Đường dẫn truy cập

Việt Nam đến 2045 thành nước phát triển – liệu có khả thi?


Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội 13 để đề ra mục tiêu, đường hướng phát triển trong thời gian tới
Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội 13 để đề ra mục tiêu, đường hướng phát triển trong thời gian tới

Mục tiêu Đảng cộng sản đặt ra đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển thuộc nhóm thu nhập cao trên thế giới ‘không phải là không khả thi’ nhưng ‘đòi hỏi nỗ lực rất lớn của nhà nước với những chính sách phù hợp’, các nhà quan sát trong nước nói với VOA.

Đảng Cộng sản Việt Nam vừa kết thúc Đại hội toàn quốc lần thứ 13 hôm 1/2 để xác định chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn cho đến năm 2045. Đại hội đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng bí thư thêm nhiệm kỳ thứ ba.

Hai mốc thời gian đó cũng là hai cột mốc trăm năm mang ý nghĩa trọng đại đối với Đảng Cộng sản Việt Nam: kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045.

Mục tiêu được Đại hội thông qua là từ nay đến năm 2025, Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 vào nhóm nước thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành ‘nước phát triển và có thu nhập cao’ – tức tương đương những con hổ châu Á khác như Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan hay Singapore.

Trong cả diễn văn khai mạc và bế mạc Đại hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ‘đất nước chưa có giờ có được tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín như hôm nay’.

“Nhất định Tổ quốc chúng ta sắp tới sẽ ngày càng vinh quang hơn, để sánh vai các cường quốc năm châu trên thế giới,” ông Trọng nói trong phát biểu bế mạc Đại hội được truyền thông trong nước dẫn lại.

VOA đã trao đổi với các nhà quan sát trong nước để tìm hiểu tính khả thi của các mục tiêu này.

‘Chuyển đổi mô hình tăng trưởng’

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một cựu thành viên tổ tư vấn kinh tế của chính phủ, cho rằng các mục tiêu đó là ‘rất khích lệ được người dân kỳ vọng’.

“Nhưng với khoảng cách về thu nhập xa như vậy thì Việt Nam phải có chính sách để một năm phải tăng trưởng trên 7% liên tục thì mới hy vọng đạt được,” ông Doanh nói.

Để làm được như vậy, tiến sĩ Doanh khuyến nghị Việt Nam phải chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo và dựa vào khoa học công nghệ vì tăng trưởng Việt Nam bao năm qua vẫn dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ và đầu tư nước ngoài ‘đã chạm đến giới hạn của nó’.

Quá trình chuyển đổi này, theo ông Doanh, là ‘một thách thức lớn’ nhưng từ kinh nghiệm các nước châu Á khác cũng có thời gian tăng trưởng cao như vậy trong thời gian dài trước khi trở thành những con hổ, ông Doanh tin rằng ‘Việt Nam sẽ làm được’.

“Chính phủ phải có chính sách phù hợp để thu hút người Việt ở nước ngoài có kinh nghiệm kinh doanh và có kiến thức về khoa học công nghệ về hợp tác,” ông nói.

“Phải cải cách mạnh khối doanh nghiệp nhà nước, phải thay đổi chính sách để phát triển kinh tế tư nhân và huy động sự sáng tạo của mọi người dân Việt Nam,” ông nói thêm.

Ông bày tỏ sự lo ngại về tốc độ chậm chạp trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kêu gọi cho phép sự tham gia nhiều hơn của khối tư nhân và đầu tư nước ngoài để họ có tiếng nói trong hội đồng quản trị của các tập đoàn nhà nước.

“Nếu cổ phần hóa nhỏ giọt thì doanh nghiệp nhà nước vẫn được quản lý y như cũ thì khó có tiến bộ về chất lượng,” ông phân tích.

Ông khuyến nghị chính phủ nên có chính sách tạo điều kiện cho các tập đoàn tư nhân lớn về khoa học công nghệ ra đời. “Chỉ nên hỗ trợ chính sách, chứ không nên tạo ra các tập đoàn giả tạo vì nếu nhà nước giúp đỡ nhiều quá thì không tạo ra được các tập đoàn có năng lực cạnh tranh thực sự trong môi trường quốc tế,” ông giải thích.

Ông cho rằng về mặt nào đó thì nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về vị thế Việt Nam ‘là đúng’ vì ‘GDP cao hơn trước giờ, xuất khẩu tăng cao, quan hệ quốc tế tốt’.

“Không có lý do gì để mà tự mãn vì so với các nước xung quanh thì vị thế của Việt Nam trong Asean cũng như so với các nước trong khu vực thì tôi chưa thấy có điều gì để mà chúng ta có thể nghĩ ra chúng ta có thể dễ dàng vượt họ hay đạt được thành tực xuất sắc hơn họ,” ông cảnh báo.

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu so với năm 1986 khi Việt Nam bắt đầu cải cách mở cửa thì ‘đã chuyển biến rất nhiều’. “Năm 86 mới cởi trói nên chưa hề có kinh tế tư nhân thật sự mà chỉ là kinh tế hộ gia đình như tiệm sửa xe đạp, tiệm phở,” ông cho biết.

‘Đã lỡ nhiều cơ hội’

Khác với ông Doanh, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, cho rằng nhận định của ông Trọng ‘mang tính tô hồng cho thành tích của ông’ để ‘chứng tỏ ông ấy xứng đáng được bầu lại’.

“Chắc chắn họ dựa vào thành tích tăng trưởng kinh tế, kiểm soát đại dịch,” ông A phân tích. “Nhưng điều trớ trêu là trong lúc đại hội đang họp thì dịch Covid-19 lại bùng phát trở lại và may là có người đi sang Nhật được phát hiện ra chứ để chậm trễ thêm 5, 7 ngày thì sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều.”

Còn về thành tích tăng trưởng của Việt Nam trong lúc thế giới chìm trong suy thoái, ông A cũng không cho là ‘thành tích gì lớn lao đáng tự hào’ vì ‘chính phủ đã thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ’.

Ông cũng cho rằng không thể so sánh Việt Nam cách nay 35 năm với tình hình hiện nay để cho rằng đó là công của Đảng Cộng sản. “Chính Đảng cấm cản không cho làm ăn gì cả và khi nền kinh tế sắp sửa lụn bại thì mới mở cửa cho dân làm ăn khá lên rồi nói là công lao thì hơi kỳ,” ông bình luận.

Về mục tiêu của Đảng, ông A cho rằng nếu như Việt Nam duy trì tăng trưởng liên tục 7% trong hơn 20 thì GDP Việt Nam có thể tăng quy mô lên gấp 4 lần và ước đạt 1.100 tỷ đô la. Nếu chia bình quân cho đầu người, thì mỗi người dân Việt Nam sẽ có thu nhập khoảng 12.000-13.000 đô la Mỹ một năm.

“GDP đó phần lớn là do các doanh nghiệp nước ngoài tạo ra và chỉ mới là mức trung bình của thế giới mà thôi,” ông A lưu ý.

Cũng như ông Doanh, ông A cho rằng đạt được mức tăng trưởng như thế ‘không phải là dễ’ nhưng Việt Nam ‘có khả năng thành công’.

“Phải giải phóng sức sản xuất, tất cả những gì cản trở doanh nghiệp tư nhân phải được dỡ bỏ. Chính sách về cơ sở hạ tầng phải làm sao để cho các vùng miền có thể kết nối được với nhau,” ông A khuyến nghị.

“Còn rất nhiều cản trở cho các doanh nghiệp, vẫn còn không biết bao nhiêu giấy phép con,” ông than phiền.

Tiến sĩ A cho rằng thời điểm hiện tại ‘là thời cơ tốt để Việt Nam phát triển’. “Trong mấy chục năm qua Việt Nam đã có rất nhiều cơ hội nhưng rất đáng tiếc nhiều cơ hội đã bị vuột khỏi tầm tay,” ông nói.

Theo quan sát của ông thì bất chấp những ngôn ngữ giáo điều vẫn được nghe thấy ở Đại hội Đảng, ‘thực tế ở Việt Nam khác xa’.

“Người ngoài đều nghe thấy trên Đại hội họ nói rất to về chủ nghĩa Mác-Lê nin, về tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng trên thực tế, chí ít là phát triển kinh tế, họ đã vứt bỏ chủ nghĩa Mác-Lê lâu lắm rồi,” ông phân tích.

“Trong 25 năm qua Việt Nam hoàn toàn không có cái gì là chủ nghĩa xã hội như chủ nghĩa Mác-Lê cả,” tiến sĩ Nguyễn Quang A lưu ý.

VOA Express

XS
SM
MD
LG