Đường dẫn truy cập

Tiếng Anh địa phương


Ngay sau khi viết xong bài blog Nghe Oscar, Nói Oscar lần trước, cho dù Cá có thú nhận là bản thân Cá rất ít khi xem phim nước ngoài một mình, nhưng không hiểu có động lực nào đó mà bỗng dưng Cá đã nổi hứng xem một trong những bộ phim được đề cử nhiều giải Oscar năm nay là Life of Pi. Tuy đã ở Mỹ một thời gian, vốn Tiếng Anh đủ nghe đủ hiểu, nhưng Cá phải có thêm một thú nhận nữa là Cá khá sợ xem mấy phim có người Ấn Độ nói Tiếng Anh. Cũng thật may mà các diễn viên trong phim Life of Pi nói tiếng Anh khá rõ nên ít ra Cá còn hiểu, nhưng có lẽ vì họ là diễn viên cho nên họ bắt buộc phải nói chuẩn và rõ, nhưng còn ngoài đời thì sao? Đâu phải ai cũng có thể nói chuẩn và rõ cho chúng ta nghe phải không nào.

Trong khi người Ấn nói Tiếng Anh nhiều, nhưng Ấn cũng có những ngôn ngữ của riêng họ, khi bạn không nghe nổi ra một từ nào đó Tiếng Anh, có thể họ đang nói tiếng của riêng họ với bạn
Trong khi người Ấn nói Tiếng Anh nhiều, nhưng Ấn cũng có những ngôn ngữ của riêng họ, khi bạn không nghe nổi ra một từ nào đó Tiếng Anh, có thể họ đang nói tiếng của riêng họ với bạn
Thực sự chuyện sợ người Ấn nói Tiếng Anh này không hề liên quan tới chuyện chủng tộc gì cả, mặt khác, Cá còn rất thích các điệu nhảy, rồi đồ ăn của người Ấn nữa. Phim Bollywood mà có phụ đề Tiếng Việt hay Tiếng Anh là Cá cũng khoái xem lắm. Tuy nhiên, cái Cá sợ là khi nghe người Ấn nói Tiếng Anh, Cá mà hiểu được 30-40% là Cá phục bản thân Cá luôn. Hồi trước đi học ở trường, tuy trường Cá không có sinh viên Ấn, nhưng hàng năm đều có nhận giáo viên/trợ giảng hay một học giả nào đó cho chương trình trao đổi văn hóa, cho nên Cá cũng có cơ hội được tiếp xúc với hai vị Cha xứ người Ấn. Phải nói là họ vô cùng dễ thương, thân thiện, và chịu khó hòa nhập, cho dù độ tuổi của họ cách độ tuổi của các sinh viên cũng khá lớn. Nhưng mà cứ mỗi khi Cá nói chuyện với họ, được vài câu đầu thôi, hình như các Cha thấy mặt Cá ham hóng chuyện lắm hay sao mà càng về sau, các Cha nói chuyện, chia sẻ càng có đà, mà có đà thì các bạn biết rồi đấy, các Cha nói gì não Cá cũng không còn khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin nữa.

Thực ra khi nghe Tiếng Anh chuẩn, đối với nhiều người khi mới học nghe Tiếng Anh, thì người bản ngữ nói chậm sẽ dễ dàng cho họ hiểu hơn. Càng về sau khi quen với cách phát âm rồi thì tốc độ nói không còn là vấn đề nữa. Thậm chí, có nhiều người tuy không nghe được một số từ nào đó nhưng nếu nắm được từ khóa (key words) là cũng đủ hiểu rồi. Nhưng thực sự khi mà người Ấn nói chuyện, kể cả người ta nói chậm đến mức đủ thời gian cho bạn ăn xong một bữa cơm thì cũng vẫn khó mà hiểu hết họ nói gì.

Giống như ở Việt Nam chúng ta có tiếng địa phương như giọng Huế, giọng Quảng, giọng miền Tây v…v.. thì Tiếng Anh cũng như vậy. Ấn Độ thực tế tuy cũng là một trong số rất nhiều nước nói Tiếng Anh nhưng không phải Anh Mỹ. Họ có cách phát âm, tạm gọi là Tiếng Anh địa phương, trong Tiếng Anh gọi là dialect, gần như khác hoàn toàn cách phát âm tiếng Anh Mỹ. Tương tự, người Anh sẽ nói Tiếng Anh khác người Mỹ vì họ có tiếng British English của họ; người Úc có Australian English, người Scotland có giọng Scottish, người Ai-len có giọng Irish, người Singapore có Singlish, người Malaysia có Manglish, hay thậm chí hàng xóm của Mỹ là Canada cũng có cách phát âm hơi khác người Mỹ. Cá kể ra nhiều loại Tiếng Anh như vậy không có ý dọa các bạn đang học Tiếng Anh đâu, Cá chỉ muốn các bạn nhận thức được một điều là khi ở Việt Nam, bạn học Tiếng Anh ở Hội đồng Anh chẳng hạn, nhưng bạn lại sang Mỹ, thì bạn cũng hãy chuẩn bị tinh thần điều chỉnh lại cách phát âm và tập nghe lại giọng. (Nhưng mà thực ra nếu bạn có thể nói giọng Anh-Anh chuẩn thì vẫn có thể giữ giọng đó. Nếu bạn là phái nam, đó có thể là một điểm cộng cho chính bạn, vì thực ra các cô gái Mỹ rất thích giọng Anh-Anh. Mấy cô bạn Mỹ của Cá nói rằng họ rất thích đàn ông nói giọng Anh-Anh vì nghe rất trầm ấm, quyến rũ.) Tương tự, nếu bạn đang quen nghe giọng Anh Mỹ mà lại đi du lịch ở Ấn Độ hay Úc thì việc bạn không hiểu người đối diện nói gì, cho dù là họ đang nói Tiếng Anh thật, thì cũng đừng hoảng. Chưa chắc là do Tiếng Anh các bạn kém, mà thực ra là bạn chưa có cơ hội tiếp xúc với cách nói Tiếng Anh địa phương như thế này.

Xin kể một chuyện cho các bạn yên tâm. Chuyện này liên quan tới một trong hai vị Cha xứ mà Cá kể ở trên. Trong một lần vị Cha này làm một bài thuyết trình ngắn về văn hóa Ấn Độ tại trường, cho dù cả giảng đường ai nấy đều im lặng, và sau khi Cha kết thúc bài thuyết trình, mọi người vỗ tay rào rào. Một vị Giáo sư dạy Toán người Mỹ ngồi cạnh Cá vừa vỗ tay vừa quay sang thì thầm hỏi Cá: “Từ nãy Cha nói em có hiểu gì không?” Cá cũng vẫn vừa vỗ tay, làm mặt hoan hỉ, nhe răng cười, quay sang thì thầm lại với Giáo sư: “Không cô ạ, em hiểu chết liền luôn đó cô.”

Người Việt mình có nhiều người rất giỏi đọc, viết, ngữ pháp, nhưng khi cần phải giao tiếp trực tiếp bằng Tiếng Anh thì còn rụt rè vì chưa đủ tự tin, nhưng biết sai chỗ nào thì sẽ sửa được thôi bạn ạ
Người Việt mình có nhiều người rất giỏi đọc, viết, ngữ pháp, nhưng khi cần phải giao tiếp trực tiếp bằng Tiếng Anh thì còn rụt rè vì chưa đủ tự tin, nhưng biết sai chỗ nào thì sẽ sửa được thôi bạn ạ
Cá kể chuyện này cho các bạn để các bạn yên tâm là không phải ai nói Tiếng Anh là có thể hiểu nhau hết 100%. Chuyện hoàn toàn không hiểu gì cũng rất có thể xảy ra. Cái này là do phát âm địa phương thôi. Tuy nhiên, Cá cũng không muốn các bạn dễ dãi trong việc tập nói, tập phát âm đâu. Chúng ta là người Việt nói Tiếng Việt nên dù sao cũng có thiên hướng đưa ngôn ngữ Tiếng Việt đâu đó vào trong cách phát âm Tiếng Anh, người nói Tiếng Anh bản địa có thể dễ dàng biết bạn sống ở Mỹ lâu, hay bạn mới đến Mỹ, chỉ dựa trên cách bạn nói Tiếng Anh. Tất nhiên là không phải ai cũng có khả năng hay năng khiếu nói chuẩn, phát âm chuẩn, nhưng khi học Tiếng Anh, các bạn đừng nên bỏ qua chuyện tập phát âm chuẩn. Có thể bạn không có cách luyến láy của người bản địa, nhưng một âm A bạn không thể phát âm thành Z được, và nếu phát âm không chuẩn có thể gây ra nhiều hiểu nhầm tai họa lắm. Cá để ý bạn của Cá khi học Tiếng Anh lúc trước, đặc biệt lúc ngồi học từ mới, bao giờ cũng chỉ ngồi tra nghĩa của từ là gì mà lại luôn bỏ qua một thứ rất quan trọng ngay cạnh, đó là phiên âm chuẩn của từ đó. Kết quả là ai cũng phát âm sai lung tung, mặc dù có thể hiểu rất rõ từ đó và ngữ pháp rất chuẩn.

Vì Cá không có chuyên môn trong chuyện dạy phát âm cho nên cũng không biết rõ có những giáo trình gì có thể giúp các bạn phát âm chuẩn. Các bạn có thể tham khảo trên Youtube. Bạn có thể tìm theo từ khóa như Indian English accent, UK accent, Singlish accent, hoặc đơn giản là English in various accents etc. Nhưng những clip này chủ yếu nghe cho vui, còn dù sao chúng ta cũng nên tập trung vào một cách phát âm chuẩn đã.

Cá nhớ lúc còn đi học, Cá có đăng ký học một lớp Phát âm của khoa Sân Khấu cho vui, học cùng với các bạn Mỹ khác, và Cá có được biết qua một số lỗi phát âm cơ bản của người Việt. Ví dụ: There. Thay vì có cách phát âm là ðɛər (các bạn vào các trang từ điển trên mạng để biết cách phát âm chuẩn nha, Cá chỉ có thể viết cách phiên âm ở đây thôi), thì nhiều người lại đọc âm ‘th’ như là chữ Đ. Thank: nên đọc là θæŋk thì người Việt mình lại đọc ‘th’ y như âm ‘th’ trong Tiếng Việt, tức là ‘thanh.’ Hoặc chữ S như trong Tiếng Việt là phải đọc nặng, nhưng khi vào Tiếng Anh thì phải đọc như chữ X trong Tiếng Việt vậy, còn những từ bắt đầu bằng ‘sh’ như trong ‘she, shoe, shot’ thì mới đọc như chữ S trong Tiếng Việt. Còn rất rất nhiều những ví dụ khác nhưng Cá chưa kịp nhớ ra và cũng không thể liệt kê hết ở đây được, cho nên Cá sẽ minh họa bằng đoạn video của VOA dưới đây, các bạn có thể nghe tham khảo.

Chúc các bạn học vui! Nếu muốn chia sẻ thêm với Cá hay có câu hỏi nào, hãy cứ email cho Cá tại voatiengvietblog@gmail.com. Và cho Cá chú thích một chút là những chữ Cá bôi xanh (blue) ở trên như 'người Ấn nói tiếng Anh, British, Scottish v...v..' là Cá có đính kèm đường dẫn tới video trên Youtube cho các bạn tham khảo đó.

Anh ngữ đặc biệt: Bilingualism (VOA)
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:19 0:00
  • 16x9 Image

    Cá Vàng

    Mong với những trải nghiệm nho nhỏ nhưng rất thật của mình với tư cách là một du học sinh ở Mỹ, mình có thể giúp được một số người, đặc biệt những ai Thích Đi Mỹ, có thể hiểu hơn chút ít về miền đất Bắc Mỹ này.
XS
SM
MD
LG