Theo số liệu mà tổ chức nghiên cứu dân số PRB công bố tuần này, các nước giàu đang đối mặt với lực lượng lao động giảm sút, khó có thể yểm trợ cho thành phần già cả ngày càng đông.
Trong khi đó, các nước nghèo có thành phần dân số trẻ hơn, đông hơn; hậu quả là khó giảm nghèo và đe dọa môi trường.
Trong năm 2010, dân số thế giới là 6,9 tỉ, và hầu như nước nghèo nào cũng có hiện tượng gia tăng.
Vẫn theo phúc trình năm nay của PRB, các nước nghèo nhất chiếm 20 triệu trong số 80 triệu người được thêm vào dân số thế giới trong năm, và đến trước năm 2050, dân số tăng nhanh tại châu Phi sẽ đưa thế giới lên mức có thêm 1 tỉ người.
Các nhà nghiên cứu nói rằng châu Á theo trông đợi sẽ tăng nhiều nhất, khoảng 1,3 tỉ trước năm 2050. Điều này sẽ tạo gánh nặng cho các chính phủ khi phải đối phó với y tế, giáo dục và kinh tế.
Trong khi đó, tại các nước giàu, tỷ lệ sinh con thấp dẫn đến một đội ngũ lao động teo lại, khó có thể yểm trợ cho thành phần già cả ngày càng đông.
Chuyên viên Carl Haub của PRB cho một ví dụ:
“Nếu ta so sánh giữa Ethiopia và Đức có cùng số dân. Theo trông đợi, đến năm 2050, dân số 85 triệu người của Ethiopia sẽ lên thành 174 triệu; trong khi dân số 82 triệu của Đức hiện nay sẽ chỉ còn 72 triệu. Mỗi năm Ethiopia có 3,3 triệu trẻ chào đời trong khi Đức chỉ có 650.000. Tỷ lệ trẻ chết sau khi sanh ở Ethiopia là 77 cho mỗi 1.000 trẻ, tỷ lệ của Đức là 3,5.”
Tại Đức, ông nói tiếp, có 3 người ở tuổi lao động thì có 1 người ở tuổi nghỉ hưu; do đó, nước này gặp khủng hoảng về chế độ hưu bổng và chăm sóc sức khỏe.
Nam Triều Tiên và Nhật Bản cũng đối mặt với các vấn đề tương tự.
Nước Mỹ hiện nay có 40 triệu người từ 65 tuổi trở lên và đến 2050 có lẽ sẽ tăng thành 89 triệu. Và dân số 310 triệu hiện nay sẽ tăng thành 420 triệu.
Ông Bill Butz, Giám đốc PRB hy vọng các số liệu mà tổ chức ông công bố sẽ giúp quần chúng và các nhà lập chính sách công cộng có một hình ảnh rõ nét hơn về những vấn đề mà hiện tượng gia tăng dân số có thể đặt ra cho sức khỏe, kinh tế và môi trường toàn cầu.
Hiện tượng bộc phát dân số trong suốt thế kỷ qua đã chậm lại, nhưng tại các nước nghèo, điều kiện chăm sóc sức khỏe được cải thiện và số trẻ chào đời tiếp tục cao khiến cho dân số thế giới tăng 80 triệu người mỗi năm.
Đọc nhiều nhất
1