Đường dẫn truy cập

Sản xuất năng lượng phải đối phó với tình trạng khan hiếm nước


Ông Alexander Ochs, giám đốc về khí hậu và năng lượng tại viện Worldwatch nói các hoạt động sản xuất năng lượng đều cần thật nhiều nước
Ông Alexander Ochs, giám đốc về khí hậu và năng lượng tại viện Worldwatch nói các hoạt động sản xuất năng lượng đều cần thật nhiều nước

Các khoa học gia, chuyên gia về khí hậu và năng lượng đều có chung mối quan ngại ngày càng tăng: nhu cầu về nước trong sản xuất năng lượng, nhất là tại những vùng đang gặp hạn hán nghiêm trọng. Sản xuất điện năng, cho dù từ nhiên liệu hóa thạch hay những nguồn năng lượng tái tạo, đều đòi hỏi phải có nhiều nước.

Gần như mọi hình thức sản xuất năng lượng đều cần tới những khối lượng nước rất lớn. Chẳng hạn như than, giúp sản xuất 50% điện sử dụng tại Mỹ, cần có nước để khai mỏ cũng như chuyên chở, và làm nguội hay làm trơn thiết bị.

Nước cũng được sử dụng để làm nguội những thanh năng lượng tại các nhà máy hạt nhân và tạo hơi nước cho các tuốc bin điện. Công nghệ nhiên liệu sinh học thì cần nước để tưới tiêu, dùng cho tiến trình lên men và sản xuất ethanol cũng như các loại nhiên liệu diesel sinh học.

Ông Alexander Ochs, giám đốc về khí hậu và năng lượng tại viện Worldwatch, nói tất cả những chuyện này khiến người ta phải cần tới thật nhiều nước:

“Cứ mỗi megawatt giờ, than dùng từ 500 tới 1.000 ga lông nước [1 ga lông tương đương với 3.785 lít], chỉ để sản xuất 1 megawatt giờ điện năng. Nếu chúng ta gộp tất cả các cơ xưởng tại Mỹ, tất cả các nhà máy nhiệt điện tại Mỹ chỉ trong năm 2008, thì những cơ xưởng đó cần từ 60 tỉ tới 170 tỉ ga lông nước mỗi năm.”

Không có nước, người ta không thể sản xuất phần lớn các loại năng lượng. Ngay với loại năng lượng tái tạo, như là địa nhiệt và năng lượng mặt trời, cũng cần tới nước để làm nguội thiết bị và rửa các tấm thu năng lượng.

Những đòi hỏi kể trên đã khiến California, Massachusetts và nhiều bang trung tây Mỹ phải ngưng hoạt động tại một số nhà máy phát điện, như lời ông Ochs:

“Tại những vùng trung tây mà ngay lúc này nước đã rất hiếm, một số nhà máy phát điện đã thật sự ngưng hoạt động, và điều này cũng xảy ra tại nhiều nơi khác khắp nước Mỹ.”

Ông David Brown chỉ đạo những chương trình cho Cơ quan Quốc gia Quản lý Đại dương và Khí quyển, gọi tắt là NOAA, tại khắp miền Nam nước Mỹ; cơ quan này thu thập những dữ kiện về các mô thức thời tiết. Ông cho biết, hạn hán tại tây nam Hoa Kỳ, vụ hạn hán tệ hại nhất thế kỷ, đang gấp gáp xúc tiến những thay đổi trong công nghệ năng lượng:

“Các công ty năng lượng cũng bị buộc phải hiệu quả hơn trong cách thức sử dụng nước, cho dù để sản xuất điện trong một nhà máy chạy bằng than, hay trong việc khai thác những tài nguyên thiên nhiên qua phương cách thủy phân rút khí đốt thiên nhiên. Những công ty này cũng ý thức là nguồn nước đang cạn kiệt và còn tiếp tục cạn kiệt vì khí hậu vẫn tiếp tục ấm lên.

Chuyên viên NOAA nói các hệ thống nước tại tây nam Hoa Kỳ sẽ còn gặp áp lực lớn hơn nữa trong nhiều thập niên tới.

Ngành nông nghiệp sử dụng nhiều nước nhất tại Mỹ, theo sau là ngành sản xuất năng lượng.

Các chuyên gia cho biết tình trạng cạnh tranh nguồn nước, do dân số gia tăng, và do ngành nông nghiệp và công nghệ năng lượng, rồi ra sẽ đòi hỏi các chính quyền địa phương và quốc gia phải đưa ra những quyết định khó khăn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG