Đường dẫn truy cập

Thụy Điển thay đại sứ tại TQ vì ‘xử lý sai’ vụ người bán sách Hồng Kông


Bảo vệ canh gác trước cổng Đại sứ quán Thụy Điển ở Bắc Kinh.
Bảo vệ canh gác trước cổng Đại sứ quán Thụy Điển ở Bắc Kinh.

Ngày 14/2, Thụy Điển cho biết họ đã thay thế đại sứ tại Trung Quốc vì cách “xử lý sai” của bà khi tổ chức các cuộc họp không được cho phép nhằm giúp đỡ cho nhà xuất bản sách bất đồng chính kiến Quế Dân Hải, theo Reuters.

Nhà xuất bản người Thụy Điển, có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên xuất bản sách chỉ trích các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã bị bắt cóc ở Thái Lan vào năm 2015 và sau đó xuất hiện trong tình trạng bị giam giữ tại Trung Quốc đại lục.

Con gái của ông, Angela Quế, hồi đầu tuần này nói rằng cô đã gặp Đại sứ Anna Lindstedt và hai doanh nhân ở Stockholm vào tháng 1, và họ khuyên cô nên giữ im lặng về trường hợp của cha mình trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết đó không phải là một cuộc họp chính thức, và bà Lindstedt hiện đã quay trở lại Thụy Điển và một phái viên tạm thời đã được điều đến Bắc Kinh trong một cuộc điều tra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Rasmus Eljanskog cho biết trong một email gửi cho Reuters rằng: “Cả Bộ Ngoại giao lẫn Ngoại trưởng đều không được thông báo cho đến sau khi sự kiện xảy ra”.

“Do hậu quả của việc làm sai trong cách thực hiện các cuộc họp nói trên, chúng tôi hiện đang điều tra nội bộ”.

Ông Quế, 54 tuổi, trở thành công dân Thụy Điển sau khi du học tại nước này vào những năm 1980. Sau vụ bắt cóc, ông đã được thả ra vào tháng 10 năm 2017, nhưng nơi ở của ông không rõ ràng cho đến tháng 1 năm ngoái, khi con gái ông nói rằng ông đã bị các đặc vụ Trung Quốc bắt giữ trên một chuyến tàu hướng về Bắc Kinh trước sự chứng kiến của các nhà ngoại giao Thụy Điển.

Trung Quốc sau đó xác nhận đã bắt giữ ông Quế.

Trên trang blog của mình, cô Angela Quế cho biết bà Lindstedt đã mời cô đến Stockholm để gặp hai doanh nhân có thể giúp cho việc phóng thích cha cô.

“Các doanh nhân nói ‘Nếu cô thực sự lo cho bà Anna (Lindstedt) mà cô cứ tiếp tục nói chuyện với giới truyền thông, thì sẽ làm hại sự nghiệp của bà ấy. Cô không muốn bà ấy gặp bất kỳ tổn hại nào, phải không?’”, Reuters dẫn lời cô Quế trong bài đăng trên blog Medium.

“Để tốt cho việc đàm phán, họ bảo tôi cần phải im lặng. Tôi không nên nói với bất cứ ai về điều này, hoặc nói bất cứ điều gì công khai về vụ này”, cô Quế cho biết thêm.

“Tôi sẽ không im lặng để đổi lấy... một lời hứa bâng quơ rằng cha tôi ‘có thể” được phóng thích nữa. Những lời đe dọa, trấn áp, mua chuộc hoặc tâng bốc sẽ không thay đổi điều đó”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận sự việc này. Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói bà không biết gì về tình hình mới nhất của ông Quế. Trên trang web chính thức, đại sứ quán Trung Quốc tại Stockholm cho biết họ không cho phép bất cứ ai liên hệ với con gái ông Quế.

“Phía Trung Quốc xử lý vụ Quế Dân Hải theo đúng luật pháp và thủ tục pháp lý”, Bộ này nói.

Vụ bắt cóc ông Quế ban đầu, cùng với bốn người khác một chợ sách ở Hồng Kông, đã gây ra những lo ngại về sự can thiệp của Bắc Kinh ở Hồng Kông, mặc dù cựu thuộc địa của Anh được đảm bảo các quyền tự do lớn hơn khi được trả lại cho Trung Quốc đại lục.

Bốn người khác đã trở về Hồng Kông sau đó. Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã thúc đẩy cho việc phóng thích ông Quế.

Thụy Điển cho biết họ đang tiếp tục tìm tự do cho ông Quế, trong lúc bà Lindstedt phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt về điều mà lãnh đạo của Đảng Cánh tả Thụy Điển gọi là một vụ “bê bối thái quá”.

“Một đại sứ Thụy Điển lại thực hiện hành vi của độc tài và cố gắng bịt miệng con gái của một tù nhân chính trị Thụy Điển ở Trung Quốc”, Reuters dẫn lời ông Jon Jon Sjostedt nói với truyền hình địa phương.

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta từng có một vụ bê bối nào tồi tệ hơn trong chính quyền Thụy Điển ở nước ngoài trong nhiều thập niên”.

Bà Lindstedt chưa lên tiếng gì về vụ này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG