Đường dẫn truy cập

Trần Quốc Vượng có phải là nhân vật bảo thủ?


Ông Đinh Thế Huynh và ông Trần Quốc Vượng (phải).
Ông Đinh Thế Huynh và ông Trần Quốc Vượng (phải).

Phạm Chí Dũng

Lo ngại

Sự kiện ông Trần Quốc Vượng được bổ nhiệm làm Thường trực Ban bí thư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương vào tháng Ba năm 2018, và trong thực tế vươn lên thành chính khách “dưới một người, trên vạn người” - quyền lực thứ hai chỉ sau tổng bí thư, đang khiến dấy lên những lo ngại về tương lai ông Vượng sẽ theo chân ông Nguyễn Phú Trọng để trở thành một nhà bảo thủ Mác xít - Lê nin nít.

Cơ sở đáng thuyết phục nhất của luồng dư luận trên là Trần Quốc Vượng được chính Nguyễn Phú Trọng chọn lựa, và do vậy ông Vượng phải là một người bảo thủ đặc sệt như cái cách mà ông Trọng đã từng chọn Đinh Thế Huynh - nhân vật đang “nghỉ chữa bệnh dài hạn” - làm Thường trực Ban bí thư.

Cho tới nay, chưa có gì chứng tỏ Trần Quốc Vượng không phải hoặc sẽ không trở thành một nhà bảo thủ.

Nhưng cũng chưa có gì cho thấy Trần Quốc Vượng sẽ là một nhân vật bảo thủ “sao y bản chánh” của Nguyễn Phú Trọng.

Đối với giới chóp bu Việt Nam, một trong những cách để đánh giá về quan điểm và hành động có thể của họ là phương pháp so sánh phát ngôn.

Kín tiếng

Mang học hàm giáo sư ngành Mác - Lê, Nguyễn Phú Trọng luôn miệt mài và trung thành với hệ tư tưởng này. Trong nhiều diễn văn chính thức và phát biểu ngoài lề, ông Trọng luôn nhấn mạnh về “chủ nghĩa xã hội’, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, thậm chí còn tự hỏi “đến hết thế kỷ này không biết có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” mà đã bị nhiều người ví như một trạng thái “hoang tưởng chính trị”. Ông Trọng cũng đã viết và xuất bản vài ba cuốn sách về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…

Trong khi đó, Đinh Thế Huynh đã trở thành “thái tử đảng” trước cả Trần Quốc Vượng một thời gian dài. Vào lúc ông Vượng còn là Chánh văn phòng trung ương đảng và sau đó làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông Huynh đã trở thành Thường trực Ban bí thư và đã lặp lại khoảng 50% tư tưởng của Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội, ít nhất trên phương diện phát ngôn. Cũng bởi thế và nếu không bị một “phốt” nào đó, Đinh Thế Huynh hẳn vẫn yên vị ở ghế thường trực Ban bí thư vào lúc này và đang chờ cơ hội để ngồi vào ngôi tổng bí thư nếu Nguyễn Phú Trọng nghỉ.

Nhưng Trần Quốc Vượng lại chưa có phát ngôn nào, cũng chưa có hành động nào thể hiện tính chất đặc sệt chủ nghĩa xã hội cùng “lâu đài cát” của Nguyễn Phú Trọng.

Hoàn toàn mờ nhạt ở cương vị Chánh văn phòng trung ương đảng - nơi vẫn bị dư luận xem là “điếu đóm”, cũng không hề nổi bật hơn trên cương vị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Trần Quốc Vượng được xem là nhân vật “ngoan hiền dễ bảo” mà từ đó được ông Trọng chọn vào bộ Chính trị khóa 12 vào đầu năm 2016.

Ngoại hình mang dáng dấp thư sinh cùng gương mặt có nét nho nhã như thày đồ của Trần Quốc Vượng cũng khiến toát lộ phần nào năng lực “bảo sao làm vậy” của ông.

Tuy nhiên lý do vì sao Nguyễn Phú Trọng lại “đặt” Trần Quốc Vượng vào ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương thì tới nay vẫn có phần khó hiểu, nếu so với bề dày thành tích còn quá mỏng của ông Vượng thời còn phụ trách ngành kiểm sát.

Có đánh giá cho rằng tại đại hội 12, Nguyễn Phú Trọng phải tranh hùng với thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng nên đành chọn một đội hình nhân sự tạm bợ cho mình, trong đó có cái tên Trần Quốc Vượng. Vị trí của ông Vượng ở Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng bởi thế không mấy bền ổn…

Từ giữa năm 2016 khi bắt đầu phát hiệu lệnh “việc cần làm ngay” và chiến dịch được xem là “chống tham nhũng”, có những dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng bắt đầu dành mối quan tâm đặc biệt cho vai trò và quyền lực của Ủy ban Kiểm tra trung ương - có thể xem là mô phỏng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương ở Trung Quốc với người phụ trách ban này là Vương Kỳ Sơn, cánh tay mặt của Tập Cận Bình.

Sang năm 2017, vào lúc Trần Quốc Vượng lập chiến công đầu tiên cho Nguyễn Phú Trọng bằng một bản báo cáo kết luận kiểm tra về những sai phạm “rất nghiêm trọng” của ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào thời ông Thăng còn là chủ tịch hội đồng thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN), vai trò của cá nhân ông Vượng và của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã được nâng hẳn lên.

Trong năm 2017, Ủy ban Kiểm tra trung ương là cơ quan duy nhất được Nguyễn Phú Trọng khen ngợi công khai “làm việc gì ra việc nấy”. Đến đầu năm 2018 thì Trần Quốc Vượng chính thức được ông Trọng bổ nhiệm thay Đinh Thế Huynh làm Thường trực Ban bí thư.

Tuy nhiên, Trần Quốc Vượng lại là nhân vật không nói nhiều, hoặc ít thể hiện chính kiến, và có vẻ rất biết cách kín tiếng để “giữ mình”.

Khác với Nguyễn Phú Trọng và Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng có vẻ ít đề cập và hô hào về chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng phát ngôn cũng chỉ là một trong những yếu tố nhằm đoán định Trần Quốc Vượng về thực chất là nhân vật mang quan điểm đậm đặc bảo thủ hay không.

Ngành luật?

Còn một chi tiết, tuy không nổi bật, nhưng có lẽ khá quan trọng để đánh giá thêm về “tư tưởng” Trần Quốc Vượng: khác với Nguyễn Phú Trọng xuất thân từ ngành Mác- Lê, ông Vượng lại tốt nghiệp thạc sỹ luật.

Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, chuyên ngành luật học là một khuyến khích, đồng thời là một yêu cầu bắt buộc đối với các công chức thuộc ngành nội chính và tư pháp ở Việt Nam. Vì thế đã diễn ra một phong trào nhiều quan chức đổ xô đi học luật ở các trường đại học Luật Hà Nội và TP.HCM. Theo đó và một cách tự nhiên, song trùng với việc “tụng” Mác - Lê, các quan chức này ít nhiều đã tiếp cận với tư tưởng nhà nước pháp quyền phương Tây, từ đó tạo nên một bộ phận quan chức được xem là thực tế và thực dụng hơn giới chuyên viết đảng văn, để khi nào có cơ hội thì những quan chức học chuyên ngành luật có thể trở thành những người có đôi chút khuynh hướng “kỹ trị”.

Có thể tham khảo thêm là đã có một luồng dư luận nhỏ cho rằng Trần Quốc Vượng có thể là một nhân vật mang hơi hướng kỹ trị, nếu chân đứng của chính thể độc đảng ở Việt Nam bị suy đảo.

Từ trước đến nay, mật độ phát ngôn của Trần Quốc Vượng về những gì liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến “chủ nghĩa xã hội” có thể ở mức trung bình thấp so với mặt bằng phát ngôn về chủ đề này của giới quan chức cao cấp.

Ngay cả khi đã được xem là nằm trong danh sách “tứ trụ” không chính thức vào năm 2017, Trần Quốc Vượng vẫn ít nói hoặc kín tiếng đến nỗi chỉ như “đọc bài” trong những lần đề cập về “quyết tâm chống tham nhũng của tổng bí thư”.

Ở vào tuổi 65, tương lai Trần Quốc Vượng vẫn còn nằm phía trước. Kết quả định tính và định lượng về con người này cũng có thể thay đổi theo thời gian cùng những tình huống bất ngờ xảy đến trong bóng hoàng hôn của lịch sử triều đại chính trị.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG