Đường dẫn truy cập

VOA 75 năm một chặng đường


VOA 75 năm: Nhiều năm, Nhiều câu chuyện
please wait

No media source currently available

0:00 0:06:37 0:00

Năm nay đánh dấu sinh nhật lần thứ 75 của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Trong chủ đề ‘Nhiều năm, Nhiều câu chuyện’, VOA Việt ngữ xin mời quý vị và các bạn chia sẻ một số câu chuyện về dấu ấn và tác động của VOA qua lời kể của ‘các nhân chứng sống’, những người đã gắn bó với đài VOA trong suốt chiều dài lịch sử mấy chục năm qua: những cựu nhân viên của đài và những khán thính giả cũng như độc giả VOA khắp nơi trên thế giới.

VOA, dịch vụ truyền thông đối ngoại chính thức của chính phủ Hoa Kỳ phát sóng lần đầu tiên vào năm 1942 sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Với nhiệm vụ chống lại những tuyên truyền và thông tin sai lệch từ các nước trong khối trục phát xít, ban Đức ngữ, Pháp ngữ và Ý ngữ VOA ra đời vào ngày 1/2/1942. Một tháng sau, ban Anh ngữ được thành lập vào ngày 8/3.

Ban Việt ngữ lần đầu tiên xuất hiện vào ngày 15/6/1943, nhưng tạm ngưng hoạt động từ 1946 trước khi lên sóng lại từ năm 1951 và liên tục phát triển tới tận ngày nay.

Với nhiệm vụ chính đưa thông tin trung thực, cân bằng, đầy đủ, chính xác đến khán thính giả quốc tế, đại gia đình VOA nói chung, và VOA Việt ngữ nói riêng, đã đồng hành cùng cộng đồng người Việt trong và ngoài nước qua nhiều thế hệ và đã trở thành một phần đáng nhớ trong cuộc đời của nhiều người.

Từ nhân viên

Lê Văn

Cựu chủ biên Lê Văn làm việc cho VOA từ thời chiến tranh Việt Nam 1964, ông nghỉ hưu vào năm 2002.

“Suốt trong thời gian chiến tranh Việt Nam, chúng tôi hầu như làm việc liên tục. Hồi ấy, đài VOA phát thanh tới hơn 10 tiếng đồng hồ/ngày. Ngoài nhân viên phải tăng cường ở Mỹ này, chúng tôi còn mượn thêm nhân viên tạm thời từ Việt Nam qua. Có lúc chúng tôi có hơn 40 nhân viên mượn từ Việt Nam qua. Tin tức chiến sự sôi bỏng, nhiều khi chúng tôi nhận tin mới nhất cầm vào vừa dịch, vừa đọc luôn. Lúc Việt Nam Cộng hòa sắp sụp đổ, Việt cộng tiến vào Sài Gòn, chiếm được toàn bộ miền Nam Việt Nam là những lúc chúng tôi rất bận rộn. Đó cũng là khoảng thời gian rất hào hứng đối với những người làm truyền thông như chúng tôi,” ông chia sẻ.

Cựu chủ biên Lê Văn
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:09 0:00

Cuộc chiến Việt Nam kết thúc mở ra làn sóng vượt biên ồ ạt, tìm mọi cách sang Mỹ để đến được bến bờ tự do. Những cuộc thoát ly không biết ngày tương phùng, không nghĩ có ngày gặp lại người thân của hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi là chất xúc tác cho hai chương trình do ký giả Lê Văn đề xướng: Chuyên mục Người Việt hải ngoại giúp những người trong nước biết được đời sống sinh hoạt của thân nhân nơi xứ người và Chuyên mục âm nhạc Việt Nam hải ngoại, đưa tâm tư và những sáng tác mới mà giới văn nghệ sĩ Việt xa nhà gửi gắm vào âm nhạc đến gần với đồng bào trong nước.

Trong mấy mươi năm phục vụ trong đài VOA, người chủ biên mở ra những chương trình nối nhịp cầu cho người ra đi và người ở lại đã có rất nhiều kỷ niệm với đài. Một trong số đó, ông kể:

“Sau 75, một kỷ niệm đáng nhớ với tôi là khi chưa có chương trình H.O cho người Việt sang Mỹ tị nạn, những người bị bắt giam trong các trại cải tạo lâm vào tình trạng tuyệt vọng. Nhiều người chán đời đến nỗi tự tử. Khi tôi nhận được tin sắp có chương trình H.O vận động cho những cựu quân nhân, những cựu công chức có liên hệ với Hoa Kỳ được sang Mỹ, tôi loan tin đó và phỏng vấn một số người. Một lần tôi tham dự buổi họp mặt của các cựu tù nhân Việt Nam, một ông chạy tới nói ‘Tôi hồi ở trong tù đã định tự tử, nhưng nghe tin ông loan tôi phấn khởi, bỏ hẳn ý nghĩ đó đi và chờ mong được sang Mỹ. Ông đã cứu sống tôi. Ông cho phép tôi ôm ông một cái.’ Và ông đó khóc.”

“Tôi rất may mắn được góp phần trong tiếng nói của đài VOA trong bao nhiêu năm qua,” ký giả Lê Văn thổ lộ.

Cựu quyền trưởng ban Việt ngữ Huyền Trang
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:45 0:00

Huyền Trang

Cựu quyền trưởng ban Việt ngữ Huyền Trang đến với VOA từ 1972, lúc đài còn hoạt động bằng những phương tiện cũ kỹ thời thế chiến thứ hai. Bà cho biết công việc phát thanh lúc đó khá vất vả. Một chiếc máy teletype chạy ‘xoành xoạch suốt ngày đêm’ để phát ra những bản tin bằng tiếng Anh và nhân viên nhiều khi phải căng mắt ráng đọc những dòng tin phai mực, cập nhật liên tục, và phát thanh liên tục. Tuy nhiên, các phát thanh viên Việt ngữ cảm thấy rất khích lệ vì những lá thư tay từ thính giả Việt Nam vượt đường bưu điện hàng tháng trời tới VOA để nói rằng họ vẫn lén lút nghe VOA mỗi đêm qua những chiếc radio thô sơ, được ngụy trang bên dưới những chiếc nón lá để tránh bị chính quyền cộng sản phát hiện.

“Tôi rất cảm kích được cơ hội phục vụ tại VOA vì đã góp phần nhỏ thông tin cho dân chúng Việt Nam biết thêm phần nào về nước Mỹ,” bà tâm sự.

Hoàn Châu

Cựu phát thanh viên Hoàn Châu gắn bó với VOA 16 năm, nhưng VOA đã là một người bạn ‘thân thuộc, đáng tin cậy’ của ông từ thời tuổi trẻ ở Việt Nam. Thậm chí VOA đã ‘đồng hành’ với ông và những người bạn tù khác trong thời gian ông bị chế độ cộng sản giam cầm cuối thập niên 70, đầu những năm 80. Không rõ bằng cách nào đó, một bạn tù có được một chiếc radio nhỏ. Họ đã lén lút nghe VOA rồi bí mật rỉ tai nhau mỗi buổi sáng đi lao động chung, và từ đó, họ nuôi hy vọng.

“Về diễn tiến thời cuộc lúc đó, mình không hy vọng gì nhiều cả, nhưng ít nhất mình biết được những sự kiện, những tin tức xảy ra, mình có một chút hy vọng…rằng sẽ được đi Mỹ, Mỹ sẽ đón mình đi…chứ không mình cứ nghĩ là phải chết thôi, chứ không còn gì nữa,” ông chia sẻ.

Đến khán thính giả

Luật sư Lưu Tường Quang từ Úc, cựu trưởng nhiệm SBS Radio Liên bang Úc

Luật sư Lưu Tường Quang, nguyên trưởng nhiệm SBS Radio, cơ quan phát thanh văn hóa đa nguyên của Liên bang Úc. Trước khi Sài Gòn sụp đổ, trong cương vị quyền Tổng thư ký Bộ Ngoại giao, ông đã ký giấy xuất ngoại cho rất nhiều quan chức Việt Nam Cộng hòa, trong đó có Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Thế nhưng, bản thân ông lại bị kẹt lại sau ngày 30/4/1975 để cuối cùng ông phải quyết định tìm đường vượt biển bằng thuyền thúng. Biệt danh ‘thúng nhân’ của ông có nguồn gốc từ đó, thay vì tên gọi ‘thuyền nhân’ như hàng triệu người Việt trong làn sóng bỏ nước ra đi sau khi chế độ cộng sản tiến vào miền Nam. Và cũng từ đó ông có kỷ niệm khó quên với VOA.

Luật sư Lưu Tường Quang từ Úc
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:51 0:00

“Khi còn ở Việt Nam, tôi đã nghe đài VOA từ cuối thập niên 1950. Kỷ niệm lớn nhất trong tôi với VOA suốt 42 năm qua không bao giờ tôi quên là việc tôi bắt được sóng VOA lúc tôi đang lênh đênh trên biển cả trong Vịnh Thái Lan ngày 7/5/1975. Khi đó, tôi và 2 người khác tìm cách vượt biên trên chiếc thuyền thúng. Trong hoàn cảnh hết sức cô độc, tôi bắt được và nghe được tiếng nói của ký giả Lê Văn qua đài VOA, cảm giác như được hồi sinh trở lại cộng đồng của con người thay vì trong hoàn cảnh nghĩ rằng mình phải chết chóc. Vì lý do đó, từ đó tới giờ tôi vẫn quý trọng đài VOA đã đem lại rất nhiều tin tức thỏa mãn nhu cầu của khán thính giả, nối kết họ lại với thế giới con người bên ngoài hoàn cảnh cực kỳ khó khăn mà họ đang phải đối diện. Lúc đó, nhờ nghe đài VOA, tôi biết được hạm đội 7 của Mỹ đang đi từ Vịnh Thái Lan sang Biển Đông cứu vớt rất nhiều người vượt biên. Những tin tức đó đem lại hy vọng cho tôi trong lúc lênh đênh trên biển cả. Vai trò của VOA, đặc biệt trong giai đoạn đó, hết sức quan trọng. Đài VOA chuyển đạt tin tức chính xác, những biến chuyển trên thế giới cùng những phát minh mới của con người. Tất cả điều đó làm phong phú đời sống của mọi người trên thế giới, đặc biệt tại Việt Nam khi chính quyền cộng sản còn kèm kẹp không cho người dân tiếp cận thông tin mới từ bên ngoài. 75 năm thành lập VOA và 65 năm phục vụ của VOA Việt ngữ phải rất lấy làm hãnh diện. Cảm ơn quý vị đã phục vụ con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam hữu hiệu. Tôi chúc VOA có thêm nhiều năm nữa với sứ mạng của mình trong bối cảnh thế giới ngày một thay đổi, đem lại sự tiến bộ cho con người.”

Luật sư Quang cho biết sau 17 năm làm trưởng nhiệm đài SBS của liên bang Úc, một ký giả Úc từng hỏi ông cơ duyên nào nhà đưa đẩy ông đến công việc này, ông đã trả lời rằng “Kinh nghiệm hy hữu mà tôi có với VOA trong lúc dầu sôi lửa bỏng, trong lúc cô đơn trên biển cả, tôi nhìn thấy sức mạnh của truyền thông đem lại hy vọng cho con người. Vì lý do đó mà tôi đi vào lĩnh vực truyền thanh.”

Ký giả Đinh Quang Anh Thái, báo Người Việt tại California

Nhà báo Anh Thái đã làm quen với VOA từ thời còn là một cậu bé 12, 13 tuổi trong bối cảnh phe cộng sản đang mở chiến dịch tấn công Tết Mậu Thân. Anh nhớ lại hằng đêm, bố anh, một công chức tỉnh Quảng Ngãi, nơi bị tấn công nặng nề, mỗi tối đều nghe VOA để biết những tin tức ‘nóng hổi’ về cuộc chiến Việt Nam. Với đam mê theo ngành báo chí, khi lớn lên anh vẫn thường theo dõi VOA. Anh nói sau năm 1975, khi phe cộng sản ‘thống nhất’ Nam-Bắc, anh càng có nhu cầu nghe VOA vì tin tức trong nước bị bưng bít và một chiều từ Hà Nội.

“Đài VOA là nguồn thực phẩm tinh thần không chỉ cho cá nhân tôi. Tôi tin là phần đông người Việt vẫn lắng nghe VOA ‘bí mật’ mỗi đêm. ‘Bí mật’ vì sau 1975, ai nghe VOA mà bị công an bắt được thì phiền lắm. Tôi có dịp nói chuyện với một số đồng bào ngoài Bắc. Họ cho biết ngay trong giai đoạn đất nước còn chia đôi, trước 1975, đồng bào ngoài Bắc cũng qua đài VOA mà biết được điều gì đang xảy ra cho số phận Việt Nam,” anh tâm sự.

Ký giả Đinh Quang Anh Thái, báo Người Việt tại California
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:07 0:00

Sau 1975, trong khoảng 8 năm anh Thái bị ngắt quảng, không nghe được VOA vì bị cầm tù do một số sinh hoạt chính trị.

Trong thư viết cho VOA, ký giả Anh Thái nói: “Lúc ra khỏi nhà tù năm 1984, lần đầu tiên nghe lại VOA, tôi phát khóc khi biết đến những vần thơ như những tiếng thét gào uất ức trong tập thơ Tiếng Vọng Dưới Đáy Vực của một Tác Giả Khuyết Danh. Mãi sau này tôi mới biết Tác Giả Khuyết Danh là Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện từng bị 27 năm tù trong chế độ cộng sản. Bài thơ được một xướng ngôn viên VOA đọc, cho tới nay tôi vẫn thuộc:

Trong bóng đêm đè nghẹt
Phục sẵn một mặt trời
Trong đau khổ không lời
Phục sẵn toàn sấm sét
Trong lũ người đói rét
Phục sẵn một đoàn quân
Khi vận nước xoay vần
Tất cả thành nguyên tử.”

Vượt biên thành công đến đảo Galang năm 1985 và tới Mỹ định cư tại Virginia, nhà báo Anh Thái đã được một phóng viên VOA phỏng vấn về hành trình chuyến đi. Anh đã kết thúc phần trả lời bằng câu thơ của Khê Kinh Kha: ‘Con sẽ quay về trước khi mẹ qua đời,’ một mật hiệu anh gửi đến gia đình nhà văn Doãn Quốc Sỹ để báo tin rằng anh đã đi thoát.

Ký giả Anh Thái cho biết cho tới tận bây giờ, anh vẫn đều đặn xem tin tức trên online của VOA ngày hai lần.

Vũ Thanh Thủy, chủ Đài phát thanh-truyền hình Saigon-Houston tại bang Texas, cựu phóng viên chiến trường

please wait

No media source currently available

0:00 0:02:21 0:00
Tải xuống


Nữ ký giả Vũ Thanh Thủy từng là một phóng viên chiến trường thời chiến tranh Việt Nam. Bà cho biết VOA luôn là nguồn tin mà các phóng viên chiến trường ở miền Nam thời bấy giờ như bà phải theo dõi mỗi ngày.

“Đến giai đoạn tháng tư 1975, VOA như một mạch sống của người dân Sài Gòn lúc đó. Tối nào, nhà nào cũng dán tai vào VOA nghe để xem tình hình diễn tiến thế nào. Ở ngay trong hoàn cảnh hỗn loạn đó, những người làm truyền thông chuyên nghiệp như chúng tôi cũng không có nhiều cơ hội để phối kiểm các nguồn tin vì thay đổi dồn dập, cho nên hoàn toàn nghe qua VOA,” bà Thủy nói.

Sau năm 1975, vẫn theo lời phóng viên Thanh Thủy, VOA tiếp tục là nguồn tin không thể thiếu cho những người muốn ra khỏi nước, nghe tin VOA để biết nơi nào có hạm đội Hoa Kỳ hay các tàu bè đón nhận người tị nạn.

“Phải nói VOA đã đem lại rất nhiều hy vọng, củng cố niềm tin, mang lại cho người ta những tin tức có thể dựa vào đó để thay đổi cuộc đời. Cho nên VOA hơn là một người bạn thân thiết.”

Bà cho biết Đài phát thanh-truyền hình Saigon-Houston của bà tiếp vận chương trình VOA hàng ngày vì sự gần gũi của VOA với người Việt.

“Nhân dịp kỷ niệm 75, xin tri ân những đóng góp vô cùng quý giá của VOA,” nữ ký giả Thanh Thủy bày tỏ.

Cựu tù nhân lương tâm, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày)

Blogger từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh trong ngày Tự do Báo chí Thế giới và từng được diện kiến ông Obama khi bị Việt Nam trục xuất thẳng từ Trại giam số 6 (Nghệ An) sang Mỹ trong lúc đang thi hành án tù 12 năm với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vì các hoạt động cổ súy nhân quyền và chủ quyền biển đảo cho biết từ thập niên 60, 70, thanh niên đồng trang lứa với ông ở Hải Phòng đã chụm đầu nhau nghe lén tin tức từ đài VOA. Đến đầu những năm 2000, khi làm quen với internet, ông bắt đầu đọc nhiều thông tin trên mạng của VOA, một trong những kênh thông tin ‘bổ túc hiểu biết’ cho ông về những gì mà báo chí ‘nhà nước cộng sản bưng bít không đăng.’

Cựu tù nhân lương tâm, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày)
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:18 0:00

Nhắc tới một kỷ niệm đáng nhớ với VOA, blogger này nhớ lại những tháng ngày sôi sục các cuộc xuống đường chống Trung Quốc trong thập niên đầu của thế kỷ 21 mà anh là một trong những gương mặt tiên phong và bị bắt giữ nhiều lần nhất:

“Tôi bị bắt về đồn ở phường 8, quận 3. An ninh canh giữ tôi, điện thoại tôi bị khám xét và bị đặt trên bàn. Bỗng nhiên điện thoại tôi reo, tôi chụp lấy nghe. Lúc đó là cô Trà Mi gọi đến tôi để phỏng vấn. Hai tay an ninh nhoài tới định chộp máy điện thoại của tôi. Tôi giơ tay cản lại và nói ‘Họ đang ghi âm.’ Họ đành phải ngồi xuống. Tôi cứ trả lời phỏng vấn của cô Trà Mi cho đến hết. Khi tôi đặt máy xuống, cả hai tay an ninh cùng nhào vô để xem số nào gọi tới.”

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, nhà bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị Việt Nam

Con trai của cố thi sĩ Cù Huy Cận từng tham gia nhiều cuộc phỏng vấn của VOA từ khi còn là một nhà đấu tranh bảo vệ môi trường và là một tiếng nói chỉ trích nhà nước tại Việt Nam. Ông bắt đầu biết tới đài VOA lúc tiến hành khởi kiện chính quyền Thừa Thiên-Huế năm 2005 để bảo vệ Đồi Vọng Cảnh. Trong cáo trạng cho bản án 7 năm tù Việt Nam dành cho ông về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ hồi năm 2011 có liệt kê việc ông trả lời phỏng vấn đài VOA.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:44 0:00

“Những ý kiến, những phân tích hay những nguyện vọng được VOA phản ánh rất quan trọng không chỉ đối với người đưa ra những ý kiến đó mà đối với cộng đồng người Việt trong và ngoài nước vì đài rất có uy tín. Việc tôi được VOA phản ánh quan điểm về chính trị trong nước và về quan hệ ngoại giao của Việt Nam trước âm mưu của Trung Quốc thôn tính lãnh thổ Việt Nam là một vinh dự với tôi, tiếp cho tôi sức mạnh vô cùng quan trọng để tôi tiếp tục cuộc đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam lấy những bài phỏng vấn tôi trên VOA làm chứng cứ buộc tội tôi ‘tuyên truyền chống nhà nước’ lại càng nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của VOA trong cuộc đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam,” Tiến sĩ Vũ chia sẻ với VOA nhân kỷ niệm 75 năm thành lập đài.

Thượng tọa Thích Thiện Minh, Hóc Môn, Sài Gòn
please wait

No media source currently available

0:00 0:00:45 0:00

Thượng tọa Thích Thiện Minh, Hóc Môn, Sài Gòn

Thượng tọa Thích Thiện Minh lãnh hai án chung thân vào năm 1979 và 1986 vì tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động cho tự do tôn giáo, đòi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội ngay từ sau năm 1975. Với áp lực quốc tế, ông được giảm án và bị cầm tù 26 năm ròng trước khi được trả tự do trước thời hạn nhân dịp Tết Ất Dậu 2005. Tù nhân lương tâm này cho biết từ song sắt trại giam, ông đã lén lút nghe ‘những tin tức nóng bỏng, nhanh nhạy’ của đài VOA. “Đó cũng là điều kiện để chúng tôi nuôi dưỡng ý chí, nghị lực, lòng quả cảm chịu đựng năm tháng tù đày nghiệt ngã trong chốn lao tù,” Thượng tọa Thích Thiện Minh chia sẻ.

Nguyễn Văn Thống, nguyên Trưởng Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội

Là một người trẻ Công giáo năng nổ tham gia công tác xã hội và các hoạt động cổ võ cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, sinh viên Nguyễn Văn Thống làm quen với đài VOA từ 2008 qua loạt tin VOA phản ánh về các vụ đàn áp, bắt bớ tại Tòa Khâm Sứ, Giáo xứ Đồng Chiêm, Nhà thờ Thái Hà. Từ đó, anh trở thành một thính giả trung thành với VOA, tìm đến VOA mỗi ngày như một nơi thu thập được những thông tin đa chiều, khác với luồng thông tin từ báo đài quốc doanh trong nước bị kiểm soát chặt chẽ.

Nguyễn Văn Thống, nguyên Trưởng Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội
please wait

No media source currently available

0:00 0:00:56 0:00

“Đài VOA đã và đang đóng vai trò quan trọng trong vấn đề thông tin tự do. Năm 2010, khi nhà cầm quyền cộng sản bắt các thành viên của cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội, cộng đoàn do tôi lãnh đạo, tôi đã liên lạc ngay với VOA. Phóng viên Trà Mi VOA đã làm ngay bản tin về sự thật đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Tôi thấy rất hiệu quả. Chỉ sau một ngày, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thả thành viên trong cộng đoàn chúng tôi được tự do. Đó là sinh viên Vũ Hoàng Quang vào năm 2010,” anh Thống chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ với VOA nhân dịp ghé thăm đài cách đây vài tháng.

Bernard Kenvyn, người Bỉ, làm công tác xã hội tại Việt Nam

Bernard Kenvyn, một người Bỉ ngoài sáu mươi, đã 24 năm nay liên tục làm công tác xã hội ở Việt Nam, thực hiện các dự án dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp ở các vùng quê, những dự án y tế, giáo dục giúp dân nghèo tại các vùng xa, vùng sâu Việt Nam. Chính vì vậy mà ông được đặt một biệt danh thân thiện là ‘Ông Việt Nam.’

Bernard Kenvyn, người Bỉ, làm công tác xã hội tại Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:00:51 0:00

Bernard chia sẻ một niềm vui lớn bất ngờ sau lần xuất hiện trong một phóng sự của VOA: “Bernard rất mừng vì hôm kia có công ty Úc gọi điện mời Bernard tham gia lễ cuối năm của công ty vì giám đốc công ty có xem trên VOA Youtube về chương trình giúp đỡ cộng đồng của mình, đặc biệt là các học bổng cho học sinh. Họ mời tham gia lễ cuối năm và hứa có số tiền hỗ trợ quỹ học bổng của mình. Cuối cùng mình đã rất bất ngờ vì nhận được 520 triệu, nên tôi xin hết sức cảm ơn đài VOA vì nhờ VOA mới được khoản hỗ trợ như vậy.”

GS-TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam

please wait

No media source currently available

0:00 0:00:25 0:00
Tải xuống


“Tôi đánh giá rất cao cách phỏng vấn, đưa tin của VOA hoàn toàn khách quan, đảm bảo được hiệu quả của công việc truyền thông đại chúng. Nhân dịp kỷ niệm, tôi xin chúc VOA được những thành công lớn trong quá trình tác nghiệp, tron gvai trò là cơ quan báo chí.”

Nhiếp ảnh gia Đức Minh, Sài Gòn

please wait

No media source currently available

0:00 0:01:09 0:00
Tải xuống


Các chương trình dạy tiếng Anh trên đài VOA thu hút thính giả trẻ này từ những năm 1990. Anh kể, đón nghe VOA qua làn sóng radio không dễ dàng, nhưng vẫn ‘ráng căng tai ra để mà nghe.’ Mỗi lần nghe được bài học anh ngữ trên VOA, anh đều thu âm lại, nghe tới nghe lui và viết ra giấy để so sánh với bản được bán cho sinh viên. Bằng cách này, rất nhiều bạn trẻ Việt Nam thế hệ 7x như Đức Minh có thể tự đánh giá, trao dồi, và dần cải thiện trình độ nghe Anh ngữ của mình đạt tới đâu.

“Lên lớp, thầy cô cũng cho nghe lại, thầy cô cũng có thu lại..Thời 1990 không có xe máy. Tan học về mau mau đạp xe thật nhanh về nhà để mở băng ra thu. Khi đi làm mới thấy rõ nghe bản tin VOA khả năng nghe tiếng Anh của mình rất là hoàn thiện.”

Đức Minh nói thế hệ trang lứa với anh tới giờ này vẫn còn nhớ rất rõ từng giọng đọc và giờ phát thanh của các chương trình dạy Anh ngữ trên đài VOA.

Thạc sĩ Lê Minh Hoàng, Paris, Pháp

please wait

No media source currently available

0:00 0:00:34 0:00
Tải xuống


Thạc sĩ Minh Hoàng nói anh biết đến VOA từ lúc nhỏ, khi gia đình anh sinh sống trong một khu xóm gồm các cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa đi học tập cải tạo về và VOA đã trở thành chất keo kết nối những cuộc đời đồng cảnh ngộ lại với nhau, để cùng túm tụm nghe tin tức VOA mỗi ngày, nhất là vào thời điểm chính phủ Mỹ mở chương trình H.O.

“Đầu năm 90, mọi người rần rần, giống như bây giờ chờ nghe xổ số vậy đó. Theo dõi từng bước vì liên hệ trực tiếp đến mình, nghe đài xong rồi bàn thảo dữ lắm, giống coi đá banh vậy đó,” anh Hoàng thuật lại.

Thính giả Dương Thành Đăng, quận Bình Tân, Sài Gòn

Email nhan đề ‘Kỷ niệm với Đài VOA-Hoa Kỳ’ của thính giả Dương Thành Đăng từ Sài Gòn trải ra những dòng tâm sự về dấu ấn của VOA đối với tác giả:

“Khoảng năm 1990, trong một lần phụ người cậu dọn nhà tôi tình cờ phát hiện ra chiếc Radio củ bỏ quên nên tôi bèn xin về sửa lại và nghe. Một hôm, trong một đêm mưa tầm tả, tôi áp sát tai vào chiếc Radio, nghe tiếng được tiếng mất và phát hiện ra Đài VOA. Lúc đó cảm giác vừa vui và vừa run sợ, vì như mẹ tôi nói “nghe Đài giặc là bị nhốt liền” nên tôi lúc nào cũng áp sát tai vào Radio để nghe. Mỗi lần mở Radio và nghe câu “Đây là Đài tiếng nói Hoa Kỳ, phát thanh từ thủ đô Whasington” là cảm thấy vui sướng, hồi hộp và vô cùng lo sợ.

Lần đầu nghe Đài tôi có cảm giác rất lạ, những thông tin của Đài đều “sai sự thật” so với những gì tôi biết khi nghe các thông tin tại Việt Nam. Dần dần, tôi cảm thấy rằng những thông tin của Đài rất chính xác, trung thực, nó như những tia sáng đưa tôi thoát khỏi những vùng u tối, đến với thế giới văn minh. Từ đó, tôi đã cảm nhận thật rõ tình hình đất nước mình, cũng như những gì đang xảy ra trên thế giới.

Thật may mắn, tôi đã nghe được Đài khá sớm (so với những người bạn cùng tuổi với tôi), và may mắn hơn là được Đài đưa tin trong giao đoạn Việt Nam đang đổi mới nên những kiến thức, tin tức tôi biết được là vô cùng quý giá, giúp tôi có cái nhìn, đánh giá trung thực hơn, chính xác hơn tình hình đất nước tôi.

Ngày nay, do có Internet nên tôi ít nghe Đài hơn nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi, truy cập trang web của Đài để biết những thông tin kịp thời và chính xác. Có thể nói rằng Đài VOA là người bạn lớn, là ân nhân, là người thầy đã dẫn dắt tôi từ một “đứa trẻ ngoan” bị đóng khung trong mội trường XHCN để đến được với thế giới văn minh và tiến bộ.”

Thính giả Văn Vũ Lê Hồng, Việt Nam

Trong lời nhắn gửi qua trang Facebook của VOATIENGVIET, thính giả Văn Vũ Lê Hồng viết rằng:

“Tôi biết nghe đài VOA từ ngày vào đất Phương nam sinh sống và đúng lúc tự mua cái đài Sonny của Nhật năm 1997, nên mỗi sáng sớm mai thức dậy đến đêm khuya lúc nào tôi cũng ôm áp sát cái đài nghe các chương trình VOA, đi đâu xa cũng một va ly đựng đài nếu thiếu một vài buổi nghe là như thiêu thiếu cái gì đó không chịu nổi.

Còn lúc trước ở ngoài nhà bố tôi có cái đài lúc nào cả nhà cũng nghe đài tiếng nói Việt Nam nên tôi rất thích nghe đài từ đó. Mà chắc tôi có duyên với VOA tiếng Việt hơn nhà đài BBC tiếng Việt vì thời gian phát sóng của VOA tiếng Việt nhiều hơn BBC và dễ dò sóng hơn nên tôi nghe VOA còn BBC thỉnh thoảng lắm mới dò được sóng để nghe.

Cũng vì nghe VOA nhiều tin đa chiều nên tôi không bị nhồi sọ và tự tìm hướng đi cho mình từ hồi đó bằng cách học tất cả những kiến thức mọi lúc mọi nơi để có được như ngày hôm nay để ra tay giúp đời.

Đó là cảm nhận của riêng tôi và hôm nay tôi chia sẻ suy nghĩ của mình đến quý biên tập viên đài VOA tiếng Việt và các bạn đọc gần xa. Qua đây tôi cám ơn đài VOA đã giúp tôi trưởng thành và tôi cũng chúc tất cả anh chị em của VOA nhiều sức khỏe hạnh phúc và đem thật nhiều tin tức thời sự nhanh nhất khai sáng cho nhiều người Việt còn mù mờ trong cái ao làng Việt 'nan' nhé!”

Và thông điệp từ VOA

Phục vụ khán thính giả Việt Nam từ năm 1951, VOA Tiếng Việt đã trở thành cầu nối giữa Hoa Kỳ và người dân Việt.

“Người dân Việt Nam là một trong những đối tượng khán thính giả quan trọng nhất của VOA. Hy vọng VOA sẽ tiếp tục là nguồn tin khả tín đối với các bạn trong 75 năm tới,” đương kim Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ Amanda Bennett khẳng định trong thông điệp kỷ niệm 75 năm thành lập đài.

Đương kim Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ Amanda Bennett
please wait

No media source currently available

0:00 0:00:27 0:00

Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ được xem là cơ quan truyền thông đa phương tiện quốc tế năng động với 47 ban ngôn ngữ phát thanh-phát hình trên khắp thế giới.

Phục vụ trên 236 triệu khán thính giả hàng tuần trên toàn cầu, VOA cung cấp tin tức, thông tin, và các chương trình văn hóa qua internet, điện thoại di động, truyền thông xã hội, radio, và TV.

Trụ sở chính của đài VOA đặt tại trung tâm thủ đô Washington DC, cách Quốc hội Mỹ không xa.

VOA hiện có trên một ngàn nhân viên đảm trách sứ mạng ‘cung cấp thông tin, giao tiếp và kết nối mọi người trên toàn thế giới để hỗ trợ tự do và dân chủ.’

Đài có 20 phòng phát thanh radio, 30 phòng thu thanh và sản xuất chương trình, 5 studio ghi hình TV toàn diện, 2 phòng ghi hình TV tự động, 3 phòng sản xuất chương trình TV, cùng các phòng ban từ kỹ thuật đến nội dung hay các khâu hỗ trợ khác.

VOA Express

XS
SM
MD
LG