Đường dẫn truy cập

World Bank: Dòng vốn FDI vào Việt Nam giảm


Công nhân may quần áo bảo hộ và khẩu trang ở nhà máy TNG Thái Nguyên.
Công nhân may quần áo bảo hộ và khẩu trang ở nhà máy TNG Thái Nguyên.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới công bố phúc trình, trong đó cho biết rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giảm trong tháng Tư, nhưng “nhìn chung vẫn ổn định” trong 4 tháng đầu năm.

Trong bản cáo có tên gọi “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam”, World Bank cho biết rằng Việt Nam thu hút 2,2 tỷ đôla Mỹ vốn FDI vào tháng Tư năm 2021, thấp hơn 53% so với tháng trước và thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tổ chức tài chính này, sự sụt giảm trên “một phần phản ánh sự biến động hàng tháng trong giá trị đăng ký của một số dự án lớn riêng lẻ” và “trong 4 tháng đầu năm, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gần như tương đương với cùng kỳ năm 2020”.

Tổng cục Thống kê (GSO) cuối tháng trước nhận định trên trang web của cơ quan này rằng “dù không tránh được ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là ‘đất lành’ thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch”.

GSO cho biết rằng “vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính đạt 4,1 tỷ đôla, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước”. “Trong số các đối tác FDI vào Việt Nam, 5 đối tác FDI hàng đầu chủ yếu là các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, và sự hiện diện của các nước phương Tây trong số các đối tác FDI hàng đầu vẫn còn khá thấp”, Tổng cục Thống kê cho biết.

GSO nhận định thêm rằng “sau đại dịch COVID-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”.

Ngoài việc đề cập tới FDI, báo cáo công bố hôm 17/5 của World Bank nói rằng lạm phát ở Việt Nam “tăng tốc trong tháng Tư năm 2021 khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi sau khi làn sóng dịch COVID-19 thứ ba được kiểm soát”.

Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,5% (so với tháng Ba), chủ yếu do giá hàng tiêu dùng tăng cao, bao gồm thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, quần áo, đồ dùng và thiết bị gia dụng.

Tổ chức tài chính quốc tế cho rằng “điều này phản ánh sự phục hồi trong tiêu dùng của các hộ gia đình sau đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ ba ở trong nước” mà World Bank nói là bùng phát vào cuối tháng Một năm 2021.

Theo Ngân hàng Thế giới, đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư, bắt đầu cuối tháng trước, “đã làm gia tăng mạnh các ca nhiễm trong cộng đồng, buộc chính phủ phải đóng cửa trường học ở nhiều tỉnh và tái áp dụng các biện pháp phòng ngừa về y tế và hạn chế đi lại”.

Các hoạt động kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này và mức độ ứng phó nhanh chóng của chính phủ”, World Bank viết trong phúc trình. “Nếu đợt dịch này tác động mạnh, chính phủ có thể cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng”.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cuối tháng trước công bố nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam “được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ở các quốc gia lân cận, và tăng lên 7,0% trong năm 2022”.

Báo cáo “Triển vọng Phát triển Châu Á 2021” nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, tăng đầu tư và mở rộng thương mại.

Tuy nhiên, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries nhận định rằng năm nay và năm sau “vẫn còn nhiều rủi ro đáng kể, trong đó có sự trở lại của các biến thể virus corona mới và sự chậm trễ trong chương trình vắc-xin của chính phủ”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG