Đường dẫn truy cập

WB: Người thiểu số ở Việt Nam cần sự kết nối để phát triển


Trẻ em H'Mong trên đường từ trường về nhà ở đèo Pha Đin, phía tây bắc Điện Biên trong bức ảnh chụp ngày 5/5/2014. Một nghiên cứu mới của WB cho thấy Việt Nam cần giúp người dân tộc thiểu số phát triển qua sự kết nối trong nhiều lĩnh vực.
Trẻ em H'Mong trên đường từ trường về nhà ở đèo Pha Đin, phía tây bắc Điện Biên trong bức ảnh chụp ngày 5/5/2014. Một nghiên cứu mới của WB cho thấy Việt Nam cần giúp người dân tộc thiểu số phát triển qua sự kết nối trong nhiều lĩnh vực.

Những người dân tộc thiểu số ở Việt Nam có nhiều khả năng thoát khỏi nghèo đói nhất là những người được tiếp cận với cơ sở hạ tầng tốt, tham gia vào các hoạt động sản xuất và mua bán các cây trồng khác ngoài lúa, và chủ động tìm kiếm công việc được trả lương ở các nhà máy, theo một nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới công bố hôm 21/5.

Chính phủ Việt Nam có kế hoạch đến năm 2020 sẽ áp dụng các kết quả của báo cáo này vào một chiến lược phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực còn khó khăn.

“Những thông tin và kết quả phân tích của báo cáo nghiên cứu này rất có giá trị cho công tác hoạch định và quản lý chính sách dân tộc, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay khi Ủy ban Dân tộc đang được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án tổng thể phát triển Kinh tế-Xã hội vùng dân tộc, miền núi và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn,” Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nói trong thông cáo báo chí của WB ra ngày 21/5.

Báo cáo này chỉ ra rằng những người dân tộc thiểu số sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn nếu Việt Nam tập trung vào sự kết nối trong mọi lĩnh vực. Điều đó có nghĩa là phải có nhiều cơ sở hạ tầng hơn, từ các cây cầu cho việc vận chuyển hàng hóa cho tới sự tiếp cận internet để được thông tin. Nó cũng có nghĩa là khả năng được kết nối với các mạng lưới kinh doanh, dù là tìm kiếm việc làm, các mối quan hệ chuỗi cung ứng, hay các quan hệ đối tác khác.

Quốc gia Cộng sản này có 54 nhóm dân tộc thiểu số được chính phủ chính thức công nhận, mặc dù còn nhiều nhóm sắc dân khác đang cùng tồn tại. Những nhóm này phát triển từ văn hóa Chăm – mà từ đó các tháp cổ ở phía nam được xây dựng nên trước khi người Kinh tràn xuống từ phía Bắc, cho đến người K’Ho của vùng Tây Nguyên, cho tới người Thượng, những người này đang bị đặt ngoài lề sau khi giúp quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

Những khó khăn mà người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang đối mặt không chỉ là trong một vài năm qua.

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng tỷ lệ hộ nghèo của các nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam là 23% vào năm 2016, cao hơn gấp 3 lần mức trung bình của cả nước. WB cũng cho biết rằng đồng bào dân tộc thiểu số ước tính chiếm tới 84% số người còn nghèo ở Việt Nam vào năm 2020.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ousmane Dione, hy vọng rằng một vài sự thay đổi sẽ diễn ra với những gợi ý từ báo cáo mới nhất của ngân hàng ông có tên Các Yếu tố Ảnh hưởng đến sự Phát triển Kinh tế-Xã hội của Dân tộc Thiểu số tại Việt Nam.

“Từ nghiên cứu này, chúng tôi thấy có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa chương trình nghị sự tăng tính hòa nhập xã hội bằng cách chủ động áp dụng cách tiếp cận mới đối với sự phát triển của các vùng dân tộc thiểu số,” ông Dione nói trong thông cáo. “Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới để lồng ghép chương trình này, qua các dự án đầu tư vào giao thông và cơ sở hạ tầng nông thôn và miền núi, đa dạng hóa nông nghiệp, cũng như hỗ trợ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG