Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ cải thiện chất lượng của lương thực viện trợ cho các nước


Hoa Kỳ là nước cung cấp viện trợ lương thực nhiều nhất trên thế giới
Hoa Kỳ là nước cung cấp viện trợ lương thực nhiều nhất trên thế giới

Một bản phúc trình mới đề nghị thực hiện những thay đổi lớn trong những loại lương thực mà Hoa Kỳ viện trợ cho những nước bị đói kém trên thế giới. Những đề nghị này nhắm tới mục tiêu làm cho lương thực mà Hoa Kỳ viện trợ có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật của thông tín viên VOA Steve Baragona.

Hoa Kỳ là nước cung cấp viện trợ lương thực nhiều nhất trên thế giới, và theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USAID, trong năm vừa qua nước Mỹ đã giúp nuôi ăn 55 triệu người ở 46 quốc gia.

Sự trợ giúp này đã cứu được sinh mạng của hàng triệu người trong những năm qua. Tuy nhiên, theo giáo sư Patrick Webb của Đại học Tuft, viện trợ lương thực của Mỹ có một khuyết điểm là không chú trọng nhiều tới vấn đề dinh dưỡng.

Ông Webb nói: "Họ cứ nghĩ là hễ chúng ta đưa được lương thực tới nơi để giúp đỡ là đủ rồi. Nhưng thật ra, như chúng tôi đã lập luận và đã chứng tỏ, thì vấn đề không phải là như vậy. Không phải là viện trợ bất kỳ loại lương thực nào cũng được."

Ông Webb nói rằng điều này đặc biệt quan trọng đối với các em bé, là những người có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn trong 1.000 ngày đầu tiên sau khi ra đời. Trong một cuộc nghiên cứu được thực hiện theo sự ủy thác của USAID, giáo sư Webb và các đồng sự nêu lên sự kiện là tình trạng suy dinh dưỡng trong giai đoạn vô cùng quan trọng này – từ khi chào đời cho tới năm 2 tuổi, có thể tạo ra những tổn thương không thể sửa chữa được đối với sự tăng trưởng và phát triển não bộ của đứa bé. Điều đó ảnh hưởng tới khả năng học hỏi của đứa bé và rốt cuộc sẽ làm cho sức sản xuất của một nước bị hạ thấp.

Bản phúc trình đề nghị cung cấp thêm những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao hơn cho trẻ em dưới 2 tuổi và cho phụ nữ mang thai. Giám đốc USAID, ông Rajiv Shah, nói rằng phúc trình này có thể dẫn tới những sự thay đổi quan trọng.

Ông Shah nói: "Chúng tôi sẽ đặc biệt xem xét tới các đề nghị về việc cho thêm protein động vật vào thực phẩm ngõ hầu các em bé không những chỉ có đủ calorie mà còn có được những chất dinh dưỡng mà các em cần có để phát triển não bộ và khôn lớn."

Phúc trình cũng đề nghị gia tăng hàm lượng vitamin và khoáng chất trong các loại mễ cốc và dầu ăn. Đó là những sự thay đổi dễ dàng và có thể được cung cấp cho những người nhận viện trợ trong năm nay. Tuy nhiên, theo ông Stephen Moody, một chuyên gia về kỹ thuật thực phẩm của USAID, việc cho thêm protein động vật vào những loại thực phẩm dành cho trẻ em là một việc khó khăn hơn.

Ông Moody nói: "Điều không may là có những khó khăn về phương diện sản xuất, khi chúng ta xét tới những vấn đề như thời hạn bảo quản và giá thành sản xuất."

Ông Moody dự báo có thể phải mất hơn một năm để phát triển một sản phẩm mới trong đó protein động vật được thêm vào mà có thể đáp ứng những đòi hỏi cả về dinh dưỡng lẫn giá thành.

Bà Susan Shepherd, thuộc Hội Y Sĩ Không Biên Giới, nhận xét rằng phúc trình này chưa đạt yêu cầu.

Bà Shepherd nói: "Tôi hoàn toàn không thấy phúc trình này đưa ra một luận điểm mạnh mẽ về việc cải thiện phẩm chất của những loại thức ăn mà họ dự định cung cấp cho các em bé."

Bà Shepherd nói rằng mặc dù có thừa nhận giá trị của một số những loại thức ăn ăn liền có mức dinh dưỡng cao để trị chứng suy dinh dưỡng, nhưng bản phúc trình này vẫn tiếp tục lệ thuộc nhiều vào những loại mễ cốc được thêm chất dinh dưỡng và những loại bột đậu nành. Bà cho biết những sản phẩm này có giá rẻ hơn nhưng không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ em.

Bà Shepherd cũng nói rằng phúc trình này không có những hướng dẫn rõ ràng cho nhân viên cứu trợ về việc sử dụng các loại thực phẩm ăn liền.

Bà Shepherd nói tiếp: "Nếu tôi là một người làm việc ở thực địa và đọc bản phúc trình này thì tôi thấy nó là một văn kiện rất lộn xộn. Tôi không biết khi nào thì nên dùng những loại thực phẩm nào. Và nếu họ cứ tiếp tục đặt nặng vấn đề giá thành sản xuất thì các em bé này sẽ không bao giờ có được những gì mà các em cần có."

Tuy nhiên, các giới chức USAID cho biết họ đã áp dụng một số khuyến nghị trong bản phúc trình và bắt đầu nhận thấy những lợi ích của nỗ lực chống nạn suy dinh dưỡng một cách có hiệu quả hơn trong số những người thuộc khối người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG