Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘sẽ thắng’ nếu kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế?


Vụ đụng độ giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc trên trang bìa của 2 tờ báo lớn ở Việt Nam, sau khi Bộ Ngoại giao ở Hà Nội cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Vụ đụng độ giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc trên trang bìa của 2 tờ báo lớn ở Việt Nam, sau khi Bộ Ngoại giao ở Hà Nội cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.

Trong lúc cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng như đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế để giải quyết vụ việc mà Hà Nội nói là Bắc Kinh vi phạm lãnh hải của mình.

Vụ đối đầu được cho là bắt đầu sau khi Trung Quốc hôm 3/7 đưa một tàu khảo sát cùng nhiều tàu hải cảnh vào khu vực mà Hà Nội nói là vùng đặc quyền kinh tế của mình để tiến hành khảo sát địa chất. Việc này khiến Việt Nam phải điều các tàu hải cảnh của họ tới khu vực này.

Việt Nam “nên kiện” Trung Quốc ra tòa quốc tế và “hầu như là sẽ thắng.”
James Kraska, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu luật quốc tế Stockton của Đại học Hải chiến Mỹ

Đây là vụ đối đầu căng thẳng nhất giữa hai quốc gia Cộng sản láng giểng kể từ năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam và gây ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc quy mô lớn trong và ngoài nước.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/7 cáo buộc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc “vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam” trong khu vực Biển Đông.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, “đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.”

Ông James Kraska, Chủ tịch Trung tâm Stockton về Luật hàng hải Quốc tế thuộc Trường Hải Chiến của Mỹ, cho rằng Trung Quốc đang hành động “bất hợp pháp” trên Biển Đông và vi phạm “nghiêm trọng” UNCLOS 1982. Ông nói thêm: “Bằng việc làm như vậy, Trung Quốc đang tìm cách làm cho Việt Nam phải chấp nhận một cách từ từ quyền bá chủ và thế thống trị của Trung Quốc trong khu vực.”

Giáo sư về luật hành hải quốc tế cho rằng Việt Nam “nên kiện” Trung Quốc ra tòa quốc tế, và nhận định “Việt Nam hầu như là sẽ thắng.”

Giải thích vì sao Việt Nam có cơ hội chiến thắng, ông Kraska cho biết “phán quyết cuối cùng sẽ do chủ tịch của tòa trọng tài quốc tế về luật biển và không có ai (nước nào) ngoài Trung Quốc tin rằng những gì mà Trung Quốc đang làm là hợp pháp.”

"Chỉ là câu hỏi liệu Hà Nội có đủ quyết tâm chính trị để (kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế) hay không thôi."
Jonathan Odom, giáo sư luật quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marshall

Vụ đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm tròn 3 năm sau khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ tuyên bố đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngày 12/7/2016, tòa quốc tế ở La Haye đã tuyên bố Philippines giành phần thắng trong vụ kiện mà Trung Quốc đòi tuyên bố chủ quyền trên hầu hết khu vực có tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên Bắc Kinh không bao giờ công nhận phán quyết này.

Cùng ý kiến với ông Kraska, ông Jonathan Odom – giáo sư luật quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marshall của Mỹ, nhận định rằng Hà Nội “có thể dùng hầu hết phần biện hộ” của Manila trong vụ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế cách đây 3 năm và có khả năng “chiến thắng” về mặt pháp lý.

“Vì vậy, chỉ là câu hỏi liệu Hà Nội có đủ quyết tâm chính trị để làm việc đó hay không thôi,” ông Odom đưa ra nhận định trên trang Twitter cá nhân.

Trung Quốc trước đây bị coi là đã “bắt nạt” Việt Nam trong các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông. Cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Việt Nam được cho là đã phải ngừng 2 dự án thăm dò dầu khí với đối tác nước ngoài dước sức ép của Bắc Kinh.

Theo cập nhật hôm 21/7 của ông Ryan Martinson, nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc và là giảng viên tại Trường Hải chiến Mỹ, tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc “vẫn tiếp tục các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”

Nói với VOA hôm 17/7, ông Martinson cho rằng Trung Quốc “quyết tâm ngăn chặn Việt Nam khai thác tài nguyên dưới đáy biển", sau khi Hà Nội “cho phép công ty dầu khí Nga Rosneft thuê giàn khoan dầu của Nhật là Hakuryu 5 để khoan thăm dò vùng biển nằm ở phía Tây của Bãi Tư Chính”.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao (BNG) Mỹ ra hôm 20/7 cáo buộc các hành động gây hấn liên tiếp của Trung Quốc nhắm vào việc phát triển dầu khí ngoài khơi của các nước có tuyên bố chủ quyền khác, trong đó có Việt Nam. Người phát ngôn BNG Morgan Ortagus Mỹ nói rằng “Trung Quốc phải chấm dứt hành vi bắt nạt của mình và ngừng các hành động gây hấn và làm mất ổn định như vậy.”

Theo ông Kraska, việc Mỹ nêu quan ngại về các hành động của Trung Quốc lần này là “cần thiết nhưng chưa đủ” vì Trung Quốc “đã lớn mạnh rất nhiều trong 20 năm qua.”

Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales của Úc cho rằng Việt Nam cần tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vụ tranh chấp này.

Hà Nội nên “kêu gọi các nước trong khu vực và các thành viên của cộng đồng quốc tế để ủng hộ Việt Nam trong việc tán thành các quyền của họ theo UNCLOS."
Carl Thayer, GS Đại học New South Wales

Viết trong một bản tin ra ngày 18/7, chuyên gia về tình hình Việt Nam nói rằng Hà Nội nên “kêu gọi các nước trong khu vực và các thành viên của cộng đồng quốc tế để ủng hộ Việt Nam trong việc tán thành các quyền của họ theo UNCLOS."

Theo ông Kraska, ngoài Mỹ, quốc gia hùng mạnh nhất hiện nay, Việt Nam nên tìm kiếm sự ủng hộ của các nước có cùng mục đích kháng cự sức mạnh của Trung Quốc trong vực như Nhật, Úc và Ấn Độ.

Trong tuyên bố ra ngày 19/7, bà Hằng nói rằng “Việt Nam mong muốn các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG