lâu hơn thì họ có thể xin quy chế tị nạn ở văn phòng UNHCR ở Thái Lan.

“Nếu người Việt Nam đi vào Mỹ bằng visa du lịch và trong vòng 1 năm họ khai đơn xin tị nạn thì họ vẫn có thể xin cấp giấy phép làm việc,” ông giải thích.

Ông cũng cho rằng nếu xin qua con đường UNHCR hiện nay là ‘an toàn nhất’ vì con đường này chưa bị chính quyền Trump nhắm đến. Nếu đến Mỹ trong diện này, tức là sau khi được UNHCR xác nhận là đủ điều kiện tị nạn và được Mỹ chấp nhận, thì họ sẽ không bị bắt đóng phí và không bị từ chối cấp giấy phép làm việc.

Ngoài ra, những người tị nạn trong diện này còn được chính phủ Mỹ hỗ trợ tiền bạc để thuê nhà, được đào tạo, dạy ngôn ngữ, được hỗ trợ tìm công ăn việc làm. Còn những người đến Mỹ xin tị nạn trực tiếp thì không được những hỗ trợ này, ông Khanh cho biết.

‘Đi làm lậu’

Luật sư Khanh Phạm cũng lưu ý rằng thời gian để được cấp giấy phép làm việc, nếu quy định này thành hiện thực, cũng sẽ bị kéo dài hơn rất nhiều, từ 150 thành 365 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ xin tị nạn. Điều này có nghĩa là các ứng viên tị nạn phải mất một năm không thể nào đi làm kiếm sống ở Mỹ.

Việc ứng viên đi làm ‘lậu’ kiếm kế sinh nhai trong lúc đợi hồ sơ được xét duyệt có ảnh hưởng đến khả năng hồ sơ tị nạn của họ được chấp thuận hay không? Luật sư Khanh nói “Không biết sau này nếu ông Trump biết những việc xảy ra (người xin tị nạn đi làm lậu trong khi chờ đợi) thì ông ấy có đưa ra những quy định mới hay không chứ hiện nay đi làm lậu không được coi là tội nặng (felony).”

Về thời gian chờ đợi để được duyệt hồ sơ tị nạn, ông Khanh cho biết các văn phòng di trú khác nhau ở Mỹ có thời gian chờ đợi khác nhau, tùy vào số lượng hồ sơ mà họ thụ lý. Ở thành phố Houston, bang Texas, ông cho biết thời gian chờ đợi trung bình của một trường hợp là từ 4 đến 5 năm.

VOA Express

XS
SM
MD
LG