Đường dẫn truy cập

Việt Nam chống dịch tốt nhờ biện pháp ‘quyết liệt’?


Các nhân viên y tế tại Bệnh viên Quân y 17 ở Đà Nẵng ngày 4/8/2020.
Các nhân viên y tế tại Bệnh viên Quân y 17 ở Đà Nẵng ngày 4/8/2020.

Một du học sinh Việt Nam trải qua cảnh bị hạn chế đi lại trong lúc dịch Covid-19 hoành hành ở Mỹ và sau đó bị cách ly xã hội ở Đà Nẵng khi thành phố này bùng phát dịch nhận định với VOA rằng Việt Nam chống dịch tốt là ‘do làm quyết liệt hơn Mỹ’.

Sau thời gian dịch bùng phát mạnh ở Đà Nẵng, đến ngày 10/9, Việt Nam đã trải qua 8 ngày liên tiếp không có thêm ca nhiễm virus corona mới trong cộng đồng. Riêng Đà Nẵng đã có 13 ngày liên tiếp không báo cáo ca nhiễm mới.

Theo thống kê trên trang Worldometers, đến ngày 10/9, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.059 ca nhiễm, 35 ca tử vong. Trong tổng số 551 ca nhiễm mới kể từ khi bùng phát làn sóng thứ hai hồi cuối tháng 7, Đà Nẵng chiếm 389 ca, với 31 ca tử vong.

Đà Nẵng từng bước nới lỏng giãn cách xã hội kể từ ngày 5/9. Hiện người dân Đà Nẵng đã được phép tắm biển trở lại. Tàu hỏa, máy bay cũng đã được phép đi đến từ Đà Nẵng, theo tường thuật của truyền thông trong nước, và dự kiến sẽ khôi phục tần suất bay như trước dịch, kể từ tuần sau.

‘Đã bình thường trở lại’

Từ Đà Nẵng, tâm dịch trong thời gian qua ở Việt Nam, anh Nguyễn Trần Trí, người vừa về nước sau khi lấy bằng tiến sĩ ngành tự động tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, nói với VOA rằng sau thời gian cách ly xã hội hơn một tháng, tình hình ở Đà Nẵng ‘hiện giờ đã trở lại cuộc sống bình thường được 80-90%’.

Anh Trí, người sắp về giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nói hiện giờ người dân Đà Nẵng đã đi ra ngoài nhiều hơn do tâm lý chung sau thời gian dài ‘ở nhà nhiều quá’ và hàng quán vừa được cho phép phục vụ ăn tại chỗ trở lại.

Đợt bùng phát virus corona bắt đầu từ cuối tháng 7 ở Đà Nẵng với hầu hết các ca nhiễm đều liên quan đến các bệnh viện.

Anh Trí cho biết gia đình anh vừa được xét nghiệm virus corona trong chiến dịch xét nghiệm toàn thành phố mà theo đó mỗi gia đình có một đại diện được xét nghiệm.

“Có nhiều chỗ làm từ thiện như nấu ăn đem đến cho những người bị cách ly trong các bệnh viện, mua khẩu trang hay đồ bảo hộ, các phương tiện ủng hộ cho bệnh viện,” anh nói.

Ngoài ra, vẫn theo lời anh, ‘có những gian hàng 0 đồng để ai có nhu cầu thì đến lấy rau lấy thịt.”

Trong thời gian giãn cách xã hội, anh cho biết, chính quyền ‘đã có những biện pháp cưỡng bức’ chẳng hạn như ai tụ tập sẽ bị phạt mỗi người 7,5 triệu đồng đến nỗi có nhà bị phạt đến 75 triệu đồng vì ’10 người tụ tập ăn nhậu với nhau’ và rằng ai ra đường mà không giải thích được lý do chính đáng sẽ bị phạt 200 ngàn đồng.

Biện pháp ‘quyết liệt’

Anh Trí đã trải qua đợt bùng phát dịch ở Mỹ hồi mùa xuân năm nay. Khi đó, anh đang trong giai đoạn bảo vệ luận án.

Tại Mỹ, anh đã trải qua ba tháng phải ở trong nhà. Từ lúc về đến Việt Nam hồi tháng 6, anh Trí đã bị cách ly bắt buộc trong hai tuần và sau đó là bị giãn cách xã hội thêm một tháng nữa ở Đà Nẵng.

Nhận định về việc giãn cách xã hội ở Mỹ và ở Việt Nam, anh Trí nói ‘cơ bản là giống nhau vì người dân chỉ được ra ngoài khi đi mua đồ cần thiết thôi’.

Tuy nhiên, theo quan sát của anh thì Việt Nam áp dụng các biện pháp ‘quyết liệt hơn bên Mỹ’ với bằng chứng là ‘chỗ nào có người nghi nhiễm thì nguyên khu phố bị cách ly hết’.

“Trong khi ở Mỹ thì nghiêng về tự giác nhiều hơn. Chính quyền khuyên ở nhà nhưng nhiều người không nghe,” anh giải thích. “Lúc dịch mới bùng phát bên Mỹ đi ra đường tôi rất sợ vì nhiều người không đeo khẩu trang.”

“Ở Việt Nam làm nghiêm túc hơn nên dập dịch nhanh hơn Mỹ nhiều,” tiến sỹ Trí nói.

Với lại, anh cho rằng Việt Nam dập dịch ngay từ khi chỉ có vài ca trong khi ở Mỹ đã để xảy ra bùng phát trên diện rộng thì mới đóng cửa nên ‘dập dịch khó hơn nhiều’.

“Phải chịu cực khổ trong thời gian ban đầu để khi dập dịch hoàn toàn rồi thì sẽ thoải mái trở lại,” anh nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG