Đường dẫn truy cập

Nghị viên châu Âu từ chức sau khi bị cáo buộc có ‘liên hệ’ với Đảng Cộng sản Việt Nam


Ủy viên Nghị viện châu Âu Jan Zahradil, trong bức ảnh hồi tháng 4/2019 tại Prague, Cộng hòa Czech, bị cáo buộc có liên hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi là một người dẫn đầu các cuộc đàm phán về thương mại của EU với Hà Nội.
Ủy viên Nghị viện châu Âu Jan Zahradil, trong bức ảnh hồi tháng 4/2019 tại Prague, Cộng hòa Czech, bị cáo buộc có liên hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi là một người dẫn đầu các cuộc đàm phán về thương mại của EU với Hà Nội.

Một thành viên nghị viện châu Âu hôm 10/12 đệ đơn từ chức báo cáo viên cho các cuộc đàm phán thương mại của EU với Việt Nam sau khi bị cáo buộc không tiết lộ các liên hệ của ông với Đảng Cộng sản Việt Nam, mà có thể vi phạm Bộ quy tắc ứng xử của Nghị viện châu Âu.

Một bài báo được xuất bản gần đây của EU Observer cáo buộc ông Jan Zahradil về một sự “xung đột lợi ích” tiềm năng sau khi tiết lộ rằng ông Zahradil đã không cho biết ông là chủ tịch của Hội đồng tư vấn cho Liên đoàn các hiệp hội người Việt hải ngoại ở châu Âu (FOVAE).

Ông Philippe Lamberts, một trong những đồng chủ tịch của Nhóm Liên minh Tự do Đảng Xanh/Châu Âu, đã trích dẫn bài báo này để gửi lên Chủ tịch Nghị viện châu Âu và đề nghị xem xét “khả năng vi phạm” luật của nghị viện của ông Zahradil.

Ông Zahradil, trong một phần đăng tải hôm 10/12 trên Twitter cá nhân, “mạnh mẽ phủ nhận” các cáo buộc về bất kỳ “xung đột lợi ích” nào trong một bức thư gửi cho các thành viên nghị viện châu Âu trong đó có Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của EU, ông Bernd Lange, người thường xuyên đến Việt Nam để thảo luận về hiệp định thương mại giữa EU và Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng trong bức thư này ông Zahradil “quyết định thôi chức vụ là báo cáo viên thường trực” về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) cho Việt Nam.

EU Observer, trong một bản tin ra hôm 9/12, cho biết ông Zahradil được chỉ định làm chủ tịch của FOVAE năm 2016. Thành viên Nghị viện châu Âu đến từ Czech hiện là phó chủ tịch của ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện.

Ông Lamberts nói trong bức thư gửi Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Maria Sassoli ngày 9/12 rằng dựa trên những thông tin của EU Observer, ông Zahradil đã “không công khai về sự dính líu của ông đối với (FOVAE) khi thông báo về các lợi ích tài chính mặc dù ông có nghĩa vụ phải làm như vậy theo điều 4.2 (d) của Bộ Quy tắc Ứng xử.”

“Hiệp hội này (FOVAE) dường như có liên hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam và giới lãnh đạo chính phủ,” ông Lamberts nói trong bức thư dựa trên những thông tin từ bài báo của EU Observer, trong đó nói rằng người lãnh đạo FOVAE, ông Hoàng Đình Thắng – một nhân vật được biết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hồi cuối tháng 10 vừa qua “được tặng bằng khen xuất sắc” cho những nổ lực đóng góp của ông cho Hiệp hội Việt Nam ở Cộng hòa Czech, thuộc FOVAE. Tờ báo mạng này nhận định rằng “những giải thưởng như vậy chỉ do Đảng Cộng sản cấp cho những người xuất sắc trong một vị trí trong nhiều năm liên tiếp.”

Theo tờ báo mạng của châu Âu, ông Zahradil nói rằng ông “không phải thông báo về vai trò của ông trong một nhóm có liên hệ với chế độ nhà nước cộng sản đàn áp – bất chấp các luật lệ của Nghị viện châu Âu.”

Đồng chủ tịch nhóm Đảng Xanh/Châu Âu, ông Lamberts, đề nghị chủ tịch Nghị viện châu Âu “đánh giá khả năng vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử và xung đột lợi ích, và sự cần thiết có nên tiến hành các biện pháp để sử đổi tình trạng này.”

Bà Saskia Bricmont, một thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu – người vào tháng trước kêu gọi khối này tạm ngừng phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam cho đến khi tình hình nhân quyền ở đây được cải thiện – hôm 9/12 kêu gọi Nghị viện châu Âu mở một cuộc điều tra về vụ việc này.

Trong phần đăng tải trên Twitter hôm 10/12, mặc dù từ chức nhưng ông Zahradil cho rằng những cáo buộc đó là lý do để “những người phản đối thương mại tự do để giết chết thủ tục chấp thuận EVFTA và EVIPA.”

Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) đều đã được Việt Nam và các đối tác EU ký kết. Tuy nhiên, các thỏa thuận này phải được Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn tại phiên họp toàn thể vào tháng 2 năm 2020 thì mới có hiệu lực.

Các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức dân chủ khẳng định hồ sơ nhân quyền của Việt Nam phải được cải thiện trước khi EU tiến hành phê chuẩn các hiệp định này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG