Đường dẫn truy cập

Nhiều nước vẫn còn hạn chế quyền tiếp cận thông tin


Tự do báo chí thường được coi như thiết yếu cho các xã hội lành mạnh và sinh động. Nhưng giữa lúc sự khao khát thông tin không bị hạn chế gia tăng trên toàn cầu, một số chính phủ đang làm bất cứ điều gì làm được để hạn chế và đôi khi ngăn chặn việc tiếp cận thông tin. Nhân Ngày Tự Do Báo Chí vào thứ Năm, 3 tháng, VOA nói tới một số ít quốc gia hạn chế báo chí nhất.

Việc tiếp cận thông tin không hạn chế và không bị cản trở là chuyện mọi người đều muốn. Nhưng không phải tất cả mọi người đều có được.

Joel Simon thuộc Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả CPJ nói việc tìm kiếm và nhận được thông tin là một nhân quyền căn bản.

CPJ mới phổ biến phúc trình về 10 quốc gia kiểm duyệt khắt khe nhất trên thế giới, trong đó Eritrea ở Đông Phi đứng đầu danh sách.

Ông Simon cho biết Eritrea hoàn toàn cấm cửa báo chí. Không có ký giả nào được nhập cảnh. Không có văn phòng báo chí quốc tế nào được mở tại nước này. Báo chí hoàn toàn bị kiểm duyệt.

Nhưng ông Dawitt Haile thuộc Sứ quán Eritrea ở Washington nói rằng phúc trình vừa kể là vô căn cứ.

Ông nói, có nhiều loại đĩa truyền hình qua vệ tinh trên khắp thành phố và cả vùng quê nữa. Thành phố cũng đầy rẫy các quán cà phê internet, và dân chúng đọc được đủ loại thông tin.

Nhưng không phải chỉ có một mình Eritrea, danh sách của CPJ năm nay còn có Bắc Triều Tiên, Syria, Iran, Guinea Xích Đạo, Uzbekistan, Miến Điện, Cuba, Belarus, và một quốc gia mới được đưa vào danh sách là Ả Rập Xê-út.

Ông Simon nói đã từ lâu, Ả Rập Xê-út là một xã hội khép kín. Những chỉ trích có tính cách chính trị có thể bị coi là báng bổ tôn giáo, vì chỉ trích các định chế tôn giáo bị đàn áp nặng nề.

Chưa thấy phản ứng nào của Sứ quán Ả Rập Xê-út ở Washington đối với phúc trình.

Mặc dầu các nhà báo chuyên nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng, ngày càng có nhiều thông tin do người dân cung cấp qua các blog và các mạng xã hội.

Ông Mark Jurkowitz của Trung Tâm Khảo Cứu Pew, một tổ chức phi đảng phái và bất vụ lợi, cho biết:

“Ta đã thấy nghề báo, hay ít nhất việc phổ biến tin tức và thông tin đã di chuyển từ những ai có khả năng sở hữu một tờ báo giấy hay một đài truyền hình sang bất cứ ai, bất cứ công dân nào. Đó là một diễn biến vô cùng quan trọng.”

Trong thời đại bùng nổ thông tin, đôi khi có thể thấy khó biết cái gì là sự thật. Các chính phủ vẫn còn có thể kiểm duyệt thông tin – bảo vệ quyền lợi của họ, và thường hay hy sinh quyền được biết của dân chúng.

Nhưng bất chấp những khó khăn thâu thập tin tức không bao giờ chấm dứt, hầu hết các nhà báo đều có mục đích đơn giản là cho người xem, người nghe, hay người đọc biết sự thật. Hầu hết các nhà báo thực hiện vai trò đó một cách nghiêm chỉnh, một số thậm chí còn phải trả giá bằng cái chết. Cho tới giờ, trong năm nay đã có 17 nhà báo thiệt mạng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG