Đường dẫn truy cập

VinFast thôi sản xuất xe xăng, nhiều người nói ‘mất lòng tin’ về hãng


VinFast có kế hoạch dừng sản xuất xe xăng vào cuối năm 2022.
VinFast có kế hoạch dừng sản xuất xe xăng vào cuối năm 2022.

Giới lãnh đạo hãng ô tô VinFast thuộc tập đoàn Vingroup của tỉ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng mới đây tuyên bố hãng sắp dừng sản xuất xe có động cơ xăng, tập trung làm xe chạy bằng điện. Động thái này làm nổi sóng dư luận, trong đó nhiều người nói họ bị mất lòng tin về hãng.

Vào tối 5/1 tại cuộc triển lãm công nghệ và điện tử tiêu dùng CES 2022 ở Las Vegas, Mỹ, Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu Lê Thị Thu Thủy công bố rằng hãng sẽ ngừng sản xuất xe lắp động cơ đốt trong và chính thức trở thành hãng xe điện 100% vào cuối năm 2022.

Phát biểu của nữ tổng giám đốc được đưa ra khi bà giới thiệu 5 mẫu ô tô điện của VinFast là VF5, VF6, VF7, VF8 và VF9 tại cuộc triển lãm. Tất cả đều thuộc dòng xe tiện ích thể thao (SUV) với các kích cỡ khác nhau.

Tuyên bố của bà Thủy đánh dấu việc VinFast từ bỏ chương trình xe chạy xăng chỉ sau gần 3 năm kể từ khi những chiếc xe gắn nhãn Lux và Fadil do hãng lắp ráp lăn bánh trên các con đường Việt Nam.

Trong 2 năm 2020 và 2021, VinFast bán ra tổng cộng hơn 60.000 xe Lux và Fadil, chiếm khoảng 10% thị phần Việt Nam song vẫn còn quá ít ỏi so với công suất thiết kế lên đến 250.000 xe/năm của nhà máy VinFast.

Bên cạnh đó, trong các năm kể từ khi hoạt động, VinFast vẫn liên tục lỗ. Thông tin được cập nhật cho đến quý 4/2021 cho thấy hãng chịu mức lỗ kỷ lục 11,3 nghìn tỷ đồng (hơn 491 triệu đô la Mỹ) trong nửa đầu của năm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, khi đó mức lỗ là 6,6 nghìn tỷ đồng (287 triệu đô Mỹ).

Phản ứng về việc VinFast loan báo sắp ngừng sản xuất xe động cơ xăng, nhiều chủ xe Lux và Fadil bày tỏ trên mạng xã hội họ “bị sốc” và “lo lắng” về dịch vụ bảo trì, sửa chữa của hãng đối với các chiếc xe của họ trong tương lai.

Lên tiếng trấn an những người quan tâm, ông Hoàng Chí Trung, Tổng Giám đốc VinFast Trading Việt Nam, nói thông qua báo chí Việt Nam rằng VinFast đã dự trù đầy đủ lượng linh kiện, phụ tùng với số lượng gấp 1,5 lần so với thông lệ để đảm bảo phục vụ khách hàng.

Ông Trung khẳng định VinFast không quay lưng với những khách hàng cũ và cam kết phục vụ đến hết vòng đời của từng chiếc xe bán ra, theo trích dẫn trên báo chí trong nước.

Mặc dù vậy, VOA quan sát thấy nhiều khách hàng của VinFast nói riêng và tập đoàn Vingroup nói chung vẫn tiếp tục đưa ra các ý kiến cho rằng việc VinFast đột ngột công bố kế hoạch dừng làm xe xăng là một đòn mạnh và mới nhất đánh vào lòng tin của người tiêu dùng, nhất là xét đến quá khứ là tập đoàn này đã nhiều lần ngừng các sản phẩm, dịch vụ khác nhau, đôi khi khá bất ngờ.

Theo tìm hiểu của VOA, trong vài năm trở lại đây, Vingroup đã từ bỏ các nỗ lực kinh doanh trong những lĩnh vực gồm siêu thị-bán lẻ, hàng không, điện thoại, và TV.

Thảo luận trên mạng xã hội về việc Vingroup mở và đóng các mảng kinh doanh quá thường xuyên và nhanh chóng, không ít người lưu ý rằng cách làm đó khó có thể tạo ra giá trị cốt lõi của tập đoàn cũng như khó tập hợp được các khách hàng trung thành.

Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội, nhận xét với VOA:

“Về Vingroup, ngoài ngành nghề bất động sản, các sản phẩm khác họ đều làm rất chộp giật. Họ dùng truyền thông để che lấp đi những bất lợi trong các sản phẩm của họ. Người tiêu dùng thông minh chắc chắn nhìn nhận ngay thấy các vấn đề trong các hệ thống siêu thị hay sản phẩm điện thoại, hay gần đây nhất là xe máy điện”.

Riêng về việc VinFast vừa tuyên bố dừng xe xăng chỉ sau chưa đầy 3 năm để tập trung làm xe điện, nhiều người đặt câu hỏi liệu ai có thể dám tin chắc được là sau vài năm nữa VinFast không tuyên bố sẽ từ bỏ xe điện để chuyển sang hướng sản xuất, kinh doanh mới.

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng bình luận với VOA rằng động thái mới nhất của VinFast là “điều rất khủng khiếp đánh vào lòng tin của người tiêu dùng” và có hệ lụy đến sản phẩm tương lai của hãng:

“Về sản phẩm ô tô điện của hãng, người tiêu dùng bây giờ họ đã trao đổi thông tin, đã chỉ ra những điểm rất bất cập và đầy nghi ngờ về tính khả thi của chiến lược của VinFast, không biết là họ có thể trụ được lâu dài không. Người tiêu dùng ngày càng nghi ngờ và lo lắng. Với sự nghi ngờ và lo lắng đó, tôi chắc chắn là việc kinh doanh của tập đoàn Vingroup sẽ rất khó khăn trong giai đoạn tới”.

VinFast gần đây công bố kế hoạch mở các nhà máy và các cơ sở kinh doanh xe điện ở Mỹ và Đức. Với hiểu biết lâu năm trong ngành ô tô, tiến sĩ Trương Quý Hoàng Phương, chuyên gia kiến trúc các dòng xe điện thế hệ mới của hãng BMW, nhận định với VOA rằng đó là những bước đi chiến thuật của VinFast nhưng không hẳn là có chủ đích nhắm vào thị trường Âu, Mỹ mà nhắm đến khu vực quanh Việt Nam.

Tiến sĩ Phương phân tích rằng VinFast sẽ chỉ kết hợp với một số đối tác nước ngoài để sản xuất, lắp ráp xe với số lượng ít để thăm dò, tạo nhận thức về thương hiệu ở Mỹ, châu Âu, rồi trên nền tảng đó, hãng sẽ kinh doanh ở châu Á hoặc làm đối tác cho các hãng xe điện ở Đông Nam Á, và đó mới là mục đích chính.

Kỹ sư Phương tiên liệu rằng VinFast rất khó có khả năng cạnh tranh thành công và có lãi ở các thị trường Mỹ, Đức, nơi có nhiều hãng xe tên tuổi như Tesla, BMW, Mercedes… đều có những lợi thế lớn hơn nhiều so với VinFast còn rất mới mẻ và không có tên tuổi gì.

VOA Express

XS
SM
MD
LG