Đường dẫn truy cập

Thế tiến thoái lưỡng nan của kinh tế thế giới


Thế tiến thoái lưỡng nan của kinh tế thế giới
Thế tiến thoái lưỡng nan của kinh tế thế giới

Cơn khủng hoảng đã qua và thế tiến thoái lưỡng nan ở phía trước

Nói cho công bằng, tình hình đã ổn định hơn rất nhiều so với nửa đầu năm 2009. Thế giới đã trải qua hai năm chao đảo kể từ khi Lehman Brothers sụp đổ. Việc ngăn cơn xoáy lốc khủng hoảng ở Mỹ và Châu Âu đã tỏ ra thành công mỹ mãn qua các kế hoạch cứu trợ (bailout) dứt khoát, đúng thời điểm, và nhanh chóng của các chính phủ.

Nhìn lại những ngày tháng đen tối của 2 năm trước thì hẳn chúng ta có lý do để vui mừng. Trong một động thái khá độc đáo, Warren E. Buffett đã đăng một thư gửi Chú Sam trên báo New York Times ngợi ca thành công của Chính phủ Mỹ (ngày 16 tháng 11, 2010). Lá thư khá hài hước này có đoạn viết:

“Cháu không biết Chú đã phối hợp chỉ đạo chuyện này thế nào. Nhưng cháu đã có chỗ ngồi khá tốt khi chứng kiến những sự kiện này diễn ra và cháu phải tán dương một số chiến binh của chú. Trong những ngày tháng tối tăm nhất, Ben Bernanke, Hank Paulson, Tim GeithnerSheila Bair đã nắm bắt được bản chất của vấn đề và đã hành động đầy dũng cảm và quyết đoán. Và mặc dầu cháu chẳng bao giờ bầu cho George W. Bush, cháu phải dành cho ông ấy sự kính trọng lớn lao trong vai trò lãnh đạo, ngay cả khi Quốc Hội chẳng làm gì ngoài việc tạo dáng và cãi vã.”

(Lá thư ký tên: Đứa cháu trai đầy lòng biết ơn của Chú)

Thế nhưng nhìn về phía trước thì có vẻ như cả kinh tế Mỹ và thế giới đang ở tư thế giằng co tiến thoái lưỡng nan. Hiện trạng này khiến nhiều đại thụ như Paul Krugman đang lo ngại rằng thế giới sẽ bị rơi vào “một thập kỷ bị đánh mất” giống như Nhật Bản trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Thế tiến thoái lưỡng nan của kinh tế thế giới
Thế tiến thoái lưỡng nan của kinh tế thế giới

Lý do mà Krugman và nhiều người khác lo lắng không nằm ở chỗ tình hình không có lời giải, mà nó nằm ở chỗ không có sự đồng thuận về mặt chính trị để thực hiện. Những người đi theo trường phái này cho rằng lực cầu (demand) từ khu vực tư nhân không đủ mạnh và còn lâu mới mạnh trở lại do quá trình giảm nợ mới chỉ bắt đầu khởi động.

Còn nhớ trong giai đoạn trước khủng hoảng tỷ lệ nợ trên thu nhập của các hộ gia đình ở Mỹ và Châu Âu đã tăng chóng mặt. Riêng ở Mỹ, tỷ lệ này đã tăng từ khoảng 80% thu nhập cá nhân (năm 2002) lên 110% thu nhập cá nhân chỉ trong vòng 6 năm. Tỷ lệ nợ này bị coi là quá đáng quá thể và người dân hiện nay đang phải trải tiếp tục giảm nợ, dẫn tới lực cầu tiêu dùng tư nhân còn yếu.

Trong khi đó, việc các chính phủ nới lỏng chính sách tài khóa (tăng tiêu dùng của nhà nước) là việc rất khó thực hiện vì không có đồng thuận chính trị. Như ở Mỹ, ngay cả việc nới lỏng chính sách tiền tệ (để thúc đẩy tiêu dùng tư nhân) cũng gặp phải phản ứng mãnh liệt vì nhiều người (và nhiều nước) cho rằng việc này làm mất giá đồng USD.

Thế nên những người như Krugman bi quan rằng sẽ không có lực cầu đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế. Doanh nghiệp sẽ không có động cơ mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì thế, có vẻ như kinh tế thế giới đang hướng đến một kỳ ngủ đông kéo dài.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG