Đường dẫn truy cập

Trump yêu cầu truy thu người bảo lãnh nếu người được bảo lãnh nhận trợ cấp chính phủ


Tổng thống Trump phát biểu tại một buổi lễ ngày 11/6/2019 tại thành phố West Des Moines, tiểu bang Iowa.
Tổng thống Trump phát biểu tại một buổi lễ ngày 11/6/2019 tại thành phố West Des Moines, tiểu bang Iowa.

Tổng thống Donald Trump tháng trước loan báo sẽ chỉ thị các cơ quan liên bang thực thi quy định lâu nay yêu cầu những người mở hồ sơ bảo lãnh thân nhân sang Mỹ định cư phải hoàn trả lại chính phủ Mỹ bất kỳ phúc lợi xã hội nào mà người được bảo lãnh thụ hưởng, bao gồm tem phiếu thực phẩm SNAP, chương trình bảo hiểm sức khỏe Medicaid, hay chương trình bảo hiểm sức khỏe cho trẻ em CHIP.

Văn kiện hướng dẫn của Tổng thống ghi rõ: “Những người bảo trợ tài chính cam kết hỗ trợ tài chính cho một người từ bên ngoài được bảo lãnh vào Mỹ, trong trường hợp người được bảo lãnh xin hay nhận các phúc lợi công thì người bảo trợ tài chính phải hoàn thành cam kết của họ theo luật định.”

Bản hướng dẫn này muốn siết chặt luật cải tổ trợ cấp xã hội năm 1996 mà Tòa Bạch Ốc cho là chưa được thực thi nhất quán. Điều luật đó yêu cầu người bảo lãnh ký giấy tờ cam kết chịu trách nhiệm về các nhu cầu tài chính của người được bảo lãnh và nếu người được bảo lãnh lãnh bất kỳ chương trình trợ cấp xã hội nào, người bảo lãnh phải hoàn tiền lại cho chính phủ. Nếu người bảo lãnh không thể chi trả, khoản nợ đó sẽ được chuyển sang cơ quan chuyên truy thu nợ nần.

Tổng thống Trump chỉ thị chính quyền của ông, trong 90 ngày kể từ hôm ký bản hướng dẫn hôm 23/5, phải đề ra các khung quy định để quyết định người bảo lãnh nào cần phải hoàn trả cho chính phủ liên bang những khoản mà chính phủ đã chu cấp cho những người được bảo lãnh mà nhận trợ cấp công. Nếu người bảo lãnh không trả đúng kỳ hạn, họ sẽ mất khả năng bảo lãnh, nghĩa là hàng ngàn gia đình có thể bị chia cắt.

Luật sư Di trú Khanh Phạm từ Texas cho VOA Việt ngữ biết theo luật định trước nay, người bảo lãnh phải có trách nhiệm tài chính với người được bảo lãnh trong 10 năm đầu hoặc tới khi người được bảo lãnh có quốc tịch Mỹ.

Kế hoạch của Tổng thống Trump tăng cường thực thi luật này được xem là nhằm hạn chế nhập cư hợp pháp dựa theo các mối quan hệ gia đình gây ra gánh nặng cho xã hội Mỹ mà chú trọng đến nhập cư dựa theo ‘năng lực’ và sự ‘xứng đáng’.

Các nhà bảo thủ từ lâu đã bày tỏ quan ngại về việc những người không phải công dân Mỹ được tiếp cận những phúc lợi công cộng. Họ cho rằng việc này làm cạn kiệt nguồn lực và tạo gánh nặng lên vai người thọ thuế.

Những người khác thì cho rằng việc triệt để thực thi, theo chỉ thị của Tổng thống Trump, sẽ ngăn cản những người nhập cư được sử dụng các dịch vụ theo quyền lợi của họ.

Chị Hà Nguyễn, một người hiện đang sinh sống ở ngoại ô thủ đô Washington và có 2 con nhỏ bày tỏ với VOA: “Tôi nghĩ rằng, sẽ có rất nhiều người mới bảo lãnh con cái qua như tôi nhưng lại không có thu nhập cao sẽ lo sợ con cái mình không được tham gia vào những chương trình chăm sóc sức khỏe cần thiết, các chương trình học đường, chương trình dinh dưỡng trẻ em, những chương trình giúp cho người dân sống khỏe mạnh và có thể đi làm…”

Đối với những người đang chờ đợi bảo lãnh người thân qua Mỹ thì đề nghị này sẽ ‘công bằng hơn’ khi những người đứng ra bảo lãnh thân nhân sẽ được hoàn tiền thuế hàng năm một cách phù hợp.

Chị Emily Nguyễn, một phụ nữ gốc Việt đang chờ bảo lãnh bố mẹ từ Việt Nam qua cho VOA biết thêm: “Hàng năm vợ chồng tôi đi làm đã đóng thuế liên tục và đều đặn cho cả liên bang và tiểu bang. Giờ đây, khi bố mẹ tôi được bảo lãnh qua, họ đã lớn tuổi không thể đi làm, tự sống mà trách nhiệm đặt toàn bộ lên vai vợ chồng tôi, thì đề nghị khi khai thuế đầu năm chúng tôi phải được trả lại số tiền tương đương với 2 người phụ thuộc. Theo tôi như vậy mới công bằng. Nếu không, vừa phải đóng thuế, vừa phải nuôi bố mẹ thì quả là một gánh nặng quá lớn.”

Theo quan điểm của những người đưa ra đề xuất này thì một người nước ngoài vào Mỹ nhận phúc lợi công cộng từ tiền thuế, và việc các chương trình phúc lợi sẵn có có thể tạo ra động cơ khiến người nước ngoài mong muốn sang định cư ở Mỹ. Đó là chưa kể đến những lạm dụng sinh ra những bất công, như lời anh Quân Phạm, một người sinh sống lâu năm tại tiểu bang Virginia.

“Tôi đã từng chứng kiến nhiều người cố tình khai bệnh tật hay tâm thần bằng nhiều cách khác nhau, dù họ không có bệnh tật gì hết để hưởng các khoản phúc lợi xã hội. Tôi cũng đã chứng kiến nhiều người nhận tem phiếu thực phẩm miễn phí hàng tháng nhưng bản thân họ vẫn đi làm lấy tiền mặt hàng tuần. Cộng cả hai loại tem phiếu thực phẩm miễn phí và tiền mặt trốn thuế đi làm hàng tuần, thu nhập của họ còn cao hơn một người lao động bình thường tại Mỹ. Tôi hy vọng những đề nghị mới này sẽ hạn chế được những trường hợp không xứng đáng như vậy để những người thực sự cần thiết những gói trợ cấp đấy được hưởng. Hơn thế cũng trả lại sự cộng bằng cho những người đi làm đóng thuế tại Mỹ,” anh Quân chia sẻ.

Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật, và Y học Quốc gia Hoa Kỳ cho biết năm 2017 có 5,5% hộ nhập cư có trẻ em đã nhận được hỗ trợ tiền mặt so với 6,3% hộ bản xứ; 4% hộ nhập cư sử dụng trợ cấp nhà ở so với 5% hộ bản xứ; và khoảng 46% hộ nhập cư dùng bảo hiểm sức khỏe Medicaid so với 34% hộ bản xứ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG