Đường dẫn truy cập

Tuần hành chống kỳ thị ở Little Saigon: nhiều hưởng ứng nhưng cũng có dè bỉu


Đa số người Việt tuần hành chống kỳ thị người gốc Á ở Little Saigon là người trẻ
Đa số người Việt tuần hành chống kỳ thị người gốc Á ở Little Saigon là người trẻ

Nhiều người gốc Việt sinh sống ở vùng Little Saigon, bang California, đã xuống đường lên án nạn kỳ thị chống lại người gốc Á vào cuối tuần qua và được sự hưởng ứng của một số sắc dân bạn nhưng lại đối mặt với sự dè dặt, thậm chí là dè bỉu, của chính một số người Việt khác, theo tìm hiểu của VOA.

Sau nhiều cuộc biểu tình của các cộng đồng gốc Hàn, gốc Hoa chống lại nạn kỳ thị và bạo lực gia tăng nhắm vào người gốc Á ở Mỹ thì hôm thứ Bảy (3/4) đến lượt người gốc Việt tại Little Saigon, nơi được xem là ‘thủ đô’ của người Việt ở Mỹ, cũng xuống đường tuần hành ở công viên Miles Square Park.

Cuộc tuần hành đã thu hút trên 200 người tham gia, theo thông tin từ những người tổ chức, trong đó có những nhân vật nổi bật trong cộng đồng như luật Sư Phan Việt Thái, nghị viên Santa Ana (Dân chủ), nghị viên Diedre Thu Hà Nguyễn (Dân chủ) của Garden Grove, luật sư Đỗ Phủ, bác sĩ Mai Khanh cùng lãnh đạo của hiệp hội ngành nail của người Việt như các ông Tâm Nguyễn, Ted Nguyễn, và Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cộng đồng người Việt Quốc gia miền Nam California, Tạ Trung.

‘Khiến những kẻ kỳ thị e dè’

Ông Tạ Trung, người đứng ra điều phối cuộc tập hợp với các bạn trẻ trong cộng đồng, cho VOA biết cuộc tập hợp này ‘không liên quan gì đến Cộng đồng người Việt Quốc gia miền Nam California’ và ông ‘tham gia với tư cách cá nhân’.

Theo lời ông thì ý tưởng về cuộc tuần hành này ‘đã không có sự hưởng ứng của các lãnh đạo cộng đồng người Việt ở miền Nam California’.

“Cách nay bốn tuần tôi có gửi email cho các lãnh đạo Cộng đồng người Việt Quốc gia miền Nam California và Cộng đồng người Việt Nam California để đề xuất các vị chủ tịch điều hành có cuộc tuần hành cất liên tiếng nói chống lại sự kỳ thị người châu Á,” ông Trung nói và cho biết ‘không hề nhận được phản hồi gì hết’.

Do đó, cuối cùng ông và những người có cùng chung ý kiến ‘quyết định làm’ dù không có sự bảo trợ của các lãnh đạo cộng đồng.

Về lý do tổ chức hành động xuống đường này, ông Trung nói: “Trong đại dịch COVID-19, với sự khuyến khích gián tiếp của cựu Tổng thống Donald Trump nên những người theo chủ nghĩa da trắng tự tôn đã nổi dậy ngày một mạnh mẽ khiến sự kỳ thị người châu Á gia tăng rất là cao, trong đó có người Việt đã là nạn nhân.”

“Sau vụ xả súng ở Atlanta, người dân trong cộng đồng gốc Việt rất lo lắng cho nên cần cộng đồng lên tiếng nói để trấn tĩnh họ lại,” ông nói thêm.

“Nếu mình không làm, không lên tiếng, thì những kẻ đó thấy cộng đồng mình yếu quá thì thay vì tấn công cộng đồng gốc Hoa, gốc Đại Hàn, họ phải né vì người ta đã lên tiếng và nhằm vào người Việt,” ông giải thích và bác bỏ lập luận cho rằng xuống đường biểu tình không có tác dụng.

Ông cho biết các lãnh đạo cộng đồng cũng ra những tuyên bố lên án và làm việc với chính quyền các cấp từ liên bang, tiểu bang cho đến thành phố để giải quyết vấn nạn này nhưng ‘nếu nhiều cách làm đi cùng với nhau thì sẽ có tính cộng hưởng, hiệu quả sẽ rất cao’.

‘Thân cộng sản’

Ông Trung lưu ý là mặc dù thông tin về cuộc tập hợp này được thông báo rộng rãi và ‘bất cứ ai cũng được hoan nghênh tham gia’ nhưng ‘không có vị dân cử gốc Việt nào bên Đảng Cộng hòa tham gia’.

Ông khẳng định mặc dù những người đứng ra tổ chức cuộc tuần hành theo xu hướng Dân chủ nhưng ‘đây là vấn đề bảo vệ cộng đồng, không phải vấn đề đảng phái’.

“Đây là nhiệm vụ của tất cả mọi người, ai đặt vấn đề đảng phái là sai lầm,” vị kỹ sư này phê phán.

Theo lý giải của ông thì ‘do trong cộng đồng người Việt có rất đông người ủng hộ cựu Tổng thống Trump’ nên ‘nếu họ xuống đường lên án việc kỳ thị thì vô hình chung họ nhận là ông Trump có lỗi trong việc này’.

Theo lời ông kể thì khi đoàn người tuần hành quanh công viên hô khẩu hiệu, ‘có những người Mỹ trắng chạy xe ngang qua họ bóp còi hưởng ứng’ nhưng ‘cũng có một số người tới hô khẩu hiệu ủng hộ ông Trump để phản đối cuộc tuần hành’.

Ông nói điều làm ông rất thắc mắc là ‘không hiểu tại sao có những người Việt chỉ trích những người tuần hành chống kỳ thị là cộng sản, là chủ nghĩa xã hội’.

Theo lời vị kỹ sư này thì trong thành phần đoàn tuần hành có người thuộc các sắc dân châu Á khác, người gốc Latin và người Mỹ trắng đến ủng hộ người gốc Việt. Bên cạnh nhiều bạn trẻ thì cũng có những người Việt lớn tuổi tham gia vì ‘các bạn trẻ ra đường là để bảo vệ người lớn tuổi’.

Ông cho biết đến cuối tuần này sẽ có một sự kiện chống kỳ thị của ‘những người bên Đảng Cộng hòa’. “Bất cứ ai muốn có hành động chống kỳ thị thì tôi rất hoan nghênh,” ông Trung nói.

“Hy vọng sau các cuộc tuần hành này thì các tổ chức khác lại tiếp tục tổ chức những buổi nói chuyện hay gặp gỡ để nói lên tiếng nói của cộng đồng người Việt,” ông bày tỏ.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA cách nay không lâu, ông Phát Bùi, chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Nam California, bày tỏ sự nghi ngờ đối với hiệu quả của việc xuống đường tuần hành chống kỳ thị.

“Nếu có biểu tình ở Little Saigon đi nữa thì cũng chỉ là gióng lên tiếng chuông đối với chính quyền sở tại mà thôi,” ông nói và cho rằng việc làm việc trực tiếp với các cấp chính quyền ‘có hiệu quả hơn’.

Còn ông Đỗ Văn Hội, cựu chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia liên bang Hoa Kỳ từ năm 2012-2018 và hiện là cố vấn cộng đồng, nói với VOA rằng ‘biểu tình rất dễ có kẻ xấu trà trộn gây ra chuyện này chuyện kia, có thể đổ máu bất lợi’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG