Đường dẫn truy cập

Tín đồ Chăm Bàni ở Việt Nam bức xúc khi tôn giáo của họ bị đồng nhất với Hồi giáo


Một sự kiện tôn giáo của người Chăm Bàni ở Việt Nam. Photo Luu Hoang Diep
Một sự kiện tôn giáo của người Chăm Bàni ở Việt Nam. Photo Luu Hoang Diep

Các tín đồ Chăm Bàni ở Việt Nam bày tỏ bức xúc khi chính quyền không công nhận tôn giáo của họ và tôn giáo này bị gộp chung với Hồi giáo.

Vào những tháng đầu năm 2021, khi các tín đồ Bàni ở các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đi làm căn cước công dân, họ không được chọn Bàni là tôn giáo riêng của họ mà phải khai là theo đạo Hồi (Islam) hoặc tôn giáo khác.

Tín đồ Chăm Bàni ở Việt Nam bức xúc khi tôn giáo của họ bị đồng nhất với Hồi giáo
please wait

No media source currently available

0:00 0:07:51 0:00
Tải xuống


Ông Lưu Hoàng Điệp, một tín đồ Bàni sinh ra và lớn lên ở Bình Thuận, nói với VOA:

“Khi mình đi làm căn cước công dân, trong phần mềm không có tôn giáo Bàni, thay vào đó, họ ghi là “Hồi giáo,” hoặc “khác” nên đa số bà con đành phải chọn là “khác”.

“Đa số bà con muốn có tôn giáo Bàni riêng, có tên là Bàni, chứ không bị gộp vô Hồi giáo.”

“Đa số người dân phản đối, có người gửi đơn thu thập chữ ký gửi lên trung ương, có người đăng bài phản đối lên Facebook,” ông Lưu Hoàng Điệp cho biết thêm.

Tài liệu trên trang web của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam ghi nhận sự tồn tại của cộng đồng Chăm theo đạo Hồi và Chăm Bàni. Trang này viết: “Chăm Bàni chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo Bàlamôn và tín ngưỡng bản địa với chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng đa thần, có yếu tố dân tộc mang tính vượt trội.”

Tuy nhiên, theo các tín đồ Chăm Bàni, tôn giáo của họ không được nhà nước công nhận như đạo Phật hay Công giáo. Và thực tế là những người theo đạo Bàni bị nhà nước gộp chung với những người theo đạo Hồi ở Việt Nam.

Ông Lưu Hoàng Điệp cho biết hiện có khoảng trên 45 ngàn tín đồ theo đạo Bàni, chủ yếu tại hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Ông nói thêm:

“Người Bàni thờ tổ tiên, các anh hùng liệt nữ xưa kia, chứ không hề biết gì về thánh Allah hay Muhamad của đạo Hồi.”

Các tín đồ Chăm Bàni cho rằng họ có những tập tục, lễ nghi khác với người theo đạo Hồi. Do đó, gộp tôn giáo của họ chung với đạo Hồi là “không thể chấp nhận được.”

Người Chăm Bàni. Photo Luu Hoang Diep
Người Chăm Bàni. Photo Luu Hoang Diep

Từ Thụy Điển, ông Thành Thanh Dải, Tiến sĩ chính trị quốc tế học, hiện là đại biểu dân sự của dân tộc Chăm trong hệ thống dân sự tại LHQ, nói với VOA:

“Bàni là một tôn giáo dân gian, bản địa, hình thành và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam bây giờ và trước đây là Chămpa. Bàni không có liên quan gì đến Hồi giáo chính thống ở Trung Đông, khối Ảrập.

“Hiện nay, chính phủ Việt Nam gộp chung tôn giáo Bàni và Hồi giáo. 45 ngàn tín hữu Bàni khi biết rằng chính phủ Việt Nam có chính sách gộp lại như vậy đã gây ra sự bức xúc, bất bình và xáo trộn trong sinh hoạt và đời sống tinh thần của các giáo dân, tín hữu Bàni.”

“Chính phủ Việt Nam không được quyền loại bỏ tôn giáo Bàni mà có lịch sử hình thành gần 400-500 năm về trước,” ông Thành Thanh Dải nhấn mạnh.

Đạo Hồi nằm trong danh mục 16 nhóm tôn giáo được Bộ Nội vụ Việt Nam công nhận vào tháng 12/2020. Theo đó, các tín đồ Bàni bị liệt vào nhóm này, với tên gọi là Hồi giáo Bàni.

Truyền thông trong nước nói rằng người Chăm tại Ninh Thuận và Bình Thuận “chủ yếu” theo Hồi giáo và Bàlamôn giáo, và không gọi Bàni là một tôn giáo.

Một người đàn ông Chăm Bàni. Photo Luu Hoang Diep
Một người đàn ông Chăm Bàni. Photo Luu Hoang Diep

VOA đã liên lạc các cơ quan chức năng của Việt Nam bao gồm Bộ Công an - cơ quan quản lý thủ tục làm căn cước công dân, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo Bình Thuận và Ninh Thuận, để tìm hiểu về các vấn đề mà tín đồ Bàni đang bức xúc, nhưng chưa được phản hồi.

Vào cuối tháng 3/2021, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) dẫn lời Thượng tá Nguyễn Văn Sen, Phó Trưởng Công an huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết: “Trong hệ thống phần mềm (làm Căn cước công dân) không thể hiện danh mục tôn giáo Bàni, nên vẫn làm thống nhất theo chỉ đạo của Bộ Công an.”

“Còn trong quá trình làm rồi, nếu sau này có ý kiến từ cấp trên thì sẽ chỉnh sửa,” ông Nguyễn Văn Sen cho biết thêm.

Được biết trước đây khi người dân làm giấy chứng minh nhân dân, họ được khai là theo tôn giáo Bàni, hay đạo Bàni.

Tiến sĩ Thành Thanh Dải tại một phiên thảo luận ở diễn đàn LHQ.
Tiến sĩ Thành Thanh Dải tại một phiên thảo luận ở diễn đàn LHQ.

Ông Thành Thanh Dải, còn có tên gọi là Daisa Dao, đồng thời là một tín hữu tôn giáo Bàni, là bày tỏ mong muốn:

“Chúng tôi mong muốn chính phủ Việt Nam xem xét tư cách pháp lý của tôn giáo Bàni độc lập với Hồi giáo vì chúng tôi không theo đạo Hồi. Chính phủ Việt Nam cần phải khách quan, sáng suốt để chúng tôi thờ phượng tổ tiên ông bà theo tín ngưỡng dân gian của mình.

“Cá nhân tôi là người đại diện tinh thần dân tộc Chămpa tại hệ thống dân sự LHQ, trong quá trình tham gia diễn đàn hơn 10 năm nay, tôi lên tiếng bênh vực cho quyền căn bản về văn hóa, giáo dục, quyền bảo tồn di sản và giá trị tinh thần người Chăm.

Kháng thư gửi đến chính quyền Việt Nam.
Kháng thư gửi đến chính quyền Việt Nam.

“Tôi cũng khuyên anh em nên đấu tranh theo tình tự pháp lý của Việt Nam, có thiện chí và bình tĩnh, không dùng bạo lực…tiến hành các tình tự pháp lý căn cứ vào công pháp quốc tế về vấn đề tôn giáo mà Việt Nam đã cam kết.”

Vào cuối tháng 5/2021, Tiến sĩ Thành Thanh Dải, đã gửi một kháng thư đến Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong đó ông phản đối việc chính quyền “cải biến” 45 ngàn tín đồ Bàni thành các tín đồ Hồi giáo “một cách phi lý và phi pháp.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG