Đường dẫn truy cập

Vượt qua kì thị, trở thành hiệu trưởng gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ


Vượt qua kì thị, trở thành hiệu trưởng gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:00 0:00

Phóng viên VOA Tiếng Việt đến tư gia của Giáo sư Charles C. Nguyễn, Hiệu trưởng Trường Kĩ Sư – Đại học Công Giáo Hoa Kỳ trong một chiều nắng đẹp.

“Hồi tôi xây nhà này, nghĩ lại cũng hơi liều”. Giáo sư Cường nói, xen lẫn sự tự hào.

Căn biệt thự rộng lớn, với khu hồ bơi cầu kì và một quán bar tại gia, nằm xen giữa những tán rừng thuộc khu Annadale, bang Virginia, là địa chỉ quen thuộc của nhiều người Mỹ gốc Việt sống trong vùng.

Nhưng người ta nhắc đến Giáo sư Cường không phải vì cơ ngơi này, mà bởi ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ chức Hệu trưởng của một trong những Đại học lớn nhất của Mỹ: niềm tự hào của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Bỏ tiếng Pháp, học tiếng Đức vì ‘mê xe’

Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến Việt Nam, chàng trai trẻ Cường Nguyễn quyết tâm sang Tây Đức du học chỉ vì một lí do.

“Tây Đức họ sáng tạo, sáng chế ra những chiếc xe rất là nổi tiếng… như Porsche chẳng hạn. Bởi thế cái mộng của tôi là đi học kĩ sư ở Tây Đức,” Giáo sư Cường chia sẻ.

Năm 1972, ông sang Đức theo học ngành điện, với vốn … tiếng Pháp trôi chảy do từ nhỏ tới lớn được theo học trường Tây. Sau sáu năm ông học tập, miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã nằm trong tay những người Cộng sản, giáo sư Cường quyết định sang thẳng Hoa Kỳ đoàn tụ cùng gia đình.

Bỏ tiếng Pháp học tiếng Đức, rồi lại tạm quên đi thứ tiếng đã rèn giũa suốt sáu năm để đến với tiếng Anh, cuối cùng ông tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Điều khiển Hệ thống tại trường Đại học George Mason, Hoa Kỳ.

Từ chương trình người máy NASA đến vị trí Hiệu trưởng

“Đó là thành tựu lớn nhất trong đời nghiên cứu của tôi.” Giáo sư Cường vừa nói vừa điều khiển một hệ thống rô bốt cồng kềnh, chiếm đến một phần năm diện tích phòng thí nghiệm của Trường Kĩ sư – Đại học Công giáo Hoa Kỳ.

Giáo sư Charles C. Nguyễn bên hệ thống robot của mình.
Giáo sư Charles C. Nguyễn bên hệ thống robot của mình.


Năm 1982, với tấm bằng Tiến sĩ trong tay, ông được Đại học Công Giáo nhận vào làm giảng viên. Chính tại đây, Giáo sư Cường đã có cơ hội đóng góp vào một trong những dự án chinh phục không gian đầy tham vọng của Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).

“Năm 1985, Trạm không gian vũ trụ vẫn chưa được thành lập. Lãnh vực của tôi là lo về vấn đề người máy. Khi mà đưa vật liệu lên đó (vũ trụ) để ráp, nếu mà những phi hành gia ra ngoài để ráp thì rất là khó khăn, và có thể rất là nguy hiểm. Bởi thế tôi đưa ra một đề nghị là dùng người máy để ráp trạm không gian.”

Trong 10 năm trời, giáo sư Cường Nguyễn đã chế tạo ra một cánh tay người máy, hỗ trợ đắc lực trong công tác xây dựng trạm vũ trụ ISS.

“Từ nhỏ tới lớn tôi đã có mộng được làm việc cho cơ quan này (NASA). Tôi cảm thấy rất tự hào và hãnh diện,” ông nói.

Với những thành tích đạt được, cộng với sức lao động miệt mài không ngừng nghỉ, ông đã được đề bạt lên vị trí cao nhất mà người Việt từng giữ tại một trường Đại học Mỹ - Hiệu trưởng Trường Kĩ Sư. Ông cũng là người châu Á đầu tiên đảm đương trọng trách này của trường Đại học Công giáo kể từ khi thành lập trường.

Sự bất công đến từ màu da

“Thật sự là khi tôi đi làm Giáo sư ở Đại học này, tôi không nghĩ rằng mình sẽ lên làm vấn đề điều hành. Mình có cái mộng là chỉ làm giáo sư và nghiên cứu mà thôi,” Giáo sư Charles Cường cho biết.

“Thứ nhất là vấn đề ngôn ngữ, cái thứ nhì là vấn đề văn hoá. Nó làm cản trở cho việc mình lên làm lãnh đạo cho một cái đại học như vậy.”

Bên cạnh đó, trong một môi trường mà đến 90% giảng viên và sinh viên là người Mỹ da trắng, không dễ để một giáo sư da vàng lên nắm vị trí lãnh đạo. Trong một thời gian dài, Giáo sư Cường đã không ít lần cảm nhận được sự đối xử bất công chỉ bởi vì ông là người Việt Nam.

“Người nào cũng nghi ngờ khả năng của mình, nghĩ mình là người ngoại quốc thì làm sao có thể điều hành một cái trường Đại học như vậy được,” Giáo sư Cường chia sẻ.

Ông đã phải làm việc gấp hai, gấp ba lần những người đồng nghiệp da trắng mới được ghi nhận. Thậm chí nhiều đồng nghiệp còn kiếm chuyện đặt điều, nói xấu sau lưng.

Giống như Việt Nam mình nói ‘Thiệt vàng không sợ thử lửa’, mình nghĩ rằng trong tương lai thì các Giáo sư xung quanh họ thấy rõ ràng cái cách làm việc của mình thì họ sẽ thấy những cái lời bêu xấu là không có đúng.
Giáo sư Charles C. Nguyễn.

“Giống như Việt Nam mình nói ‘Thiệt vàng không sợ thử lửa’, mình nghĩ rằng trong tương lai thì các Giáo sư xung quanh họ thấy rõ ràng cái cách làm việc của mình thì họ sẽ thấy những cái lời bêu xấu là không có đúng. Thời gian sẽ là sự trả lời.”

Và thời gian đã cho câu trả lời. Giáo sư Cường Nguyễn giữ vai trò lãnh đạo Trường Kĩ sư – Đại học Công giáo Hoa Kỳ trong suốt 16 năm, lâu hơn bất kì người tiền nhiệm nào.

Nhiệm vụ Tổng thống giao và tấm lòng với Việt Nam

Suốt từ năm 1972, sau ngày lên đường du học Tây Đức, Giáo sư Cường Nguyễn không có dịp trở lại quê hương cho đến tận năm 2004, khi ông được đích thân Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là George Bush chỉ định vào Ban Giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Đây là cơ quan chuyên phụ trách các học bổng của chính phủ Hoa Kỳ dành cho các sinh viên Việt Nam xuất sắc trong lĩnh vực kĩ thuật.

Với vai trò mới này, ông có cơ hội về thăm các trường đại học tại quê nhà, tận mắt chứng kiến sự cần cù hiếu học của sinh viên Việt Nam.

“Tổng thống của nước Mỹ đã đề cử tôi vào ban quản trị của chương trình quan trọng này, thì cái bổn phận của mình là phải làm hết sức để giúp cho Việt Nam, giúp cho sinh viên Việt Nam.”

Tổng thống của nước Mỹ đã đề cử tôi vào ban quản trị của chương trình quan trọng này, thì cái bổn phận của mình là phải làm hết sức để giúp cho Việt Nam, giúp cho sinh viên Việt Nam.
Giáo sư Charles C. Nguyễn.

Tuy vậy, Giáo sư cũng cho biết làm việc với chính phủ Việt Nam là một chủ đề nhạy cảm đối với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, chính vì vậy ông cũng phải rất thận trọng.

“Mình phải cho cộng đồng ở đây biết rằng mình chỉ làm trong lĩnh vực giáo dục mà thôi, không liên quan đến vấn đề chính trị. Những sinh viên cần mình giúp là những người sinh sau 1975, họ là những sinh viên vô tội, mình không để các em chịu thiệt thòi vì những vấn đề trong quá khứ.”

Quỹ Giáo dục Việt Nam, vì nhiều lí do, sẽ đóng cửa vào năm 2018, nhưng không vì thế mà giáo sư Cường Nguyễn ngừng những hoạt động hỗ trợ sinh viên tại quê nhà. Với vị trí lãnh đạo tại trường Đại học Công giáo Hoa Kỳ, hàng năm giáo sư Cường vẫn nâng đỡ giấc mơ du học Mỹ của hàng trăm sinh viên Việt Nam.

Và ông không có ý định dừng lại trong tương lai gần.

VOA Express

XS
SM
MD
LG