Đường dẫn truy cập

Thụy Điển vượt qua rào cản cuối cùng để gia nhập NATO


Thủ tướng Thuỵ Điển Ulf Kristersson, trái, và Thủ tướng Hungary Viktor Orban họp báo chung tại Budapest, Hungary, ngày 23/2/2024.
Thủ tướng Thuỵ Điển Ulf Kristersson, trái, và Thủ tướng Hungary Viktor Orban họp báo chung tại Budapest, Hungary, ngày 23/2/2024.

Quốc hội Hungary hôm 26/2 phê chuẩn việc gia nhập NATO của Thụy Điển, xóa bỏ rào cản cuối cùng trước bước đi lịch sử của quốc gia Bắc Âu có tính trung lập kéo dài qua hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc xung đột âm ỉ trong Chiến tranh Lạnh.

Cuộc biểu quyết của Hungary đã chấm dứt nhiều tháng trì hoãn trong việc hoàn thành thay đổi chính sách an ninh của Thụy Điển và diễn ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hôm 23/2, trong đó hai nước đã ký một thỏa thuận vũ khí.

Ông Kristersson nói trong một cuộc họp báo: “Thụy Điển đang bỏ lại phía sau 200 năm trung lập và không liên kết quân sự”.

“Chúng tôi gia nhập NATO để bảo vệ bản sắc của chúng tôi và mọi thứ chúng tôi tin tưởng thậm chí còn tốt hơn nữa. Chúng tôi đang bảo vệ quyền tự do, nền dân chủ và các giá trị của mình cùng với những nước khác.”

Chính phủ của Thủ tướng Hungary, Viktor Orban, đối mặt với áp lực từ các đồng minh NATO để phải chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập liên minh NATO.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngay lập tức hoan nghênh động thái của Hungary. Ông nói trên X: “Tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ làm cho tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn và an toàn hơn”.

Stockholm đã từ bỏ chính sách không liên kết để có được sự an toàn cao hơn trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine từ năm 2022.

Với việc Thụy Điển theo chân Phần Lan gia nhập NATO, Tổng thống Vladimir Putin gặp đúng điều mà ông tìm cách ngăn chặn khi phát động cuộc chiến ở Ukraine: sự mở rộng của liên minh NATO, theo các nhà lãnh đạo phương Tây.

Ông Kristersson nói: “Khi nói đến Nga, điều duy nhất chúng tôi có thể dự kiến là họ sẽ không thích việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO”. “Ngoài ra, họ còn làm gì thì chúng tôi không thể biết. Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi thứ.”

Sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, quốc gia không có chiến tranh kể từ năm 1814, là sự mở rộng đáng kể nhất của liên minh kể từ khi NATO tiến vào Đông Âu vào những năm 1990.

Trong khi Thụy Điển đã tăng cường hợp tác với liên minh này trong những thập niên gần đây, góp phần vào các hoạt động ở những nơi như Afghanistan, tư cách thành viên của nước này được thiết lập để đơn giản hóa việc lập kế hoạch và hợp tác quốc phòng ở sườn phía bắc của NATO.

Ông Robert Dalsjo, nhà phân tích cấp cao tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ, cho biết: “NATO có được một thành viên nghiêm túc và có năng lực và điều này sẽ loại bỏ yếu tố bất ổn ở Bắc Âu”.

“Thụy Điển đạt được an ninh trong đám đông các nước... được hỗ trợ bởi khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ.”

Thụy Điển cũng đưa các nguồn lực như tàu ngầm tiên tiến phù hợp với điều kiện Biển Baltic và một phi đội máy bay chiến đấu Gripen sản xuất trong nước khá lớn vào liên minh. Nước này đang tăng chi tiêu quân sự và sẽ đạt ngưỡng 2% GDP của NATO trong năm nay.

Đường dài đến phê chuẩn

Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm dấy lên làn sóng ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO, đặc biệt khi nước láng giềng Phần Lan, nơi có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ, đã nhanh chóng gia nhập.

Cô Josefine Wallbom, 23 tuổi, sinh viên khoa học chính trị, nói tại Stockholm: “Đó là một hành trình dài.” “Tôi và mọi người lúc đầu có thể hơi nghi ngờ, nhưng bây giờ tôi cảm thấy đó là quyết định đúng đắn.”

Trong khi Phần Lan gia nhập NATO vào năm ngoái, Thụy Điển vẫn phải chờ đợi khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, cả hai đều duy trì mối quan hệ tốt hơn với Nga so với các thành viên khác trong liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu, đã đưa ra phản đối.

Thổ Nhĩ Kỳ từ chối phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển và yêu cầu hành động cứng rắn hơn chống lại các phần tử hiếu chiến thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà họ cho rằng đã trú ẩn ở Thụy Điển.

Thụy Điển đã thay đổi luật pháp và nới lỏng các quy định về bán vũ khí để xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Tayyip Erdogan cũng liên kết việc phê chuẩn với việc Mỹ chấp thuận bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, và Ankara hiện mong đợi Mỹ sẽ nỗ lực để đảm bảo sự ủng hộ từ Quốc hội Mỹ.

Sự chậm trễ của Hungary về bản chất ít rõ ràng hơn khi Budapest chủ yếu bày tỏ sự khó chịu trước những lời chỉ trích của Thụy Điển về đường hướng dân chủ dưới thời thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc Orban hơn là bất kỳ yêu cầu cụ thể nào.

Việc phê chuẩn của Hungary, được đa số các nhà lập pháp ủng hộ, giờ đây sẽ được chủ tịch quốc hội và tổng thống nước này ký trong vòng vài ngày tới. Sau đó, các thủ tục còn lại, chẳng hạn như nộp hồ sơ gia nhập tại Washington, có thể sẽ được hoàn tất nhanh chóng

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG