Đường dẫn truy cập

VN: Không nộp ảnh chân dung, cắt điện thoại di động


Tin nhắn VinaPhone gửi cho khách hàng để yêu cầu nộp ảnh và cập nhật thông tin cá nhân.
Tin nhắn VinaPhone gửi cho khách hàng để yêu cầu nộp ảnh và cập nhật thông tin cá nhân.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Thông tin và Truyền thông, các “nhà mạng” cung cấp dịch vụ điện thoại hàng đầu tại Việt Nam vừa ra “tối hậu thư”, yêu cầu các khách hàng đăng ký thuê bao phải nộp ảnh chân dung và cập nhật thông tin cá nhân, hạn chót là ngày 24/4, nếu không sẽ bị “cắt” thuê bao.

Trong khi một số ý kiến trên mạng bày tỏ quan ngại về vấn đề bảo mật thông tin cho khách hàng của các nhà mạng, một nhà hoạt động nghiên cứu về luật tại Việt Nam nhận định với VOA rằng cách “tăng cường quản lý nhà nước” kiểu này không phù hợp với bối cảnh hiện đại và nhiều khả năng “chỉ nhắm tới theo dõi những người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền”, vốn thường bị gán ghép là “đối tượng an ninh quốc gia”.

Trong tin nhắn gửi cho khách hàng vài ngày qua, các “nhà mạng” nói họ chỉ thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, cụ thể là Nghị định 49/2017/NĐ-CP, yêu cầu tất cả thuê bao di động phải cung cấp thông tin chính xác về tên tuổi, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp… và ảnh chụp chân dung của mình.

Trong khi nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại về khả năng bị tiết lộ thông tin và ảnh chân dung có thể bị sử dụng để đăng ký các dịch vụ ở nước ngoài, một số nhà hoạt động nghi ngờ đây có thể là một biện pháp tiếp theo nhằm “tăng cường quản lý” những tiếng nói bất đồng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam trong năm qua đã bắt và ra án tù nặng đối với nhiều người bất đồng chính kiến.

“Nó tăng cường khả năng theo dõi, nghe lén điện thoại”, ông Phạm Lê Vương Các, một nhà hoạt động nghiên cứu Luật tại Việt Nam, nói với VOA tiếng Việt.

“Theo tôi biết, ở một số nước, người ta không theo dõi một cách tùy tiện như ở Việt Nam hiện nay. Để theo dõi một đối tượng liên quan đến an ninh quốc gia, người ta đòi hỏi phải có lệnh từ tòa án hoặc một cơ quan đặc biệt nào đó yêu cầu, nghĩa là phải có một cơ quan ngoài cảnh sát yêu cầu thì người ta mới có thể tiến hành theo dõi hoặc nghe lén một đối tượng đặc biệt. Còn tại Việt Nam, công an có thể đưa một đối tượng vào danh sách và theo dõi một cách rất tùy tiện”.

Quy định nộp ảnh chân dung khi đăng ký thuê bao điện thoại di động đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ phía người dân và cả các nhà lập pháp, giữa lúc các nước trong khu vực và ngay cả ở Mỹ cũng không có quy định này.

Phát biểu bên hành lang Quốc hội vào tháng 6/2017, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, cho rằng quy định chụp ảnh khi đăng ký thuê bao điện thoại di động là “lãng phí”, “đụng chạm đến quyền lợi của người dân” và “vượt trên cả Luật Viễn thông khi luật này không quy định phải chụp ảnh”.

Cục Viễn thông, cơ quan góp ý xây dựng dự thảo Nghị định 49, cho rằng việc lập cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao điện thoại di động là vô cùng cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ quyền lợi của người dân, tránh tình trạng lừa đảo, đe dọa, khủng bố, phát tán thông tin độc hại...

Nhưng theo nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các, “Ở Việt Nam, ‘đối tượng an ninh quốc gia’ lại hướng tới những người hoạt động cho dân chủ và nhân quyền”.

Khi thời hạn chót đang đến gần, các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone, MobiFone cho biết đã phải “gấp rút bố trí nhân lực” để gửi thông báo cho khách hàng, tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch và mở thêm tổng đài để giải đáp thắc mắc của khách hàng.

Theo quy định của Nghị định 49, kể từ khi nhận được tin nhắn, nếu chủ thuê bao không nộp ảnh và cập nhật thông tin trong vòng 15 ngày sẽ bị khóa một chiều, trong vòng 15 ngày tiếp theo sẽ bị khóa 2 chiều, bị thanh lý hợp đồng sau 30 ngày tiếp theo, và số thuê bao có thể bị bán cho người khác sau 60 ngày.

VOA Express

XS
SM
MD
LG