Đường dẫn truy cập

Tranh cãi về con số tử vong ở miền tây Miến Ðiện


Ông U Ye Htut, Phát ngôn viên tổng thống Miến Điện, nói rằng dân làng có lẽ đã thổi phồng câu chuyện bởi vì họ can tội giết chết một cảnh sát viên
Ông U Ye Htut, Phát ngôn viên tổng thống Miến Điện, nói rằng dân làng có lẽ đã thổi phồng câu chuyện bởi vì họ can tội giết chết một cảnh sát viên
Chính phủ Miến Ðiện tiếp tục bác bỏ những tin tức nói rằng ít nhất 24 người đã bị giết trong một vụ bạo động có liên quan đến người thiểu số Rohingya vùng tây bắc hẻo lánh hồi đầu tháng này. Thông tín viên VOA Gabrielle Paluch tường thuật rằng các tổ chức nhân quyền và các hãng thông tấn tường thuật có hàng chục người Rohingya chết trong một vụ đàn áp của lực lượng an ninh khiến Ðại sứ quán Hoa Kỳ lo ngại.

Chi tiết vẫn còn chưa rõ rệt về vụ việc xảy ra hồi sáng sớm ngày 14 tháng 1. Dân địa phương nói họ đã bị nhân viên an ninh nhắm làm mục tiêu một cách bất công, và sau đó bị một đám đông lôi ra khỏi nhà. Nhưng chính phủ nhất mực nói rằng một cảnh sát viên bị dân làng bắt cóc và có thể đã bị giết.

Kể từ sau đó, các tổ chức nhân quyền đã phỏng vấn những người nói rằng có tới 60 người, gần như toàn là người sắc tộc Rohingya, bị thiệt mạng khi lực lượng an ninh và dân làng sắc tộc Rakhine trả đũa về vụ bắt cóc. Chính phủ nói những người Rohingya còn sống nhưng đã bỏ chạy khỏi làng sau cái chết của viên cảnh sát.

Phát ngôn viên Tổng thống, ông Ye Htut nói dân làng có lẽ đã thổi phồng câu chuyện bởi vì họ can tội giết chết một cảnh sát viên.

Ông nói: “Không ai ngoại trừ viên trung sĩ cảnh sát bị mất tích trong vụ việc đó. Ðấy là lý do vì sao chúng tôi đang cố gắng tìm ra xác và xem ai là người phạm tội ác. Không có thường dân nào từ Rakhine hay Bengali bị mất tích trong tai nạn đó, bởi vì cảnh sát đã tự chế không nổ súng vào đám đông và họ chỉ rút ra khỏi làng.”

Hoa Kỳ và các chính phủ nước ngoài đã kêu gọi nhà cầm quyền Miến Ðiện điều tra những cái chết và sách nhiễu dân làng theo lời cáo buộc. Ông Ye Htut nói họ đự định điều tra cái chết của viên trung sĩ cảnh sát.

Nghị viên địa phuơng Shwe Maung nói với ban Miến Ðiện đài VOA rằng ông đã thấy những báo cáo trái ngược nhau về những gì đã xảy ra, nhưng một số báo cáo cho thấy có xảy ra một vụ bạo động và cướp của. Ông nói ông đã không thể đến tận ngôi làng, và chỉ dựa vào các báo cáo của người địa phương.

Ông nói một nhóm dân làng đã bắt một cảnh sát viên là U Aung Kyaw Thei, thuộc một nhóm cảnh sát đi tuần. Sau đó, họ đánh đập ông ta và 4 cảnh sát viên đã trốn thoát. Vào nửa đêm, ông nói cảnh sát đã trở lại ngôi làng và đi tìm viên sĩ quan cảnh sát. Ngày hôm sau, một nhóm dân làng Rakhine cũng đến ngôi làng đó và cướp của.

Hãng Associated Press và các thông tấn xã khác loan tin có nhiều người chết trong vụ việc này. Bộ Thông tin Miến Ðiện sau đó đã nêu thắc mắc về câu chuyện của AP và nói họ e rằng các bản tin sai lạc có thể gây thêm bạo lực.

Hãng Associated Press đã ra một thông cáo nói rằng họ tin là câu chuyện được tường thuật một cách chính xác. Hãng tin này cũng kêu gọi chính phủ cho phép ra vào khu vực này dễ dàng hơn.

Như những tin tức trước đây về bạo lực ở các vùng hẻo lánh thuộc bang Rakhine của Miến Ðiện, rất khó xác nhận được các sự kiện bởi vì chính phủ hạn chế sự tiếp cận của người ngoài.

Nhà nghiên cứu kỳ cựu về Miến Ðiện của tổ chức Human Rights Watch, ông David Mathieson, nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Bangkok hôm nay rằng sự hiểu lầm về những gì đã xảy ra là một kết quả trực tiếp của các chính sách nhà nước.

Ông Mathieson nói: “Họ giấu diếm nhiều thứ. Họ che giấu những gì họ đã làm ở Maundgaw và Buthitaung từ mấy chục năm rồi. Ðây chỉ là một câu chuyện buồn khác trong những gì ta biết đã diễn ra từ t0 năm. Chủ yếu là họ đã khóa chặt các thị trấn đó và giữ mọi người ở đấy trong một tình trạng khốn khó đến nỗi phải ra đi.”

Ông Mathieson nói các nhà nghiên cứu tin rằng có xảy ra một vụ xung đột ác liệt, nhưng họ còn đang cố gắng xác định xem chính xác điều gì đã xảy ra và có bao nhiêu người đã chết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG