Đường dẫn truy cập

Tranh chấp hối suất Mỹ-Trung Quốc (2)


Tranh chấp hối suất Mỹ-Trung Quốc (2)
Tranh chấp hối suất Mỹ-Trung Quốc (2)

Liệu tranh chấp hối suất có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại qua hệ thống thuế xuất-nhập không? Cứ một món hàng bán từ nhà máy sản xuất ở Trung Quốc ra trị giá một thì khi sang đến Mỹ sẽ bán lẻ với giá gấp từ 3 đến 4. Số chênh lệch đó gọi là “giá trị gia tăng,” (value-added), thuộc về các công ty mẹ và các nhà tiếp thị ở Mỹ. Họ đã đem hàng từ Trung Quốc về bán cho dân tiêu thụ, kiếm lời và trả lương cho công nhân ở Mỹ, đóng thuế cho chính phủ Mỹ.

Nếu món hàng không còn bán được nữa, người Trung Quốc sẽ bị thiệt một, còn người Mỹ sẽ bị thiệt mất 2 đến 3 lần! Vì thế, khó có thể tin là chính phủ Mỹ sẽ sử dụng võ khí mà Quốc hội sẽ trao cho, là kết án Trung Quốc trợ cấp hàng xuất để đánh thuế nhập, gây ra một cuộc chiến tranh thương mại. Việc Hạ viện Mỹ bỏ phiếu cho dự luật vừa qua có hậu ý chính trị nhiều hơn là kinh tế. Tại Thượng viện, chắc sau tháng 11 mới đem dự luật này ra bàn. Dự luật này sẽ khó được thông qua, mặc dù hiện nay có những nghị sĩ đang đưa ra những dự luật tương tự nhưng chưa chắc gì sẽ được biểu quyết. Tuy nhiên, dự luật được Hạ Viện Mỹ thông qua cũng sẽ có tác dụng là làm cho Bắc Kinh cảm thấy dân Mỹ đang nóng lòng muốn Bắc Kinh phải hành động mạnh hơn trong vấn đề hối suất. Nhưng hai bên đã tham dự trò chơi đấu trí này từ 3,4 năm nay rồi.

Năm 2006, cũng trong một năm có bầu cử giữa nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ, đảng Cộng hòa đang kiểm soát Quốc hội và cũng có những dự luật “trừng phạt” Trung Quốc về hối suất như năm nay. Nhưng chính quyền của Tổng thống Gorges W. Bush đã phản đối các dự luật này vì đi ngược lại với chủ trương kinh tế đề cao tự do thương mại toàn cầu. Phần lớn các công ty lớn ở Mỹ cũng chống lại các biện pháp trừng phạt thương mại bằng cách tăng thuế nhập cảng. Có 30 nhóm ký chung lá thư gửi cho bà Pelosi xin đừng thông qua dự luật. Nhưng năm nay Hạ viện cứ tiếp tục ồn ào, trong khi chính phủ Barack Obama không tuyên bố ủng hộ hay chống đối mặc dầu cũng muốn hỗ trợ các dân biểu Dân chủ trong mùa tranh cử rất khó khăn này. Các công đoàn, chỗ dựa của đảng Dân chủ thì hoàn toàn ủng hộ các biện pháp “trừng phạt” Trung Quốc về hối suất. Mặt khác, khi tranh cử năm 2008, ông Obama đã hứa sẽ mạnh tay hơn khi đối đầu với Trung Quốc!

Chính quyền Obama có thể muốn nhân cơ hội này tạo thêm áp lực khiến Bắc Kinh phải mạnh tay hơn trong việc nâng cao giá đồng nguyên của họ, điều mà trước đây ông Bush vẫn kêu gọi. Từ tháng 6 vừa qua, đồng nguyên đã được thả cho tăng giá 2%, nhưng đối với người Mỹ thì chưa đủ. Ông Geitner, nhân vật số 1 trong nền kinh tế tế Mỹ, tuy không nói rõ nhưng để cho mọi người quan tâm đoán rằng nước Mỹ hy vọng đồng nguyên có thể tăng giá 20% trong một tương lai gần.

Tổng thống Mỹ khi qua Nam Triều Tiên dự hội nghị G-20 chắc sẽ nêu lên vấn đề hối suất đồng nguyên, và nhiều nước sẽ hỗ trợ Mỹ. Nhật Bản ngày càng tỏ ra không thân thiện với Trung Quốc. Khi Bắc Kinh bỏ tiền dự trữ ra mua một số lớn công trái của chính phủ Nhật khiến đồng yen lên giá, Tokyo đã công khai đặt câu hỏi nghi ngờ về ý đồ Trung Quốc. Tháng 1 năm tới, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào sẽ thăm Washington. Từ nay tới đó, có thể Bắc Kinh sẽ chịu cho đồng nguyên tăng giá thêm một cách vừa phải đủ để làm vui lòng các nhà chính trị Mỹ.

Trong dài hạn, vấn đề hối suất trên thế giới cũng như tương lai mậu dịch quốc tế sẽ chịu những tác động nào còn là những ẩn số tùy thuộc vào nhiều nhân tố cả chính trị lẫn kinh tế. Trong ngắn hạn, Trung Quốc hẳn sẽ nới hối suất thả cho tự do “có chừng mực”, bảo đảm kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng, và làm sao không có xáo trộn hầu giữ ổn định xã hội vốn rất phức tạp. Như vậy, đồng nguyên sẽ tăng giá một cách tiệm tiến. Trong trường hợp này, Việt Nam phải tiên liệu thế nào để có những phản ứng kinh tế thích hợp?

Xin nhắc, Việt Nam mới đây phá giá tiền đồng (VND). Nếu đồng nguyên tăng giá, VND càng mất giá, có thể lượng hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm, và hàng Việt Nam xuất qua Trung Quốc sẽ tăng. Sự cố này khiến cán cân nhập siêu từ Trung Quốc, vốn từ 80-90% tổng lượng nhập siêu của Việt Nam, được nới ra. Nhưng VND mất giá có tác động đẩy mức lạm phát cuối năm nay và nhất vào dịp Tết âm lịch lên cao. Vừa rồi, Nhà nước lại đề ra chính sách giảm lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp tiếp tục sản xuất sau một thời gian bị đình trệ vì thiểu vốn kinh doanh. Kích cầu như thế, lạm phát càng tăng, vật giá rồi sẽ leo thang khiến đời sống lớp người có thu nhập trung bình và dưới trung bình hẳn mỗi ngày một cơ cực.

Cũng lưu ý một khả năng đã từng được phát hiện: vì núi liền núi sông liền sông nên chi phí vận chuyển thấp, và với khẩu hiệu môi hở răng lạnh, hàng Trung Quốc được chuyển qua Việt Nam, dán nhãn hiệu made in VN, rồi bán cho một nước thứ ba. Trung Quốc vẫn bán được hàng với VND giá thấp, thu lợi nhuận về, và Việt Nam thì ngoài những chấm mút dễ hiểu, có được số liệu thống kê đã tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu, tạo điều kiện để dễ vay vốn nước ngoài, vv. Nhưng ai cũng biết, số liệu thống kê không là của cải thật, và hẳn chẳng thể làm cho dân giàu nước mạnh lên được.

Nhà nước Việt Nam nên huấn dụ những cơ quan chức năng như Hải quan, Thuế vụ…rằng khả năng “qua mặt” thế giới kiểu nói trên là vi phạm thể chế điều hành WTO, sẽ bị kiện tụng, tai tiếng… và nếu rồi chẳng ai dám chơi với mình nữa thì cái chủ trương “hội nhập”vào thế giới chỉ còn là niềm mơ tưởng. Chỉ đạo? Lại trên nói dưới không nghe, chủ trương đúng đắn nhưng thực hiện sai. Chỉ đạo chắc không thể thắng được văn hóa phong bì, chúng ta đều biết vậy.

Nhưng cán cân thương mại Mỹ thâm hụt quá lớn cũng chỉ là một phần nhỏ trong vấn đề lớn hơn là kinh tế cả thế giới mất cân bằng. Giải quyết được đại nạn này là phân bố lại quyền lực chính trị và đằng sau nó, quyền lực kinh tế trong bối cảnh quốc tế. Điều này không thể một sớm một chiều mà tạo được một trật tự mới. Không phải chỉ có nước Mỹ mới quan tâm mà chính ông Ôn Gia Bảo đã bày tỏ trong một hội nghị kinh tế quốc tế ở Thiên Tân giữa tháng 9 rằng : “ Kinh tế Trung Quốc không thăng bằng, thiếu phối hợp, và công cuộc phát triển không vững chắc lâu dài.”

Ở một tầm sâu hơn, có lẽ rồi một ngày dân cư trên trái đất chúng ta phải đặt vấn đề xã hội - tiêu thụ như mục tiêu tối hậu của mọi nền kinh tế lên bàn mổ. Và hội chẩn tìm thứ phẫu thuật có khả năng chữa lành cho một cơ thể toàn cầu đang bị hủy hoại vì ô nhiễm, vì lạm dụng tài nguyên, vì phó mặc cho những nước nghèo trên bước đường cùng mà khả năng tồn tại là sinh đẻ như phương sách bảo hiểm cho nòi giống khỏi tiêu vong.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG